Người dân xã Quế Lâm, huyện Đoan Hùng (Phú Thọ) sản xuất cây keo giống phục vụ trồng rừng nguyên liệu chế biến giấy. Ảnh: Anh Tuấn - TTXVN |
Là một trong những địa phương có diện tích đồi rừng lớn, những năm qua, huyện Thanh Sơn có nhiều giải pháp đưa kinh tế đồi rừng trở thành ngành kinh tế chủ lực mang lại hiệu quả kinh tế cao. Nhiều xã trong huyện đổi thay từng ngày nhờ phát triển kinh tế đồi rừng. Thanh Sơn hiện có hơn 45 nghìn ha đất lâm nghiệp, chiếm 73% diện tích đất tự nhiên của huyện. Địa phương xác định phát triển kinh tế đồi rừng là hướng đi phù hợp và đã ban hành nghị quyết phát triển kinh tế đồi rừng giai đoạn 2014 - 2020. Theo đó, hàng năm, huyện xây dựng kế hoạch cụ thể giao cho các xã, thị trấn bảo đảm kế hoạch. Huyện còn khuyến khích, thu hút doanh nghiệp đầu tư vào các dự án trên địa bàn, nhất là doanh nghiệp sản xuất chế biến gỗ. Chủ trương này mang lại hiệu quả không nhỏ trong phát triển kinh tế - xã hội. Doanh nghiệp thuận lợi trong sản xuất khi có nguồn nguyên liệu tại chỗ phong phú, người dân địa phương có thêm việc làm với mức thu nhập ổn định. Ông Đinh Ngọc Sơn, xã Thục Luyện, huyện Thanh Sơn chia sẻ, sau nhiều năm gắn bó với rừng, thành công có, thất bại cũng có, ông quyết tâm suy nghĩ làm sao để sống được từ rừng, không thể sống cạnh nguồn tài nguyên to lớn mà cứ đói nghèo mãi. Vừa học, vừa làm, sau nhiều năm cố gắng, đến nay, mô hình trang trại tổng hợp của gia đình có gần 30 ha rừng, hơn 2.000 gốc thanh long ruột đỏ cho thu hoạch trên 10 tấn quả/năm. Ngoài ra, gia đình ông Sơn kết hợp chăn nuôi bò, gà... nâng tổng thu nhập lên hơn 400 triệu đồng/năm và tạo việc làm cho nhiều lao động tại địa phương. Trưởng phòng Nông nghiệp huyện Thanh Sơn Kiều Đức Mạnh khẳng định, việc phát triển đồi rừng để làm giàu cho người dân đã tạo được phong trào thi đua sản xuất tại các xã, thị trấn trong huyện, nhất là các xã, khu thuộc vùng đặc biệt khó khăn. Nhiều hộ nông dân đã mạnh dạn đầu tư phát triển các mô hình kinh tế đồi rừng với quy mô lớn như các gia trại, trang trại nông, lâm kết hợp. Vùng sản xuất gỗ nguyên liệu được hình thành... Nhờ đó, hàng năm, sản lượng gỗ khai thác toàn huyện đạt hơn 123 nghìn m3; doanh thu của các trang trại hơn 70 tỷ đồng, lợi nhuận bình quân trên 200 triệu đồng/trang trại/năm. Gia đình anh Kiều Văn Long, xã Xuân Đài - là một trong những hộ điển hình làm giàu nhờ phát triển kinh tế đồi rừng. Bên những vạt đồi keo lai cao vút, anh Long cho biết, trước đây, gia đình chủ yếu trồng ngô và sắn, không mang lại hiệu quả kinh tế cao. Năm 2009, được hỗ trợ phân bón, cây giống từ Dự án bảo vệ và phát triển rừng của huyện, anh đã chuyển đổi hơn 3ha sang trồng keo lai hạt ngoại. Đồi keo của anh luôn sinh trưởng và phát triển tốt, trung bình mỗi năm, trừ chi phí, gia đình thu khoảng 40 triệu đồng/ha. Từ nguồn thu ổn định, anh xây dựng được nhà cửa khang trang và đầu tư cho con cái đi học. Theo Phó Chủ tịch UBND huyện Tân Sơn, Vũ Tiến Bắc, tận dụng lợi thế về thổ nhưỡng, ngay từ khi thành lập, Tân Sơn đã xây dựng Đề án