Ảnh minh họa. Nguồn ảnh: phuthotv.vn |
Trước đây gia đình ông Hà Văn Nhấn (dân tộc Mường), khu 6, xã Kiệt Sơn, huyện Tân Sơn luôn sống trong tình cảnh khó khăn, thiếu thốn trăm bề. Ông Nhấn bộc bạch, cả gia đình với 8 khẩu sống trong ngôi nhà sàn lợp lá dột nát, ông phải xoay xở đủ nghề mà vẫn không đủ ăn. Từ khi được Nhà nước tạo điều kiện cho vay vốn hỗ trợ sản xuất, gia đình ông đã có kinh phí để đầu tư mua trâu, mua dê về nuôi, mua giống lúa và keo lai về trồng... Nhờ chăm chỉ lao động, lại biết vận dụng những kiến thức trồng trọt, chăn nuôi đúng kỹ thuật vào phát triển mô hình kinh tế, đời sống của gia đình ông Nhấn đã từng bước được cải thiện, dần có của ăn, của để. Từ nguồn vốn tích lũy được, ông Nhấn đầu tư mua thêm máy móc phục vụ sản xuất, mở dịch vụ xay xát tại nhà, góp phần nâng cao thu nhập của gia đình với mức bình quân khoảng trên 100 triệu đồng/năm.
Năm 2016, ông tiếp tục vay vốn ngân hàng, cùng với nguồn vốn tích lũy và sự giúp đỡ của anh em bạn bè để xây dựng ngôi nhà mái bằng khang trang, rộng rãi, đảm bảo nơi ăn chốn ở cho gia đình. Đến nay, gia đình ông đã thoát nghèo, trở thành hộ khá của địa phương.
Gia đình ông Đỗ Văn Bản (dân tộc Mường), khu 1, xã Yên Lãng, huyện Thanh Sơn cũng thuộc diện hộ nghèo của xã. Sau bao năm miệt mài lao động, gia đình ông đã trở thành hộ làm giàu tiêu biểu của xã. Ông Bản cho biết, nhờ nguồn vốn hỗ trợ ban đầu của Đảng và Nhà nước, gia đình ông đầu tư phát triển kinh tế theo mô hình VAC. Hiện nay gia đình ông Bản có gần 1ha cây chè, thu hoạch bình quân 2 tấn chè/tháng; 1ha bạch đàn, 6 năm thu hoạch một lần; đàn lợn lên đến 30 con, đàn bò 7 con, trong đó 4 con bò cái sắp đến ngày sinh sản; đàn gia cầm lên đến hàng trăm con. Ngoài ra, ông còn đào ao, thả cá với diện tích 200m2; trồng chè và đầu tư buôn bán tạp hóa tổng hợp, xay xát… Theo tính toán của ông Bản, trừ chi phí mỗi năm ông Bản thu 150 triệu đồng.
Phú Thọ hiện có 34 dân tộc anh em cùng sinh sống, trong đó có trên 200.000 người là đồng bào dân tộc thiểu số, chiếm 16% dân số toàn tỉnh, tập trung chủ yếu ở các huyện Tân Sơn, Thanh Sơn, Yên Lập… Những năm trước đây, do cơ sở hạ tầng vùng đồng bào dân tộc thiểu số ở Phú Thọ còn thấp kém, trình độ nhận thức của đồng bào còn hạn chế, tập quán canh tác lạc hậu, thiếu vốn đầu tư sản xuất… nên đời sống bà con còn gặp nhiều khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo cao.
Để công tác giảm nghèo vùng dân tộc thiểu số đạt hiệu quả, nhiều năm qua, tỉnh Phú Thọ đã tích cực triển khai thực hiện nhiều chính sách, giải pháp đồng bộ, phù hợp với đặc điểm tình hình, tiềm năng, thế mạnh của từng vùng, từng địa phương trong tỉnh; trong đó ưu tiên tập trung các nguồn lực để đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng (điện, đường, trường, trạm), tạo điều kiện để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
Trưởng ban Dân tộc tỉnh Phú Thọ Đinh Ngọc Thanh cho biết, thời gian qua, từ các nguồn vốn, Phú Thọ đã đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, hỗ trợ phát triển sản xuất các xã, thôn, bản đặc biệt khó khăn, từng bước làm thay đổi diện mạo và cải thiện đời sống của đồng bào các dân tộc trên địa bàn. Từ năm 2011 đến nay, tỉnh đầu tư hơn 600 tỷ đồng thực hiện các chính sách dân tộc, trong đó, gần 500 tỷ đồng xây dựng 1.885 công trình (hai công trình điện, 1.019 công trình giao thông, 214 công trình thủy lợi; 258 trường, lớp học và nhà ở giáo viên, 16 trạm y tế, duy tu, sửa chữa 129 công trình)… Các công trình xây dựng hoàn thành, bàn giao đưa vào sử dụng đã phát huy hiệu quả tốt, kịp thời phục vụ cho sản xuất và đời sống của nhân dân vùng đặc biệt khó khăn là người dân tộc thiểu số. Từ chính sách dân tộc mà các xã đặc biệt khó khăn, xã khu vực 1 và 2 vùng dân tộc thiểu số đến nay không còn hộ đói, tỷ lệ hộ nghèo giảm bình quân từ 4% đến 5%/năm. 100% số xã có trạm y tế được xây dựng kiên cố; 80% số phòng học vùng dân tộc được xây dựng kiên cố; hơn 90% số thôn, bản có nhà sinh hoạt cộng đồng. 100% số xã đặc biệt khó khăn, xã khu vực 2 có đường bê tông, hoặc nhựa hóa cho xe ô tô từ huyện đến trung tâm xã; 100% số thôn, bản có đường giao thông cho xe gắn máy đến trung tâm xã...
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, quá trình thực hiện các chính sách dân tộc trên địa bàn tỉnh còn bộc lộ một số khó khăn, vướng mắc như: người dân là các đối tượng thụ hưởng trực tiếp chưa được thông tin, tiếp cận một cách đầy đủ, kịp thời; một bộ phận hộ nghèo, người dân tộc thiểu số chưa có ý chí vươn lên, dẫn đến có tâm lý "cho thì nhận"; việc lồng ghép các chính sách cùng nội dung hỗ trợ trên địa bàn đạt hiệu quả chưa cao, chưa chặt chẽ nên chưa phát huy được sức mạnh tổng hợp của các chính sách…
Để tiếp tục đẩy mạnh công tác giảm nghèo ở các xã đặc biệt khó khăn, xã khu vực 1 và 2 vùng dân tộc thiểu số, ông Đinh Ngọc Thanh cho biết, trong thời gian tới, các cấp ủy Đảng, chính quyền, địa phương tỉnh Phú Thọ tiếp tục đầu tư, hoàn thiện cơ sở hạ tầng miền núi, vùng dân tộc thiểu số; phát triển sản xuất, ổn định dân cư thông qua các chính sách đặc thù, khuyến khích đồng bào định canh, định cư tại chỗ, tạo điều kiện để đồng bào phát huy tinh thần tự vươn lên thoát nghèo bền vững.
Tạ Văn Toàn