Quang cảnh hội nghị. Ảnh: Võ Dung-TTXVN |
Phó Giám đốc Sở Du lịch tỉnh Quảng Bình Đặng Đông Hà nhấn mạnh "Quảng Bình là tỉnh có nhiều lợi thế, tiềm năng phát triển du lịch, nổi bật là Di sản thiên nhiên thế giới Vườn Quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng; “Vương quốc hang động” với hệ thống hang động mang giá trị nổi bật toàn cầu; nhiều bãi tắm đẹp, hoang sơ, nước trong cát mịn, ẩm thực độc đáo, tươi ngon. Ngoài ra, Quảng Bình có các di tích lịch sử, di sản văn hóa đặc trưng, con người thân thiện, chăm chỉ và mến khách".
Với những tiềm năng, lợi thế, du lịch Quảng Bình ngày càng khẳng định thương hiệu, điểm đến hấp dẫn, an toàn và chất lượng. Năm 2017, Quảng Bình đón 3,3 triệu lượt khách du lịch; 6 tháng đầu năm 2018, Quảng Bình ước đón hơn 1,8 triệu lượt, tăng 16,3% so với cùng kỳ, trong đó khách quốc tế ước đạt 85.000 lượt. Được báo chí, chuyên gia quốc tế nhận định là một trong những điểm đến đáng trải nghiệm hàng đầu thế giới, là Kinh đô du lịch mạo hiểm của Châu Á, hiện, Quảng Bình là điểm đến hấp dẫn của các nhà đầu tư du lịch. Quảng Bình đang nỗ lực, tập trung phát triển du lịch bền vững, gắn với lợi ích cộng đồng, chuyển dịch cơ cấu kinh tế dịch vụ, nâng cao chất lượng cuộc sống người dân.
Đại diện lãnh đạo Sở Du lịch Quảng Bình và Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long đã ký kết Biên bản hợp tác phát triển du lịch giữa các tỉnh, thành phố. Ảnh: Võ Dung-TTXVN |
An Giang - Cần Thơ - Kiên Giang - Bạc Liêu - Cà Mau - Sóc Trăng - Hậu Giang là các tỉnh cụm phía Tây, trung tâm du lịch, kinh tế xã hội các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long. Đây là khu vực tập trung các điểm du lịch chủ yếu của 12 tỉnh đồng bằng sông Cửu Long - nơi đón gần 22,5 triệu lượt khách du lịch năm 2017, có cảng hàng không quốc tế Cần Thơ, đảo Phú Quốc và kết nối thuận lợi với thành phố Hồ Chí Minh. Lượng du khách 12 tỉnh đến Quảng Bình chiếm tỷ lệ 20%-30% tổng lượng khách du lịch trong những năm qua. Việc đẩy mạnh liên kết hợp tác phát triển du lịch giữa Quảng Bình và các tỉnh cụm phía Tây đồng bằng sông Cửu Long là xu hướng tất yếu, cơ sở quan trọng, tạo điều kiện cho doanh nghiệp mở rộng thị trường đầu tư phát triển. Đây còn là cơ sở để các tỉnh tiếp tục liên kết chặt chẽ hơn, thúc đẩy tăng trưởng số lượng khách, phát triển du lịch bền vững, đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của các địa phương.
Tại hội nghị, các đại biểu đưa ra nhiều giải pháp để phát triển, hoàn thiện các sản phẩm, dịch vụ du lịch. Theo đó, cần chú trọng tăng cường nâng cao chất lượng dịch vụ, đa dạng hóa các hình thức, sản phẩm du lịch; chú trọng công tác quảng bá, giới thiệu các sản phẩm du lịch, tour, tuyến, điểm du lịch mới, có các chương trình xúc tiến, giảm giá vé tham quan, kích cầu phát triển du lịch; tăng cường kết nối, phát triển các sản phẩm du lịch giữa các địa phương. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp trao đổi, chia sẻ thẳng thắn kinh nghiệm trong đầu tư phát triển du lịch; liên kết, tìm kiếm cơ hội hợp tác, ký kết các hợp đồng cung ứng dịch vụ.
Dịp này, Sở Du lịch Quảng Bình và Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch các tỉnh miền Tây đã ký Biên bản hợp tác phát triển du lịch giữa các tỉnh, thành phố. Theo đó, các bên sẽ tập trung phối hợp nâng cao hiệu lực quản lý nhà nước, công tác quảng bá, xúc tiến du lịch của địa phương; xây dựng các sản phẩm du lịch chung để phát triển thị trường, thu hút khách du lịch.
Võ Dung
TTXVN