Cùng với du lịch biển, đảo, du lịch sinh thái đã và đang trở thành nhóm sản phẩm có sức hút mạnh du khách trong nước lẫn quốc tế mỗi khi đến Quảng Nam. Trong hơn 233.000 lượt khách tham quan và lưu trú tại Quảng Nam dịp lễ 30/4 - 1/5 vừa qua, phần lớn du khách lựa chọn các gói sản phẩm du lịch sinh thái, du lịch biển đảo đã cho thấy sức hấp dẫn mạnh của mảng du lịch được đánh giá giàu tiềm năng của địa phương.
Tiềm năng được đánh thức
Chủ tịch UBND huyện Tiên Phước Trầm Quế Hương cho biết, để hình thành sản phẩm du lịch sinh thái, những năm qua, cùng với việc nâng cấp cơ sở hạ tầng, địa phương hỗ trợ vốn cho hàng trăm gia đình khôi phục và phát triển làng nghề trồng cây ăn trái bản địa, khôi phục kiến trúc cổ, nhà cổ, tường đá cổ độc đáo, bảo vệ môi trường. Đặc biệt, Đề án "Phát triển kinh tế vườn, kinh tế trang trại gắn với phát triển du lịch sinh thái làng quê, xây dựng huyện Tiên Phước mang đặc trưng vùng trung du xứ Quảng giai đoạn 2021-2025" đã phát huy hiệu quả.
Du lịch làng quê Tiên Phước, còn gọi là du lịch xứ Tiên, từ chỗ chỉ có duy nhất sản phẩm làng cổ Lộc Yên với một nhóm hộ triển khai, đến nay đã có sự tham gia của cả cộng đồng. Để có kết quả này, huyện đã lồng ghép nhiều nguồn vốn từ các chương trình phát triển du lịch, chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới nhằm phát triển du lịch cộng đồng. Du lịch xứ Tiên kỳ vọng đón 10 nghìn lượt khách trong năm 2024.
Trong kỳ nghỉ lễ dài ngày vừa qua, mỗi ngày, làng cổ Lộc Yên đón trên 500 khách đến tham quan - Chủ tịch UBND huyện Tiên Phước Trầm Quế Hương thông tin.
Cách các làng du lịch sinh thái xứ Tiên không xa, Khu du lịch sinh thái hồ Phú Ninh (huyện Phú Ninh), nơi được mệnh danh là "Hòn Ngọc Xanh" giữa miền Trung, có diện tích hơn 23.000 ha và hơn 32 hòn đảo lớn, nhỏ được bao bọc giữa làn nước xanh là điểm đến hấp dẫn du khách trong mùa hè với nhiều trải nghiệm giữa thiên nhiên.
Giám đốc điều hành Khu du lịch sinh thái hồ Phú Ninh Huỳnh Tấn Quốc cho biết, từ đầu năm đến nay, trung bình mỗi ngày, Khu du lịch sinh thái Hồ Phú Ninh đón 300 khách đến tham quan, lưu trú. Ngày nghỉ cuối tuần, đặc biệt là kỳ nghỉ lễ dài ngày vừa qua, mỗi ngày, khu du lịch này đón từ 500-700 lượt khách đến "trốn" nắng. Riêng dịch vụ lưu trú, Khu du lịch sinh thái hồ Phú Ninh có 45 phòng đều kín chỗ trong dịp nghỉ lễ, những ngày nghỉ cuối tuần.
Nếu du lịch sinh thái ở phía Nam tỉnh Quảng Nam được đánh dấu bởi các làng du lịch sinh thái cộng đồng xứ Tiên, Khu du lịch sinh thái hồ Phú Ninh, ở vùng sâu trong đất liền, Khu du lịch Cổng Trời Đông Giang (huyện Đông Giang) được xem là điểm nhấn trên hành trình kết nối du lịch Xanh của Quảng Nam và các tỉnh, thành phố trong khu vực, các trung tâm du lịch lớn trên cả nước.
