Quảng Ninh đẩy nhanh hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới

Các cán bộ trực tiếp trồng cây sở và hướng dẫn cho người dân trồng đúng kỹ thuật. Ảnh: Thanh Vân - TTXVN
Các cán bộ trực tiếp trồng cây sở và hướng dẫn cho người dân trồng đúng kỹ thuật. Ảnh: Thanh Vân - TTXVN

Tỉnh Quảng Ninh đặt ra mục tiêu đến hết năm 2022, tỉnh sẽ hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới. Trong số đó, tất cả các đơn vị cấp huyện hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới; có 2/7 huyệt đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao; có ít nhất 49/98 xã - đạt 50% số xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao và 25% số xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu.

Quảng Ninh đẩy nhanh hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới ảnh 1Cây sở là loại cây được trồng nhiều ở huyện Bình Liêu (Quảng Ninh). Đây là loại cây phòng hộ đa tác dụng, mọc khoẻ trên các đồi đất lẫn sỏi đá, có đá lộ đầu và có giá trị kinh tế cao từ hạt để ép dầu; giúp chống xói lở do mưa lũ, góp phần bảo vệ môi trường sinh thái và rừng đầu nguồn. Sở Khoa học và Công nghệ Quảng Ninh, Viện Nghiên cứu và Phát triển vùng, huyện Bình Liêu đã trồng cây sở trên địa bàn huyện Bình Liêu với diện tích 500ha, góp phần đưa giống cây sở chất lượng cao vào trồng giúp bà con đồng bào dân tộc thiểu số phát triển kinh tế. Trong ảnh: Các cán bộ trực tiếp trồng cây sở và hướng dẫn cho người dân trồng đúng kỹ thuật. Ảnh: Thanh Vân - TTXVN

Để hoàn thành mục tiêu trên, Thường trực Tỉnh ủy Quảng Ninh yêu cầu, các địa phương cấp huyện, cấp xã phải huy động sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và nhân dân tham gia với tinh thần tích cực và trách nhiệm hơn, nhất là liên quan tới các tiêu chí liên quan tới môi trường như phân loại rác tại nguồn, đảm bảo vệ sinh môi trường, thực hiện đạt chỉ tiêu cảnh quan, không gian trên địa bàn cộng đồng dân cư sáng - xanh - sạch - đẹp, an toàn.

Các địa phương đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn ngân sách tỉnh hỗ trợ xây dựng nông thôn mới và vốn đầu tư phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, biên giới, hải đảo. Đặc biệt, địa phương tranh thủ thời tiết thuận lợi đẩy nhanh tiến độ thi công các công trình, nhất là các công trình hạ tầng phục vụ sản xuất, đảm bảo cả chất lượng và tiến độ thực hiện.

Đối với những tuyến đường giao thông đề xuất xây dựng mới phải được nghiên cứu kỹ lưỡng, đầu tư bài bản, bảo đảm tính chiến lược, lâu dài với tiêu chí tiệm cận với đô thị. Tỉnh tiếp tục phát triển các mô hình sản xuất mới, mô hình liên kết, gắn kết chặt chẽ giữa công nghiệp, dịch vụ với nông nghiệp, giữa phát triển nông thôn bền vững với quá trình đô thị hóa theo hướng "nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại, nông dân văn minh”. Đặc biệt, quan tâm các mô hình sản xuất cho các hộ mới thoát khỏi hộ nghèo, cận nghèo, tránh nguy cơ tái nghèo.

Tỉnh tiếp tục quan tâm, chăm lo phát triển giáo dục, đào tạo, y tế, nhất là ở các xã vùng miền núi, biên giới, biển đảo, y tế dự phòng và y tế cơ sở; trong đó, nghiên cứu xây dựng các cơ chế, chính sách để phát triển đội ngũ nhà giáo, đội ngũ y tế ở những nơi khó khăn.

Các địa phương tận dụng các cơ hội từ hệ thống hạ tầng giao thông ngày càng đồng bộ, hiện đại, thúc đẩy kết nối vùng, liên vùng để đẩy mạnh hướng nghiệp, đào tạo nghề, nâng cao chất lượng lao động. Từ đó, gắn với chuyển dịch cơ cấu lao động, giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập, tạo sinh kế bền vững cho người dân.

Thương trực Tỉnh ủy Quảng Ninh yêu cầu, triển khai chương trình xây dựng nông thôn mới, các địa phương tuyệt đối không chạy theo hình thức mà bảo đảm thực sự hiệu quả, thực chất với mục tiêu cao nhất là nâng cao toàn diện đời sống vật chất và tinh thần của người dân, bảo đảm người dân được thụ hưởng thành tựu phát triển kinh tế - xã hội và tiếp cận các dịch vụ tiệm cận với đô thị.

Trong 6 tháng đầu năm 2022, tiến độ thực hiện chương trình nông thôn mới trên địa bàn tỉnh gắn với Nghị quyết 06-NQ/TU ngày 17/5/2021 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về "phát triển bền vững kinh tế - xã hội gắn với bảo đảm vững chắc quốc phòng - an ninh ở các xã, thôn, bản vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, biên giới, hải đảo..." đã có nhiều chuyển biến tích cực.

Cấp ủy, chính quyền các cấp đã bám sát chỉ đạo của tỉnh, tập trung rà soát, phối hợp chặt chẽ với các sở, ban, ngành để đẩy nhanh tiến độ, thực hiện hoàn thiện, nâng chất các tiêu chí, chỉ tiêu còn thiếu, đảm bảo đạt chuẩn theo các bộ tiêu chí giai đoạn 2021-2025.

Nhân dân các địa phương tích cực, chủ động, phát huy vai trò chủ thể trong tham gia xây dựng nông thôn mới gắn với cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, phong trào thi đua “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới”.

Hiện, thành phố Hạ Long, huyện Vân Đồn đã trình UBND tỉnh hồ sơ hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới, phấn đấu trong tháng 7 này hoàn thiện hồ sơ gửi về Hội đồng thẩm định Trung ương.

Văn Đức

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm