Quảng Nam: Góp sức thực hiện mục tiêu "mái nhà hạnh phúc"

Các chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới, giảm nghèo bền vững, phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi trên địa bàn Quảng Nam đã tạo ra sức bật lớn trong đầu tư xây dựng phát triển cơ sở hạ tầng, tạo sinh kế, giảm nghèo bền vững cho đồng bào. Cùng với đó, tỉnh Quảng Nam còn triển khai chương trình xóa nhà ở tạm với mục tiêu đến hết năm 2025 sẽ xóa trên 10 nghìn ngôi nhà ở tạm cho hộ gặp khó khăn về nhà ở trong toàn tỉnh, góp phần thực hiện thông điệp “Triệu tấm lòng yêu thương - Nghìn mái nhà hạnh phúc”.

Khi đồng bào góp vốn “đối ứng”

Sau nhiều năm sống trong ngôi nhà tạm bợ, trước mùa mưa lũ năm nay, gia đình chị Hồ Thị Hương ở thôn 1, xã Phước Đức, huyện miền núi Phước Sơn, tỉnh Quảng Nam, đã dọn về nhà ở mới trong niềm vui vô hạn của gia đình và bà con trong thôn.

vna_potal_quang_nam_chung_tay_thuc_hien_muc_tieu_mai_nha_hanh_phuc_7538552.jpg
Nhà ở của đồng bào huyện Phước Sơn, tỉnh Quảng Nam được làm theo tiêu chí “3 cứng’’. Ảnh: Đoàn Hữu Trung-TTXVN

Chị Hương chia sẻ, được Nhà nước hỗ trợ 60 triệu đồng, gia đình chị đóng góp hơn 60 triệu đồng từ nguồn tích cóp trong nhiều năm, tiền vay mượn của bà con để mua vật liệu, trả công thợ. Nhà của chị Hương có hai phòng ngủ, phòng khách và gian bếp, nền nhà lót gạch men, vách xây gạch, tô vữa và quét vôi màu, mái nhà lợp tôn với kèo bằng sắt hộp và gỗ. Gia đình chị Hương là một trong số 27 gia đình ở xã Phước Đức được Nhà nước hỗ trợ kinh phí để xóa nhà ở tạm trong năm 2024.

“Mấy hôm nay không ngủ được, chỉ muốn thức để ngắm ngôi nhà. Bây giờ có nhà ở mới khang trang rồi, không còn lo sợ mưa gió nữa. Hiện gia đình còn một rẫy keo nguyên liệu, trị giá hơn 20 triệu đồng. Sắp tới đây, khi tận dụng vật liệu từ nhà cũ để làm xong chuồng lợn và chuồng bò, gia đình sẽ bán rẫy keo này, lấy tiền mua bò giống, heo giống về nuôi để phát triển kinh tế”, chị Hương khoe.

Ông Hồ Văn Điền, Chủ tịch UBND xã Phước Đức, huyện Phước Sơn chia sẻ, xóa được một ngôi nhà ở tạm cho bà con là một niềm vui lớn. Song điều đáng mừng hơn nữa là bây giờ bà con không còn chỉ biết dựa vào nguồn kinh phí hỗ trợ của Nhà nước mà còn biết tự giác lao động, tích cóp, tiết kiệm và dám vay mượn nhằm có vốn “đối ứng” với nguồn kinh phí hỗ trợ của Nhà nước để làm nhà ở bền vững và khang trang hơn.

vna_potal_quang_nam_chung_tay_thuc_hien_muc_tieu_mai_nha_hanh_phuc_7538544.jpg
Nhà ở của đồng bào huyện Phước Sơn, tỉnh Quảng Nam làm theo tiêu chí “3 cứng’’. Ảnh: Đoàn Hữu Trung-TTXVN

Theo Chủ tịch UBND xã Phước Đức, trong số 27 gia đình ở xã được Nhà nước hỗ trợ kinh phí để xóa nhà ở tạm trong năm 2024, có hơn 10 gia đình có nguồn vốn đóng góp thêm. Điển hình như gia đình chị Hương ở thôn 1 đóng góp thêm hơn 60 triệu đồng, gia đình ông Lê Văn Bé ở thôn 4 đóng góp thêm hơn 40 triệu đồng để làm nhà mới, ổn định chỗ ở lâu dài. Với đà này, trong năm 2025, mục tiêu xóa hết 49 ngôi nhà tạm còn lại trên địa bàn cho bà con có hoàn cảnh khó khăn sẽ hoàn thành, Chủ tịch UBND xã Phước Đức Hồ Văn Điền tin tưởng.

Tiếp sức của Nhà nước

Là một trong những địa phương có nhà tạm nhiều nhất, ông Trần Duy Dũng, Chủ tịch UBND huyện Nam Trà My cho biết, các chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới, giảm nghèo bền vững, phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi trên địa bàn Quảng Nam nói chung và huyện Nam Trà My nói riêng không những đã tạo ra sức bật lớn trong đầu tư xây dựng phát triển cơ sở hạ tầng, tạo sinh kế, giảm nghèo bền vững cho đồng bào mà còn hỗ trợ nguồn lực chính cho bà con xây dựng nhà ở, ổn định cuộc sống lâu dài.

vna_potal_quang_nam_chung_tay_thuc_hien_muc_tieu_mai_nha_hanh_phuc_7538551.jpg
Tất cả các khu nhà mới theo diện tái định cư ở huyện vùng cao Phước sơn, tỉnh Quảng Nam đều được Nhà nước xây dựng các công trình thiết yếu. Ảnh: Đoàn Hữu Trung-TTXVN

Theo Chủ tịch UBND huyện Nam Trà My, trong giai đoạn 2023 - 2025, huyện có kế hoạch xóa gần 2.300 ngôi nhà ở tạm cho gia đình đồng bào. Số lượng nhà cần được xây mới và sửa chữa lớn nói trên là rất lớn. Do đó, cùng với nguồn vốn hỗ trợ của Nhà nước, huyện Nam Trà My đã thực hiện có hiệu quả chương trình xã hội hóa việc xóa nhà ở tạm cho đồng bào.

