Quảng Bình đảm bảo an toàn hồ, đập thủy lợi trong mùa mưa lũ

Thân đập Hồ Dạ Lam tại thôn Nam Thái, xã Thái Thủy (Lệ Thủy, Quảng Bình) được gia cố, khắc phục tạm thời. Ảnh: Tá Chuyên - TTXVN
Thân đập Hồ Dạ Lam tại thôn Nam Thái, xã Thái Thủy (Lệ Thủy, Quảng Bình) được gia cố, khắc phục tạm thời. Ảnh: Tá Chuyên - TTXVN

Tại tỉnh Quảng Bình, nhiều hồ, đập đã xuống cấp nghiêm trọng, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn trong mùa mưa lũ. Trước thực tế đó, tỉnh Quảng Bình đã chỉ đạo các đơn vị, địa phương tích cực triển khai các giải pháp đảm bảo an toàn hồ, đập, nhằm giảm thiệt hại thấp nhất do mưa lũ gây ra.

Quảng Bình đảm bảo an toàn hồ, đập thủy lợi trong mùa mưa lũ ảnh 1Thân đập Hồ Dạ Lam tại thôn Nam Thái, xã Thái Thủy (Lệ Thủy, Quảng Bình) được gia cố, khắc phục tạm thời. Ảnh: Tá Chuyên - TTXVN

Hồ Dạ Lam thuộc thôn Nam Thái, xã Thái Thủy (huyện Lệ Thủy) có dung tích 41.000 m3, phục vụ nước tưới sản xuất cho hơn 50 ha lúa, cây trồng trên địa bàn. Sau hơn 30 năm tích nước, phục vụ sản xuất, đến nay hồ đã xuống cấp nghiêm trọng. Hiện tại, van cống không thể đóng mở, đập tràn đã bị hư hỏng không thể vận hành, đặc biệt hệ thống thân đập bị thấm, xói lở nhiều đoạn, nguy cơ mất an toàn hồ đập khi mùa mưa lũ đến.

Ông Tô Ngọc Chung, Trưởng thôn Nam Thái (xã Thái Thủy, huyện Lệ Thủy) cho biết, hồ Dạ Lam đã xuống cấp từ lâu, đặc biệt trong trận lũ lịch sử năm 2020, thân đập hồ Dạ Lam có nguy cơ vỡ, người dân hạ du đã phải di dời, chính quyền địa phương và người dân đã tích cực triển khai các giải pháp gia cố tạm thời từ đó cho đến nay. Trong các cuộc tiếp xúc cử tri HĐND các cấp xã Thái Thủy đã đề xuất cấp trên sớm bố trí nguồn kinh phí để sửa chữa, song đến nay vẫn chưa được giải quyết.

Theo ông Tô Ngọc Chung, năm 2023, hồ Dạ Lam đang phải dừng tích nước do hư hỏng, tiềm ẩn nguy cơ cao mất an toàn. Do đó, nguy cơ thiếu nước phục vụ sản xuất lúa vụ Đông Xuân đang hiện hữu, ảnh hưởng đến sản xuất và đời sống kinh tế của người dân. Người dân địa phương mong muốn chính quyền các cấp sớm bố trí nguồn kinh phí sửa chữa, nâng cấp hồ Dạ Lam để người dân yên tâm khi mùa mưa lũ đến.

Quảng Bình đảm bảo an toàn hồ, đập thủy lợi trong mùa mưa lũ ảnh 2Hồ Dạ Lam tại xã Thái Thủy (Lệ Thủy, Quảng Bình) không tích nước được do hư hỏng và có nguy cơ sự cố mất an toàn cao. Ảnh: Tá Chuyên - TTXVN

Hồ Điều Gà (gồm hồ Điều Gà 1 và hồ Điều Gà 2) có tổng dung tích 3 triệu m3, cung cấp nước tưới sản xuất cho hơn 220 ha lúa, cây trồng Hợp tác xã Vĩnh Trung (xã Vĩnh Ninh) và thị trấn Quán Hàu. Sau 30 năm đưa vào sử dụng, mái đập thượng lưu hồ đã bị hư hỏng, sạt lở nghiêm trọng; hệ thống tràn xả lũ thi công quá lâu nên việc tích nước, xả nước phức tạp.

Trước thực trạng này, tháng 8/2023, dự án nâng cấp sửa chữa hồ Điều Gà, thuộc Dự án sửa chữa và nâng cấp các hồ đâp xung yếu tỉnh Quảng Bình đã được triển khai thi công, do UBND huyện Quảng Ninh làm chủ đầu tư; dự kiến dự án sẽ hoàn thành vào tháng 12/2024.

Theo ông Lê Đức Hoàng, cán bộ Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng và Quỹ đất huyện Quảng Ninh (Quảng Bình), Ban đã chỉ đạo đơn vị thi công đang tập trung huy động nhân lực, vật lực đẩy nhanh tiến độ các hạng mục dưới nước trước khi mùa mưa bão đến. Hiện tại, đơn vị thi công đã sửa chữa, gia cố hệ thống mái thượng lưu đập bằng đá hộc; xây dựng tràn mới với 5 khoang tràn, thay hệ thống khe phai đóng mở tràn bằng hệ thống giàn cửa van phẳng đóng mở bằng máy; phá bỏ lớp bề mặt tràn phụ, xây dựng lại mới một phần tường cánh tả tràn phụ bằng bê tông cốt thép.

