Nhà của gia đình anh Hồ Văn Long ở thôn 7, xã Trà Bui, huyện Bắc Trà My đang được xây dựng để sử dụng trước mùa mưa năm nay. Ảnh Hữu Trung - TTXVN |
Để ổn định chỗ ở an toàn và lâu dài, sau khi thiên tai đi qua, ngoài diện tích đất ở được cấp hơn 200 m2, gia đình anh Hiệp còn được tỉnh Quảng Nam hỗ trợ 70 triệu đồng cộng với nguồn hỗ trợ của các tổ chức, cá nhân và của gia đình được trên 200 triệu đồng để làm nhà mới. Ở nơi mới, ngoài việc được hưởng lợi từ các công trình hạ tầng thiết yếu như điện, nước sạch phục vụ sinh hoạt, việc sản xuất hằng ngày cũng như việc học hành của con em thuận lợi hơn nhiều, anh Hiệp tâm sự.
Niềm vui của anh Hiệp cũng là niềm vui chung của 10 hộ gia đình đồng bào dân tộc Ca Dong ở xã Trà Bui có nhà ở mới an toàn thay cho nhà ở bị sập đổ hoàn toàn do sạt lở núi gây ra. Để ổn định chỗ ở lâu dài cho đồng bào, ngoài việc hỗ trợ kinh phí cho mỗi hộ 70 triệu đồng, đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng thiết yếu ở nơi ở mới, xã Trà Bui còn vận động bà con địa phương hỗ trợ hàng trăm ngày công lao động, giúp đỡ hộ có nhà bị vùi lấp hoàn toàn làm lại nhà ở mới theo tiêu chí 3 cứng: Nền nhà cứng, mái nhà cứng và phên vách cứng.
Nhà của gia đình anh Nguyễn Văn Thiện ở thôn 5, xã Trà Bui, huyện Bắc Trà My đang được xây dựng để sử dụng trước mùa mưa năm nay. Ảnh: Hữu Trung - TTXVN |
Ông Nguyễn Dương Thi, Phó Chủ tịch UBND xã Trà Bui, huyện Bắc Trà My, cho hay: Để ổn định chỗ ở lâu dài cho bà con yên tâm phát triển sản xuất, chúng tôi cùng với các ban, ngành của huyện triển khai quy hoạch những điểm không có nguy cơ sạt lở núi để bố trí, sắp xếp lại dân cư cho 79 hộ trong xã đang sống ở những khu vực có nguy cơ sạt lở núi và lũ quét. Riêng 10 hộ có nhà ở bị sập hoàn toàn, ngoài việc hỗ trợ kinh phí 70 triệu đồng, mỗi hộ còn được cấp ít nhất 200 mét vuông đất để làm nhà ở mới. Hiện nay, bà con xây dựng lại nhà với khối lượng đạt trên 70% và sẽ có chỗ ở an toàn trước mùa mưa năm nay.
Cùng với ổn định chỗ ở, việc tạo sinh kế bền vững cho đồng bào ở những vùng sạt lở núi, vùng thường xuyên bị lũ quét cũng được huyện Bắc Trà My đặc biệt quan tâm. Do đó, bên cạnh việc đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng thiết yếu như đường giao thông, điện sinh hoạt và công trình nước sạch, khi về nơi ở mới, bà con được cấp thêm mỗi hộ ít nhất 1 ha đất sản xuất, được hỗ trợ về cây con giống, được tạo điều kiện để tiếp cận với nguồn vốn vay ưu đãi để phát triển sản xuất, cải thiện thu nhập cho gia đình.
Nhà của gia đình anh Hồ Văn Xun ở thôn 7, xã Trà Bui, huyện Bắc Trà My đang được xây dựng để sử dụng trước mùa mưa năm nay. Ảnh: Hữu Trung - TTXVN |
Ông Trần Anh Tuấn, Chủ tịch UBND huyện Bắc Trà My cho biết: Sau cơn bão số 12 cuối năm 2017, huyện Bắc Trà My thiệt hại lớn về nhà ở, đất sản xuất, cây trồng của bà con. Ngay sau khi mưa lũ đi qua, huyện đã tập trung khắc phục khó khăn, ổn định chỗ ở, kịp thời hỗ trợ những hộ bị thiệt hại để bà con sớm ổn định cuộc sống. Ngoài việc sắp xếp lại chỗ ở mới cho những hộ có nhà ở bị hư hại hoàn toàn, huyện còn tập trung bố trí, sắp xếp lại các khu dân cư theo Nghị quyết số 12/NQ-HĐND ngày 19/4/2017 của HĐND tỉnh. Theo đó, từ nay đến năm 2020, huyện sẽ di dời và bố trí lại chỗ ở mới cho 705 gia đình với tổng kinh phí gần 53 tỷ đồng. Riêng năm 2018, từ nguồn kinh phí được phân bổ, huyện đã di dời và tạm ứng kinh phí cho 179 hộ với tổng số tiền gần 6,6 tỷ đồng. Đây là những hộ thuộc diện được ưu tiên di chuyển trước đến nơi ở mới để phòng ngừa rủi ro do mưa lũ có thể gây ra trong mùa mưa lũ sắp đến.
Vẫn còn đó những khó khăn nhất định, nhưng với việc triển khai đồng bộ các nhóm giải pháp như: Đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng thiết yếu, lồng ghép các chương trình phát triển kinh tế - xã hội, tạo điều kiện cho đồng bào sử dụng vốn vay ưu đãi, hỗ trợ sinh kế gắn với vận động đồng bào tích cực vươn lên thoát nghèo, không chỉ đồng bào vùng sạt lở núi xã Trà Bui, mà hàng nghìn hộ đồng bào thuộc diện tái định cư ở huyện Bắc Trà My sẽ sớm có nơi ở mới.
Đoàn Hữu Trung