Không sử dụng đất rừng đặc dụng, rừng ngập mặn và các khu vực lấn biển để phát triển công nghiệp; không khuyến khích thu hút đầu tư đối với những dự án công nghệ thấp, không thân thiện môi trường; không khuyến khích thu hút các dự án thâm dụng lao động, nguồn nước, nguồn năng lượng, mất an ninh trật tự… Đây là ý kiến chỉ đạo của Thường trực Tỉnh ủy Quảng Ninh tại cuộc họp giao ban mới đây.
Ngoài ra, Thường trực Tỉnh ủy cũng nhấn mạnh việc cấp mới các dự án phát triển công nghiệp sẽ có quy mô không quá 500 ha. Đồng thời, phải có biện pháp xử lý cương quyết đối với các dự án đã được giao đất nhưng chậm đưa vào sử dụng hoặc sử dụng không hiệu quả; đảm bảo phát huy tối đa tiềm năng về đất đai cho phát triển. Cùng đó, tiếp tục rà soát lại quỹ đất tối thiểu của các khu công nghiệp đã có để bố trí quỹ đất đáp ứng yêu cầu về xây dựng nhà ở công trình công cộng, tiện ích, phúc lợi xã hội cho công nhân lao động làm việc tại các khu công nghiệp.
Theo UBND tỉnh Quảng Ninh, trên địa bàn hiện có 5 khu kinh tế, 16 khu công nghiệp được quy hoạch và phân bố trên 10/13 địa phương, với tổng diện trên 378.180 ha.
Về quy hoạch xây dựng, đến nay, 3/5 khu kinh tế đã được phê duyệt Quy hoạch chung xây dựng, 1 khu kinh tế đã được phê duyệt quy hoạch chi tiết 1/2000. Cùng với đó là 6 khu công nghiệp đã có dự án thứ cấp đi vào hoạt động sản xuất kinh doanh ổn định; 3 khu công nghiệp đang triển khai việc lập và hoàn thiện trình duyệt các quy hoạch điều chỉnh; 5 khu công nghiệp đang tập trung giải phóng mặt bằng, đầu tư hạ tầng và thu hút nhà đầu tư; 4 khu công nghiệp đã và đang lập, phê duyệt quy hoạch phân khu lựa chọn nhà đầu tư.
Hoạt động xúc tiến, thu hút đầu tư vào khu công nghiệp, khu kinh tế trên địa bàn những năm gần đây từng bước được đổi mới và tăng cường theo hướng có chọn lọc, lựa chọn các dự án có vốn đầu tư lớn, có thương hiệu, đẳng cấp, lan tỏa và có giá trị gia tăng, công nghệ hiện đại, thân thiện với môi trường; có ngành nghề phù hợp với sự phát triển của tỉnh, đóng góp tích cực vào phát triển kinh tế, xã hội, thu ngân sách và giải quyết việc làm của tỉnh.
Tính đến thời điểm này, các khu công nghiệp, khu kinh tế trên địa bàn tỉnh hiện có 283 dự án đầu tư ngoài ngân sách còn hiệu lực, gồm 90 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) với tổng vốn đầu tư đạt trên 4.300 triệu USD và 193 dự án trong nước với tổng vốn đầu tư đạt trên 111.800 tỷ đồng.
Mặc dù các khu kinh tế, khu công nghiệp từng bước khẳng định là mũi đột phá, hạt nhân động lực để phát triển kinh tế - xã hội, tuy nhiên, thực tế cho thấy, hiệu quả phát triển khu kinh tế, khu công nghiệp vẫn chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế.
Mô hình hoạt động chủ yếu phát triển theo chiều rộng, thu hút đa ngành, đa lĩnh vực; khả năng thu hút đầu tư còn thấp; hàm lượng công nghệ chưa cao; phát triển khu kinh tế, khu công nghiệp chưa đảm bảo bền vững. Một trong những nguyên nhân do khâu tổ chức thực hiện còn yếu; khâu quản lý nhà nước chưa phát huy hiệu quả, hiệu lực.
Thường trực Tỉnh ủy yêu cầu Ban Cán sự Đảng UBND tỉnh và các sở, ngành, địa phương phải đánh giá, nhìn nhận khách quan sự đóng góp của khu kinh tế, khu công nghiệp đối với sự phát triển kinh tế - xã hội thời gian qua, nhất là khâu quản lý nhà nước, đặc biệt là trong lĩnh vực đất đai tại các khu kinh tế, khu công nghiệp. Đồng thời, nghiên cứu để ban hành quy chuẩn, tiêu chuẩn trong thu hút các dự án đầu tư vào khu kinh tế, khu công nghiệp.
Văn Đức