Quảng Bình đảm bảo an toàn hồ, đập thủy lợi trong mùa mưa lũ ảnh 3Thi công sửa chữa hồ Điều Gà 1 (Quảng Ninh, Quảng Bình) đảm bảo đạt đến các mốc kỹ thuật an toàn công trình trước mùa mưa bão. Ảnh: Tá Chuyên - TTXVN

“Hiện nay, dự án nâng cấp, sửa chữa hồ Điều Gà đã hoàn thành đạt 60% khối lượng công việc. Thời điểm mùa mưa lũ đến gần, đơn vị thi công đã chuẩn bị mọi phương án để ứng phó, phòng chống lụt bão tại công trình. Ban cũng đã chỉ đạo đơn vị thi công phối hợp chính quyền các cấp chủ động huy động lực lượng, kịp thời xử lý các sự cố liên quan đến hồ, đập có thể xảy ra, nhằm đảm bảo an toàn về người và tài sản cho người dân ở khu vực hạ du”, ông Lê Đức Hoàng cho biết thêm.

Tỉnh Quảng Bình có 153 hồ chứa, 193 đập dâng thủy lợi nhưng đang có 38 hồ chứa xung yếu, hư hỏng nghiêm trọng cần phải được nâng cấp, sửa chữa; trong đó, 1 hồ đề nghị không được tích nước do hư hỏng và có nguy cơ sự cố mất an toàn cao là hồ Dạ Lam (xã Thái Thủy, huyện Lệ Thủy), 13 hồ chứa hư hỏng đề nghị phải tích nước hạn chế. Bên cạnh đó, nhiều hồ được ghi nhận thân đập bị thấm, biến dạng mái đập, xói lở thân tràn, hư hỏng thân cống…

Thực trạng trên, tiềm ẩn nguy cơ cao mất an toàn hồ đập thủy lợi vào thời điểm mùa mưa lũ đến; tính mạng, tài sản của người dân và hoa màu ở các vùng hạ lưu của hồ đập vẫn tiềm ẩn nguy cơ thiệt hại lớn ở các thời điểm mưa lớn kéo dài, nhất là trong các năm gần đây, mưa lũ diễn biến rất bất thường.

Quảng Bình đảm bảo an toàn hồ, đập thủy lợi trong mùa mưa lũ ảnh 4Sửa chữa hồ Điều Gà 1 (Quảng Ninh, Quảng Bình) đảm bảo đạt đến các mốc kỹ thuật an toàn công trình trước mùa mưa bão. Ảnh: Tá Chuyên - TTXVN

Ông Hà Xuân Đàn, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi tỉnh Quảng Bình cho biết, nhiều hồ đập trên địa bàn tỉnh được thiết kế và thi công thủ công đã từ rất lâu, trải qua nhiều năm sử dụng, khai thác nên chất lượng đã xuống cấp; các thông số thiết kế của các hồ đập, trước đây không đáp ứng được so với lượng mưa thời điểm hiện tại. Trong khi đó, kinh phí hàng năm phục vụ bảo trì, sửa chữa, nâng cấp, hiện đại hóa đập, hồ chứa rất hạn hẹp.

Chi cục Thủy lợi tỉnh Quảng Bình đã chỉ đạo các địa phương, đơn vị kiểm tra, rà soát, đánh giá hiện trạng các hồ chứa, đập dâng để có các phương án chủ động phòng chống; xây dựng các phương án phòng chống thiên tai, phương án phòng chống sự cố công trình; tổ chức kiểm tra, vận hành thử các trạm bơm tiêu, cống tiêu, các cửa van xả lũ, công trình xả lũ, đảm bảo vận hành thông suốt khi mưa lũ xảy ra.

Bên cạnh đó, các đơn vị, địa phương tổ chức trực ban 24/24 giờ trong thời điểm mưa lũ; bố trí vật tư, phương tiện phòng chống lụt bão, kịp thời phát hiện xử lý sự cố mất an toàn hồ, đập; tăng cường theo dõi, cập nhật số liệu thủy văn, quan trắc lượng nước đến hồ chứa để có phương án vận hành, điều hành hồ chứa.

Theo ông Hà Xuân Đàn, hiện toàn tỉnh Quảng Bình có 15 công trình hồ, đập đang triển khai thi công, các công trình này phải đẩy nhanh tiến độ, đảm bảo vượt qua mốc vượt lũ, đạt đến các mốc kỹ thuật đảm bảo an toàn công trình. Ngoài ra, Chi cuc Thủy lợi cũng đề xuất các bộ, ngành Trung ương quan tâm, bố trí nguồn kinh phí để nâng cấp, sửa chữa công trình hồ, đập đã xuống cấp và nguồn kinh phí để thực hiện nội dung quản lý an toàn hồ đập.

Tá Chuyên

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm