Lồng ghép nhiều nguồn lực, đặc biệt là Nghị quyết số 13 ngày 22/9/2023 của Hội đồng nhân dân tỉnh về quy định mức hỗ trợ xóa nhà tạm, nhà dột nát trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2023 - 2025, Quảng Nam được xem là địa phương đi đầu trong việc xóa nhà tạm, tạo điều kiện ổn định đời sống người dân khó khăn...
Tại huyện Nam Trà My, bằng việc lồng ghép các nguồn lực, địa phương miền núi này đang nỗ lực triển khai các chương trình hỗ trợ xóa nhà tạm. Giai đoạn 2023 - 2025, số lượng hộ dân cần hỗ trợ xóa nhà tạm của Nam Trà My rất lớn, khoảng 2.281 hộ, trong đó xây mới 1.844 hộ và sửa chữa 437 hộ, chủ yếu là đồng bào Xê-đăng khó khăn.
Ông Trần Văn Mẫn, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân huyện Nam Trà My cho biết, để đảm bảo việc hỗ trợ xóa nhà tạm này, địa phương huy động các cấp, các ngành vào cuộc, đặc biệt là chính quyền cấp xã trong việc hỗ trợ, giúp đỡ làm nhà ở cho hộ nghèo, hộ cận nghèo. Trong đó, tiêu chí ưu tiên là bố trí vốn để tập trung hỗ trợ các xã nằm trong kế hoạch xây dựng xã đạt chuẩn nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025, các xã có nhiều nhà tạm, hộ nghèo, hộ cận nghèo, thường xuyên chịu ảnh hưởng bởi thiên tai, bão, lũ...
Ông Mẫn cho biết thêm: “Chúng tôi yêu cầu các địa phương phải liên tục đôn đốc, kiểm tra, giám sát công tác làm nhà để bảo đảm về diện tích, kết cấu, chất lượng công trình nhà ở và tiến độ làm nhà; quản lý, sử dụng, thanh quyết toán kinh phí hỗ trợ làm nhà đảm bảo đúng mục đích, hiệu quả, đúng quy định. Đồng thời, kiến nghị tỉnh bố trí đủ nguồn vốn thực hiện Dự án 5 thuộc Chương trình mục tiêu Quốc gia giảm nghèo bền vững về hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo, hộ cận nghèo theo Quyết định số 1245 ngày 15/6/2023 của Ủy ban Nhân dân tỉnh để thực hiện trong năm 2024”.
Không chỉ Nam Trà My, nhiều địa phương ở Quảng Nam, đặc biệt là các huyện miền núi như: Đông Giang, Tây Giang, Nam Giang, Phước Sơn… đang nỗ lực triển khai nhiệm vụ xóa nhà tạm, nhằm đảm bảo an cư cho đồng bào khó khăn. Nhiều địa phương linh hoạt lồng ghép các nguồn lực, xã hội hóa nguồn lực giúp “trợ lực” thêm cho mục tiêu an sinh xã hội, tạo sự lan tỏa phong trào hỗ trợ xóa nhà tạm trên địa bàn miền núi.
Ông Trần Anh Tuấn, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Quảng Nam cho biết, theo Nghị quyết số 13 của Hội đồng nhân dân tỉnh, mục tiêu của Quảng Nam trong giai đoạn 2023 - 2025 hoàn thành hỗ trợ xóa 15.735 nhà tạm cho hộ gia đình chính sách, người có công với cách mạng, thân nhân liệt sĩ, hộ nghèo, cận nghèo, tổng kinh phí hơn 407 tỷ đồng.
Hiện nay, Quảng Nam đang tiến hành hỗ trợ xóa nhà tạm theo hai chương trình với tổng số 12.170 nhà. Trong đó, hỗ trợ xây mới và sửa chữa nhà ở trên địa bàn các huyện nghèo theo Quyết định số 1245 là 7.658 nhà; hỗ trợ cho hộ nghèo, cận nghèo, hộ người có công, thân nhân liệt sĩ theo Nghị quyết số 13 của Hội đồng nhân dân tỉnh là 4.512 nhà. Số nhà cần được hỗ trợ lớn nên để việc triển khai thực hiện hỗ trợ xóa nhà tạm, nhà dột nát trên địa bàn tỉnh đến hết năm 2025 đảm bảo kịp thời, đúng quy định và mang lại hiệu quả thiết thực, rất cần sự vào cuộc tích cực, trách nhiệm, xem đây là quyết tâm chính trị lớn của Đảng bộ, chính quyền tỉnh trong đảm bảo an sinh xã hội cho nhân dân.
Khánh Nguyên