Phát triển kinh tế đồi rừng, tập trung trồng cây con đặc sản, rừng cây nguyên liệu và cây gỗ lớn. Trung bình mỗi năm, Tân Sơn cung cấp cho thị trường khoảng 80.000m3 gỗ, đem lại doanh thu hơn 50 tỷ đồng, tạo việc làm cho khoảng 15.000 lao động địa phương. Đời sống người dân từng bước được cải thiện, nhiều gia đình vươn lên làm giàu từ hướng đi này. Tuy nhiên, trong phát triển kinh tế đồi rừng ở Phú Thọ còn một số khó khăn như: Chuyển đổi rừng sản xuất từ cây bạch đàn tái sinh sang trồng cây keo lai, keo hạt ngoại chưa thực hiện được triệt để. Quản lý nhà nước trong lĩnh vực sản xuất giống cây lâm nghiệp dù được tăng cường nhưng còn hạn chế do nguồn gốc cây giống xuất xứ chưa rõ ràng, chất lượng không đảm bảo. Song song đó là tiếp cận về vốn và tín dụng còn khó. Cụ thể, trồng rừng có chu kỳ kinh doanh dài, trong khi thủ tục vay vốn từ các ngân hàng khó khăn, thời gian cho vay ngắn. Để phát triển đồi rừng một cách hiệu quả, tỉnh Phú Thọ thực hiện tốt quản lý đất đai tạo cơ hội nhiều thành phần tham gia phát triển vốn rừng. Địa phương tiếp tục rà soát lại quỹ đất lâm nghiệp, có chính sách giao đất, giao rừng, sắp xếp doanh nghiệp lâm nghiệp theo hướng cổ phần hóa. Đa dạng hình thức sở hữu vốn, sử dụng đất để huy động nhiều tổ chức cá nhân đầu tư khai thác quỹ đất rừng, nhất là những khu rừng đặc dụng, rừng phòng hộ kết hợp với khai thác du lịch sinh thái và các lâm sản ngoài gỗ từ rừng phục vụ yêu cầu phát triển đa dạng. Phó Chủ tịch UBND huyện Tân Sơn, Vũ Tiến Bắc cho biết, cùng với chính sách giao đất, giao rừng, huyện còn hỗ trợ phát triển cây công nghiệp hiệu quả, như phát triển cây chè trở thành cây trồng xen canh chủ lực của địa phương. Đồng thời, chuyển một phần diện tích trồng rừng nguyên liệu giấy sang trồng rừng đa tác dụng… Giai đoạn 2015 - 2020 tỉnh Phú Thọ tiếp tục đẩy mạnh phát triển và bảo vệ rừng, trong đó tập trung nâng năng suất chất lượng rừng, giá trị gia tăng sản phẩm và dịch vụ môi trường rừng; tăng giá trị sản xuất bình quân hàng năm 3,5 - 4%. Theo lãnh đạo Chi cục Kiểm lâm tỉnh Phú Thọ, để đạt mục tiêu đã đề ra tỉnh Phú Thọ cần xem xét tăng mức hỗ trợ đầu tư cho trồng rừng phòng hộ, sản xuất, có chính sách cụ thể cho trồng rừng sản xuất cây gỗ lớn, cây gỗ nhỏ. Chính sách trợ cước, trợ giá của Nhà nước về hàng hóa sản phẩm đối với đồng bào vùng sâu, vùng xa được áp dụng đầy đủ. Cùng với đó, tỉnh đào tạo đội ngũ cán bộ kỹ thuật lâm sinh, cán bộ khuyến lâm cho huyện, xã để chỉ đạo trồng rừng, chọn tạo và sản xuất cây giống; đồng thời quản lý, giám sát kế hoạch và chất lượng trồng rừng. Các mô hình tiên tiến áp dụng đầy đủ và nhân rộng, đẩy mạnh tuyên truyền đưa những giống mới có năng suất cao, khả năng kháng bệnh vào trồng rừng. Khuyến khích mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm, phát triển mạng lưới chế biến lâm sản gắn với vùng nguyên liệu theo hướng hiện đại hóa công nghệ tạo sự ổn định cho đầu ra sản phẩm, đặc biệt ưu tiên cho các huyện miền núi như có diện tích lớn như Yên Lập, Tân Sơn, Đoan Hùng...
Tạ Văn Toàn