Thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025, từ đầu năm đến đầu tháng 12/2023, Trà Vinh đã giải ngân hơn 15,4 tỷ đồng từ nguồn ngân sách Trung ương thực hiện các dự án, tiểu dự án cải thiện đời sống cho người nghèo trong tỉnh.
Tỉnh giải ngân hơn 11,7 tỷ đồng thực hiện 48 dự án hỗ trợ đa dạng hóa sinh kế, phát triển mô hình giảm nghèo như nuôi bò cái sinh sản, nuôi bò vỗ béo, nuôi bò thịt theo hướng an toàn sinh học… cho gần 120 hộ nghèo, gần 340 hộ cận nghèo, 165 hộ mới thoát nghèo, trên 360 hộ dân tộc thiểu số và trên 250 phụ nữ.
Thực hiện Tiểu dự án hỗ trợ cải thiện dinh dưỡng, Sở Y tế mua vật tư, trang thiết bị, tập huấn kỹ năng truyền thông cho đội ngũ cộng tác viên làm công tác chăm sóc dinh dưỡng bà mẹ, trẻ em và giáo viên; nâng cao năng lực truyền thông về dinh dưỡng cho phụ nữ mang thai, học sinh… với tổng kinh phí hơn 900 triệu đồng.
Tỉnh giải ngân trên 1,3 tỷ đồng thực hiện Tiểu dự án Giảm nghèo về thông tin; hơn 700 triệu đồng cho hoạt động truyền thông giảm nghèo đa chiều; hơn 700 triệu nâng cao năng lực thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia giảm nghèo bền vững; hơn 450 triệu đồng cho hoạt động giám sát, đánh giá và 53 triệu đồng cho Tiểu dự án Phát triển giáo dục nghề nghiệp vùng nghèo, vùng khó khăn.
Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trà Vinh Lê Thanh Bình, các chính sách, dự án thuộc Chương trình giúp hộ nghèo trên địa bàn phát triển kinh tế, ổn định đời sống. Tuy nhiên, việc giải ngân nguồn vốn một số ngành, địa phương còn chậm, chưa đảm bảo tiến độ đề ra. Năm 2023, tỉnh được Trung ương phân bổ hơn 79 tỷ đồng thực hiện Chương trình này nhưng đến đầu tháng 12, tỉnh mới giải ngân đạt gần 20%. Riêng nguồn ngân sách tỉnh đối ứng hơn 1,7 tỷ đồng, tỉnh chưa giải ngân.
Việc thực hiện Tiểu dự án hỗ trợ việc làm bền vững gặp khó do đa số hộ nghèo, cận nghèo trên địa bàn là người neo đơn hoặc thành viên hộ là người già, trẻ em, người trong độ tuổi lao động phải đi làm, không có thời gian tham gia học nghề. Do đó, nhu cầu đào tạo nghề rất ít, không đủ điều kiện mở lớp đào tạo.
Để công tác giảm nghèo đạt hiệu quả cao thời gian tới, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trà Vinh yêu cầu các sở, ngành, địa phương đẩy mạnh tuyên truyền mục tiêu giảm nghèo nhằm thay đổi, chuyển biến nhận thức trong giảm nghèo, khơi dậy ý chí chủ động, vươn lên của người nghèo, loại bỏ dần tư tưởng trông chờ vào chính sách của Nhà nước. Đồng thời, các đơn vị đa dạng hình thức truyền thông về giảm nghèo nhằm tạo đồng thuận cao trong xã hội; tuyên truyền, phổ biến mô hình, điển hình giảm nghèo hiệu quả để nhân rộng; phê phán hiện tượng tiêu cực, không muốn thoát nghèo…
Các đơn vị chú trọng hỗ trợ vốn vay phát triển sản xuất, đa dạng nguồn vốn tín dụng cho hộ nghèo, cận nghèo tiếp cận nguồn vốn vay, chương trình, dự án phát triển sản xuất; hướng dẫn hộ nghèo có kế hoạch sử dụng vốn vay hiệu quả.
Để thu hút người lao động đăng ký học nghề theo Tiểu dự án hỗ trợ việc làm bền vững, UBND tỉnh Trà Vinh kiến nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét nâng mức hỗ trợ tiền ăn cho người học nghề lên 100.000 đồng/ngày/người (thay vì 30.000 đồng/ngày/người như hiện nay).
Trà Vinh đề nghị Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội thiết kế hệ thống phần mềm theo dõi nguồn vốn, báo cáo tiến độ giải ngân vốn thực hiện các dự án, tiểu dự án thuộc Chương trình mục tiêu Quốc gia giảm nghèo bền vững tạo thuận lợi trong theo dõi, quản lý và đánh giá kết quả thực hiện Chương trình...
Đến cuối năm 2023, Trà Vinh còn 3.440 hộ nghèo, gần 6.800 hộ cận nghèo (chiếm tương ứng 1,2% và 2,36% tổng số hộ toàn tỉnh), trong đó có 1.860 hộ nghèo Khmer, chiếm 2,09% tổng số hộ Khmer của tỉnh.
Thanh Hòa