Mặt khác, do Nam Trà My là địa phương thường xuyên hứng chịu thiên tai nên địa phương tập trung ưu tiên nhiều nguồn vốn khác nhau để hỗ trợ hộ nghèo, hộ cận nghèo, bà con ở khu vực này có thêm điều kiện để làm nhà mới, đảm bảo tiêu chuẩn “3 cứng” để ổn định chỗ ở lâu dài. Với sự vào cuộc đầy trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, sự hỗ trợ kịp thời của Nhà nước và sự chung tay của toàn xã hội, huyện Nam Trà My sẽ hoàn thành việc xóa nhà ở tạm cho đồng bào vào cuối năm 2025.

Ông Lê Quang Trung, Chủ tịch UBND huyện Phước Sơn cho biết, địa phương có 1.540 ngôi nhà thuộc đối tượng được hỗ trợ để sửa chữa và xây dựng mới, phần lớn trong số này là nhà ở của đồng bào các dân tộc thiểu số. Trong đó, có 787 nhà cần được xây mới, còn lại là sửa chữa lớn. Từ nguồn vốn của chương trình mục tiêu quốc gia, nguồn kinh phí hỗ trợ của tỉnh và nguồn hỗ trợ từ các địa phương, đơn vị, trong năm 2023, huyện đã xóa được 270 nhà ở tạm.

“Trong năm 2024 và 2025, Phước Sơn còn 1.230 ngôi nhà cần được sửa chữa và làm mới. Rút kinh nghiệm từ năm trước, năm 2024 này, huyện Phước Sơn triển khai chương trình xóa nhà ở tạm cho đồng bào ngay từ đầu năm và giải ngân trên nguyên tắc làm đến đâu giải ngân đến đó. Với cách làm này, địa phương kỳ vọng sẽ cơ bản xóa được hết số nhà ở tạm còn lại vào cuối năm 2025”, Chủ tịch UBND huyện Phước Sơn kỳ vọng.

Từ nhiều nguồn vốn khác nhau, trong giai đoạn 2023-2025, tỉnh Quảng Nam có kế hoạch xây mới, cải tạo, sửa chữa hơn 15 nghìn ngôi nhà cho đồng bào ở 18 huyện, thành phố trong tỉnh. Hiện, toàn tỉnh còn trên 10 nghìn ngôi nhà cần được xây mới và sửa chữa lớn. Do đó cùng với nguồn kinh phí hỗ trợ của Nhà nước, tỉnh Quảng Nam đang thực hiện cuộc vận động hỗ trợ xóa nhà ở tạm trên địa bàn toàn tỉnh từ nay đến năm 2025.

vna_potal_quang_nam_chung_tay_thuc_hien_muc_tieu_mai_nha_hanh_phuc_7538549.jpg
Chị Hồ Thị Hương, thôn 1, xã Phước Đức, huyện Phước Sơn, góp thêm hơn 60 triệu đồng cùng nguồn kinh phí hỗ trợ xóa nhà tạm của Nhà nước, xây mới ngôi nhà. Ảnh: Đoàn Hữu Trung-TTXVN

Bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam Lương Nguyễn Minh Triết cho biết, xóa nhà ở tạm cho đồng bào gặp khó khăn về nhà ở trên địa bàn tỉnh đang được triển khai tích cực và đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận. Từ năm 2023, Tỉnh ủy Quảng Nam đã ban hành nghị quyết về xóa nhà ở tạm. Mới đây Thủ tướng Chính phủ cũng đã phát động chương trình chung tay xóa nhà ở tạm trên cả nước. Với tinh thần đó, tỉnh xây dựng kế hoạch chi tiết và thành lập Ban Chỉ đạo xóa nhà tạm do Bí thư Tỉnh ủy làm trưởng ban, phấn đấu đến cuối năm 2025 xóa hết 10.456 ngôi nhà tạm và lấy đó làm sản phẩm chào mừng Đại hội Đảng bộ lần thứ 23 của tỉnh.

Cùng với nguồn kinh phí hỗ trợ của Nhà nước, thông điệp “Triệu tấm lòng yêu thương - Nghìn mái nhà hạnh phúc” đang được các tầng lớp nhân dân, cộng đồng doanh nghiệp, các tổ chức, cá nhân và con em tỉnh Quảng Nam trong cả nước hướng tới nhằm góp sức đạt được mục tiêu đến hết năm 2025 cơ bản hoàn thành xóa nhà tạm, nhà dột nát cho hộ gia đình chính sách, hộ nghèo, hộ cận nghèo trên địa bàn tỉnh.

Đoàn Hữu Trung

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm