Bước vào mùa Lễ hội Hoa Tam giác mạch năm nay, rút kinh nghiệm từ các năm trước, huyện Quản Bạ (Hà Giang) đã có sự chuẩn bị chu đáo từ việc trồng hoa, trình bày, sắp đặt hoa trên đường phố, quản lý các nhà hàng, khách sạn... để du khách cảm nhận được một mùa hoa thân thiện và thoải mái nhất.
Cánh đồng hoa tam giác mạch ở xã Sủng Là, huyện Đồng Văn. Ảnh: TTXVN |
Đến hẹn lại tới, mùa hoa Tam giác mạch năm nay, huyện Quản Bạ (Hà Giang) - “cửa ngõ” của Cao nguyên đá, đã lên kế hoạch cụ thể tổ chức các hoạt động trong Lễ hội Hoa Tam giác mạch lần thứ III. Trưởng phòng Văn hóa huyện, Nguyễn Tiến Hồng cho biết: “Việc triển khai tổ chức các hoạt động trong Lễ hội Hoa Tam giác mạch nhằm tôn vinh giá trị di sản văn hóa và sức sống mãnh liệt của vùng Cao nguyên đá Đồng văn nói chung và huyện Quản Bạ nói riêng. Công tác tổ chức Lễ hội đang được chuẩn bị chu đáo, đảm bảo chất lượng, hiệu quả. Có sự phối hợp thống nhất, chặt chẽ giữa các ngành, các cấp và các đơn vị liên quan trong việc triển khai thực hiện”.
Phục vụ cho Lễ hội, huyện Quản Bạ đang tiến hành gieo trồng 12,1 ha Tam giác mạch ở các khu vực như: Thạch Sơn Thần của xã Quyết Tiến; điểm dừng chân Cổng Trời; tại các xã, thị trấn có Quốc lộ 4C đi qua và các điểm du lịch của huyện. Theo đó, Trung tâm Dịch vụ công cộng – vệ sinh môi trường sẽ thực hiện chỉnh trang, làm đẹp khu vực dọc trung tâm thị trấn Tam Sơn; lựa chọn loại hoa phù hợp trồng trưng bày tại Tháp hoa ở ngã 3 đường. Bên cạnh đó, các địa điểm khác cũng tổ chức tạo tiểu cảnh, tạo hình, tạo chữ; hiện các đơn vị đang tiến hành từ việc chọn giống, làm đất, xác định rõ khung thời vụ và hướng dẫn thực hiện quy trình kỹ thuật gieo trồng, chăm sóc đúng thời gian, vị trí đã được quy hoạch. Huyện cũng tổ chức trưng bày và bán các sản phẩm từ Tam giác mạch, dược liệu, các sản phẩm đặc sản của địa phương tại Thạch Sơn Thần, động Lùng Khúy, điểm dừng chân Cổng Trời và dọc Quốc lộ; cho thuê trang phục truyền thống để du khách chụp ảnh tại các điểm nhấn chính.
Vẻ đẹp của hoa tam giác mạch. Ảnh: Minh Đức - TTXVN |
Công tác kiểm tra các nhà hàng, nhà nghỉ, các điểm kinh doanh ăn uống cũng được Đội Quản lý thị trường phối hợp với các ngành liên quan tăng cường thực hiện để đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Khuyến cáo các nhà hàng không tự ý nâng giá hoặc có hành vi buôn bán hàng giả, hàng kém chất lượng, hành vi chèn ép khách trong dịp trước, trong và sau lễ hội. Công bố số điện thoại đường dây nóng của các đồng chí thành viên Ban chỉ đạo 389 tại các khách sạn, nhà nghỉ, nhà hàng, các điểm kinh doanh ăn uống...
Riêng xã Quyết Tiến đã xây dựng kế hoạch cho các hoạt động phụ trợ gồm: Thành lập tổ, nhóm để quản lý, hướng dẫn khách vào tham quan, chụp ảnh, đảm bảo an ninh trật tự và vệ sinh môi trường trên địa bàn thuộc xã quản lý. Tuyên truyền, vận động nhân dân trồng Tam giác mạch, trưng bày, giới thiệu và bán sản phẩm địa phương phục vụ khách du lịch tại Nhà Văn hóa dân tộc Bố Y, khu vực Thạch Sơn Thần, cổng Đền Bình An. Tại các xã khác ven Quốc lộ 4C cũng vận động nhân dân trồng Tam giác mạch, thực hiện nghiêm việc chỉnh trang đô thị, vệ sinh môi trường.
Qua đây, huyện mong muốn quảng bá đến khách du lịch trong và ngoài nước về những giá trị văn hóa độc đáo của các dân tộc, những danh lam, thắng cảnh của địa phương. Đồng thời kêu gọi, thu hút đầu tư, từng bước phát triển du lịch Quản Bạ trở thành ngành kinh tế mũi nhọn.
Theo baohagiang.vn