Ngày 8/12/2017, tại Phiên họp Ủy ban liên chính phủ Công ước 2003 về bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể lần thứ 12 của Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên hợp quốc (UNESCO) diễn ra tại Jeju (Hàn Quốc), Hát Xoan được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Ảnh: Hữu Tuyên - Pv TTXVN Hàn Quốc |
Việc UNESCO công nhận hát Xoan Phú Thọ là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại là sự ghi nhận của cộng đồng quốc tế đối với những nỗ lực của tỉnh Phú Thọ cùng cộng đồng quyết tâm thực hiện cam kết bảo vệ di sản trong suốt 6 năm qua. Vinh dự, tự hào nhưng đồng thời cũng là nghĩa vụ, trách nhiệm mà các cấp, ngành, địa phương và nhân dân trong tỉnh phải cố gắng hết sức mình để bảo vệ, phát huy giá trị hát Xoan một cách bền vững.
Biểu diễn Hát Xoan Phú Thọ. Ảnh: Thanh Tùng – TTXVN |
Theo ông Hà Kế San, năm 2018, tỉnh sẽ triển khai các nhiệm vụ trọng tâm về bảo tồn, phát huy giá trị Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại hát Xoan Phú Thọ. Trong đó, tỉnh tiếp tục triển khai công tác truyền dạy, thực hành hát Xoan cho đối tượng là hạt nhân văn nghệ thuộc các câu lạc bộ hát Xoan và dân ca trên địa bàn tỉnh; tăng cường tuyên truyền, quảng bá giá trị di sản hát Xoan Phú Thọ gắn với Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở Phú Thọ; tiếp tục đưa di sản hát Xoan vào trường học…
Hát Xoan Phú Thọ thuộc loại hình dân ca lễ nghi phong tục - hát cửa đình, với hình thức nghệ thuật đa yếu tố. Ảnh: Thanh Tùng-TTXVN |
Cùng với đó, tổ chức các hoạt động kỷ niệm ngày Di sản văn hóa Việt Nam gắn với vinh danh “Nghệ nhân nhân dân”, “Nghệ nhân ưu tú” và “Nghệ nhân hát Xoan Phú Thọ”; tiếp tục đẩy mạnh hoạt động thực hành hát Xoan tại các phường Xoan, đặc biệt là việc tiếp tục truyền dạy hát Xoan cho đối tượng trong cộng đồng, nhất là thanh, thiếu nhi tại những phường Xoan gốc. Tỉnh hoàn thành đầu tư tu bổ, tôn tạo, phục hồi và đưa vào sử dụng các di tích gắn với hát Xoan và hoàn chỉnh, bổ sung thêm hiện vật tại nhà trưng bày hát Xoan trong khuôn viên miếu Lãi Lèn, xã Kim Đức, thành phố Việt Trì.
Nghệ nhân Nguyễn Thị Lịch dạy Hát Xoan cho thế hệ trẻ kế cận của phường Xoan An Thái, xã Phượng Lâu, TP. Việt Trì (tỉnh Phú Thọ) . Ảnh: Trung Kiên – TTXVN |
Tiết mục Hát Xoan tại Liên hoan Hát Xoan Thanh thiếu nhi thành phố Việt Trì (Phú Thọ). Ảnh: Trung Kiên – TTXVN |
Ông Hà Kế San đề nghị, các cấp, ngành, địa phương tiếp tục tổ chức tốt việc tuyền dạy hát Xoan, vì đây là yếu tố đầu tiên, bắt buộc trong công tác bảo tồn di sản. Bên cạnh đó, cần xây dựng chiến lược truyền thông, quảng bá di sản hát Xoan Phú Thọ để đưa hát Xoan đến gần hơn với công chúng; không sáng tác các bài Xoan mới mà giữ nguyên những làn điệu Xoan cổ, tinh thần là khuyến khích nhạc sỹ sáng tác những bài hát hiện đại dựa trên khai thác chất liệu dân ca Xoan, ghẹo. Cùng với đó, tỉnh chỉ đạo các đơn vị chức năng có kế hoạch cụ thể gắn phát triển du lịch với phát huy giá trị di sản hát Xoan nhằm tạo ra sản phẩm du lịch đặc trưng độc đáo, mang bản sắc văn hóa riêng vùng đất Tổ.
Đào An