Thực tế sau gần 2 năm vận hành đón khách giai đoạn 1, Khu du lịch Cổng Trời Đông Giang đón hơn 120.000 lượt khách tham quan, lưu trú. Điều này cho thấy thị hiếu của khách du lịch, kể cả khách quốc tế và khách nội địa đều có xu hướng về du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng ngày càng tăng.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Hồ Quang Bửu kỳ vọng, với quy mô 120 ha, tổng vốn đầu tư gần 800 tỷ đồng, Khu du lịch sinh thái Cổng Trời Đông Giang sẽ là động lực, tiền đề giúp du lịch vùng núi phía Tây Quảng Nam tạo ấn tượng tốt đẹp với du khách xa gần. Dự án còn có ý nghĩa tiên phong, góp phần thu hút thêm nhiều dự án mới tại địa phương. Qua đó, đánh thức tiềm năng và nâng cao vị thế, sức cạnh tranh của du lịch miền núi, thay đổi diện mạo, cảnh quan nhằm thực hiện hóa mục tiêu phát triển quy hoạch toàn tỉnh Quảng Nam theo mô hình cấu trúc không gian "hai vùng, hai cụm động lực, ba hành lang phát triển" đã được Thủ tướng chính phủ phê duyệt, trong đó, vùng Tây được định hướng sẽ trỗi dậy, chuyển mình mạnh mẽ thành "thỏi nam châm" hút du khách về với miền núi Quảng Nam.
Để du lịch sinh thái không hụt hơi
Chủ tịch Hiệp hội du lịch Quảng Nam Phan Xuân Thanh đánh giá, du lịch văn hóa, sinh thái, biển đảo trong hành trình du lịch xanh của Quảng Nam bắt đầu có sức thu hút mạnh mẽ với du khách. Trong tổng số hơn 233 nghìn lượt khách tham quan và lưu trú tại Quảng Nam dịp lễ 30/4 - 1/5, phần lớn du khách lựa chọn các gói sản phẩm du lịch sinh thái, du lịch biển đảo cho thấy việc lựa chọn khâu đột phá trong du lịch sinh thái, du lịch biển đảo của Quảng Nam đi đúng hướng.
Theo Chủ tịch Hiệp hội du lịch Quảng Nam Phan Xuân Thanh, tỉnh có tiềm năng lớn về du lịch biển đảo, du lịch vùng sâu trong đất liền, du lịch sinh thái với những trầm tích văn hóa vật thể và phi vật thể cùng hệ sinh thái đa dạng, là nguồn tài nguyên quý giá cần được khai thác bền vững trong thiết kế chuỗi sản phẩm du lịch xanh. Tuy nhiên, để du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng phát triển bền vững, cùng với đầu tư cơ sở hạ tầng của Nhà nước, của doanh nghiệp, cộng đồng dân cư cần được hỗ trợ, tập huấn, trang bị kỹ năng tham gia chuỗi sản phẩm du lịch xanh, Chủ tịch Hiệp hội du lịch Quảng Nam đề xuất.
Giám đốc Silk Sense Hoi An River Resort Trần Thái Do chia sẻ, với vẻ đẹp nguyên sơ, hùng vĩ, du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng gắn với văn hóa bản địa, các khu du lịch sinh thái ở vùng đồng bằng và vùng sâu trong đất liền Quảng Nam hội tụ đầy đủ tiềm năng để mở ra nhiều sản phẩm du lịch độc đáo, hấp dẫn, là điểm nhấn trên hành trình kết nối du lịch xanh, làm đòn bẩy cho du lịch cộng đồng phát triển.
Muốn du lịch sinh thái không bị hụt hơi, thiếu tính bền vững nhưng đồng thời từng bước phát triển trở thành thương hiệu mạnh trong thiết kế "Du lịch xanh - Kết nối và phát triển", ngoài phát triển cơ sở hạ tầng, hỗ trợ thủ tục hành chính, kết nối sản phẩm, hỗ trợ doanh nghiệp làm du lịch, nhất là doanh nghiệp khởi nghiệp tiếp cận với nguồn vốn vay ưu đãi để xây dựng và phát triển sản phẩm mới, cộng đồng du lịch sinh thái cũng cần phải chia sẻ lợi ích lâu dài với cộng đồng dân cư.
Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Hồ Quang Bửu, địa phương xác định du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn, với mục tiêu trong năm 2024 thu hút hơn 7,6 triệu lượt khách. Theo đó, các giá trị văn hóa, lịch sử, tài nguyên thiên nhiên của vùng sâu trong đất liền rộng lớn đang từng bước được khai thác bền vững để xây dựng môi trường du lịch đảm bảo tính sinh thái, nhân văn và chia sẻ lợi ích với cộng đồng. Đây là nền tảng để du lịch sinh thái, du lịch văn hóa trở thành sản phẩm có sức thu hút mạnh với du khách trong nước và quốc tế trong quá trình trải nghiệm các sản phẩm du lịch xanh của Quảng Nam.
Đoàn Hữu Trung