Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Ngọc Thiện phát biểu tại buổi làm việc. Ảnh: Phạm Cường-TTXVN |
Báo cáo với Bộ trưởng và đoàn công tác, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Phú Yên Phạm Văn Bảy cho biết: Tỉnh Phú Yên có 77 di tích được xếp hạng, trong đó 1 di tích quốc gia đặc biệt, 21 di tích quốc gia và 55 di tích cấp tỉnh. Toàn tỉnh có 185 di sản văn hóa phi vật thể được kiểm kê, trong đó có 4 di sản được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia (Nghệ thuật bài chòi; Lễ hội cầu ngư; Nghệ thuật trình diễn trống đôi, cồng ba, chiêng năm; Lễ cúng trưởng thành của người Ê đê). Đặc biệt, Nghệ thuật bài chòi tỉnh Phú Yên cùng với bài chòi Trung bộ Việt Nam đã được UNESCO ghi danh là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Về du lịch, Phú Yên đã thu hút được 46 dự án đầu tư du lịch, dịch vụ du lịch với tổng vốn 43.000 tỷ đồng, tổng diện tích 3.000ha, trong đó 16 dự án du lịch đã được cấp quyết định chủ trương đầu tư. Các phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, “Cuộc vận động toàn dân rèn luyện thân thể theo gương Bác Hồ vĩ đại” ngày càng phát triển theo hướng nâng cao chất lượng; công tác bảo tồn và phát huy giá trị lễ hội truyền thống được chú trọng. Các hoạt động văn hóa, văn nghệ của cộng đồng các dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh được tổ chức thường xuyên. Bên cạnh kết quả đạt được, tỉnh Phú Yên còn nhiều khó khăn, hạn chế trong phát triển văn hóa, du lịch như: kết cấu hạ tầng du lịch chưa đáp ứng kịp thời yêu cầu phát triển, sản phẩm du lịch chưa phong phú, chưa khai thác hết tài nguyên du lịch; công tác đào tạo, huấn luyện vận động viên và phát triển thể thao thành tích cao chưa đáp ứng so với nhu cầu; công tác xã hội hóa các hoạt động văn hóa, thể thao còn nhiều hạn chế... Tại buổi làm việc, lãnh đạo tỉnh Phú Yên kiến nghị với Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cùng đoàn công tác, sớm có quy định chung về mô hình tổ chức quản lý các khu du lịch quốc gia để có cơ sở áp dụng cho Khu du lịch Vịnh Xuân Đài, hỗ trợ tỉnh triển khai thực hiện quy hoạch khu du lịch quốc gia đối với Khu du lịch Vịnh Xuân Đài đã được phê duyệt; bổ sung nguồn vốn Chương trình mục tiêu phát triển văn hóa để thực hiện tu bổ, tôn tạo chống xuống cấp cho di tích quốc gia. Tỉnh Phú Yên cũng kiến nghị Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch hỗ trợ địa phương ứng dụng công nghệ số trong công tác quản lý danh thắng và quảng bá du lịch. Phát biểu tại buổi làm việc, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể Thao và Du lịch Nguyễn Ngọc Thiện nhấn mạnh, tỉnh Phú Yên có nhiều tiềm năng để phát triển du lịch, đặc biệt là du lịch biển, du lịch văn hóa cộng đồng, tuy nhiên du lịch Phú Yên phát triển chậm hơn so với một số tỉnh, thành trong khu vực. Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện lưu ý, mặc dù du lịch Phú Yên phát triển chậm nhưng không vì thế mà "nóng vội", tỉnh phải có chiến lược phát triển du lịch theo hướng bền vững gắn với bảo vệ môi trường, cảnh quan; trong đó chú trọng quy hoạch thật tốt phát triển du lịch, kêu gọi các nhà đầu tư lớn có tầm nhìn dài hạn đầu tư khai thác phát triển du lịch. Phú Yên là điểm du lịch mới nổi vì vậy tỉnh cần quan tâm việc xây dựng thương hiệu du lịch, đầu tư xây dựng các cơ sở lưu trú du lịch; đặc biệt cần khai thác hiệu quả sân bay Tuy Hòa, thông qua việc tăng thêm chuyến bay, các hãng hàng không đưa khách du lịch trong và ngoài nước đến với Phú Yên. Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch nhấn mạnh, Phú Yên cần quan tâm hơn nữa đến lĩnh vực văn hóa, công tác bảo tồn, trùng tu, xếp hạng, khai thác hiệu quả tiềm năng di tích, di sản văn hóa để thu hút khách du lịch. Bên cạnh đó, tỉnh quan tâm đầu tư các điểm, tuyến đường phục vụ tập luyện thể dục thể thao, nâng cao hiệu quả các phong trào rèn luyện thể dục thể thao trong cộng đồng, đặc biệt chú trọng bồi dưỡng các vận động viên thể thao thành tích cao.
Phạm Cường