Thực hiện chủ trương chuyển đổi cây trồng, vật nuôi có giá trị kinh tế cao vào sản xuất, giai đoạn 2021 – 2030, huyện Tiên Phước, tỉnh Quảng Nam ước tính phát triển khoảng 1.000 ha cây măng cụt cho quả, với sản lượng khoảng 2.000 tấn.
Toàn huyện Tiên Phước (tỉnh Quảng Nam) đang có khoảng 150ha trồng cây măng cụt, trong đó 50ha đã cho thu hoạch. Nguồn: nongnghiep.vn
Theo ông Mai Minh Nguyệt, Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Tiên Phước, thời gian qua, người dân huyện Tiên Phước đã chuyển đổi được hơn 160 ha cây măng cụt; trong đó, có khoảng 60 ha măng cụt đã cho trái. Với năng suất bình quân khoảng 70 tạ/ha/năm và giá trên thị trường khoảng 100 nghìn đồng/kg, trồng măng cụt cho doanh thu khoảng 700 triệu đồng/ha/năm.
Ông Phan Đình Thi ở thôn Trà Lai, xã Tiên Mỹ, huyện tiên Phước cho biết, so với các loại cây trồng khác, măng cụt hiện nay là cây trồng cho thu nhập cao và ổn định nhất đối với người dân địa phương. Trung bình một cây măng cụt cho thu nhập khoảng 25 triệu đồng/năm, trong khi đó trồng một ha rừng keo tai tượng chỉ bán được 50 - 60 triệu đồng, chưa kể tiền vốn và tiền công. Nhờ trồng cây măng cụt đã giúp cho gia đình ông Thi ổn định kinh tế, có điều kiện cho các con ăn hành.
Bà Võ Thị Hữu ở thôn Trà Lai, huyện tiên Phước khẳng định, măng cụt Tiên Phước không chỉ cho năng suất cao mà chất lượng ngon, ngọt, thơm và nhiều nước hơn so với các loại măng cụt bán trên thị trường.
Thực tế, cây măng cụt trồng ở huyện Tiên Phước có nhiều ưu điểm vượt trội hơn so với các loại cây khác, chịu hạn hán và mưa bão tốt, ít khi bị sâu bệnh nên không tốn công chăm sóc. Mỗi năm, cây cho 2 vụ ra quả, vụ 1 từ tháng 5 – 9 và vụ 2 từ tháng 9 - 12. Hiện xã Tiên Mỹ, Tiên Cảnh, Tiên Kỳ, Tiên Lộc, Tiên Thọ là các địa phương nằm trong vùng trọng điểm phát triển diện tích cây măng cụt ở Tiên Phước.
Theo đại diện phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Tiên Phước, măng cụt không chỉ là cây trồng phát triển kinh tế chủ lực của người dân huyện Tiên Phước mà còn góp phần vào bảo vệ môi trường, chống hoang hóa đồi núi, lấy bóng mát. Bởi, người dân ở đây chủ yếu canh tác cây măng cụt theo truyền thống, canh tác hữu cơ.
Về phía huyện Tiên Phước đang vận động, hỗ trợ người dân cải tạo những diện tích đất hoang hóa, chuyển đổi những diện tích trồng cây kém hiệu quả kinh tế như trồng keo, sang trồng cây măng cụt. Theo đó, huyện Tiên Phước hỗ trợ người dân 70% cây giống, và 50% giếng nước để trồng và lấy nước chăm sóc cây.
Ngoài ra, hàng năm, huyện tổ chức mở các lớp tập huấn hướng dẫn người dân kỹ thuật trồng, chăm sóc, chiết, ươm, thu hoạch và bảo quản quả măng cụt, cũng như tăng cường khuyến cáo không được sử dụng hóa chất trong việc bảo quản măng cụt.
Bên cạnh đó, huyện Tiên Phước đã chủ động phối hợp với các cơ quan truyền thông tăng cường quảng bá về sản phẩm măng cụt của địa phương, đồng thời kêu gọi các doanh nghiệp, nhà sản xuất thu mua măng cụt, hỗ trợ thu mua cho người dân.
Phước Tuệ