Rất nhiều bệnh nhân COVID-19 cho biết họ cảm thấy không khỏe trong nhiều tuần hoặc vài tháng sau khi khỏi bệnh. Hiện tượng này được gọi là di chứng sau nhiễm cấp tính virus SARS-CoV-2 (PASC). Các triệu chứng của PASC khác nhau, từ những vấn đề như khó thở, mệt mỏi, thay đổi vị giác và khứu giác, cho đến những vấn đề về tâm lý như rối loạn tinh thần hay suy giảm nhận thức.
Hiện tác động lâu dài của PASC vẫn đang được nghiên cứu, song tình trạng này có thể làm gia tăng gánh nặng cho hệ thống y tế, vì ngay cả bệnh nhân COVID-19 ở thể nhẹ hay không có triệu chứng cũng xuất hiện PASC. Nghiên cứu mới được công bố trên chuyên trang y khoa medRxiv cho thấy số bệnh nhân COVID-19 nữ được chứng minh là tìm đến những cơ sở điều trị các triệu chứng của PASC cao gấp 3-4 lần. Theo nghiên cứu, phụ nữ cũng có nguy cơ tàn tật cao hơn khi tuổi ngày càng cao so với nam giới, nên các di chứng về chức năng của PASC ở phụ nữ cần được đánh giá cẩn thận hơn.
Nghiên cứu được thực hiện đối với 32 người, trong đó 45% người có cân nặng bình thường, hơn 30% người thừa cân và khoảng 20% người béo phì. Thời gian trung bình từ khi xuất hiện triệu chứng đến khi tham gia vào nghiên cứu này là 85 ngày. Kết quả cho thấy hơn 70% số người tham gia nghiên cứu cho biết bị mất vị giác hoặc khứu giác, hơn 50% bị sốt hoặc ho, trong khi hơn 40% bị đau nhức các khớp hoặc cơ. Những cơn sốt kéo dài từ 1-16 ngày, trong khi đau họng cũng vẫn xuất hiện. Hơn một nửa số người tham gia nghiên cứu có các triệu chứng vào thời điểm trung bình 74 ngày kể từ khi mắc bệnh.
Các nhà nghiên cứu đã áp dụng một số biện pháp đối với những người tham gia như liệu pháp đi bộ để đánh giá các chức năng của cơ thể, các bảng câu hỏi chuyên môn về tâm lý để đánh giá sự thay đổi tâm lý của người mắc COVID-19. Theo kết quả nghiên cứu, những người tham gia nghiên cứu mà từng nhiễm virus SARS-CoV-2 cho biết tình trạng bất an, lo lắng, căng thẳng xuất hiện nhiều hơn. Ở những người từng mắc COVID-19 mà xuất hiện nhiều triệu chứng bệnh hơn khi bắt đầu nhiễm virus thì tình trạng rối loạn tâm lý trầm trọng hơn vào thời điểm nghiên cứu ở mọi lứa tuổi và không phân biệt cân nặng của cơ thể.
Nghiên cứu trên cho thấy ngay cả khi có tính toán đến vấn đề tuổi tác, chỉ số khối cơ thể, tiền sử hút thuốc, bệnh tim mạch hay phổi, vẫn có sự khác biệt đáng kể về vấn đề tâm lý giữa những người tham gia nghiên cứu nhiễm virus SARS-CoV-2 và những người đối chứng. Trên thực tế, hơn 30% những người từng mắc COVID-19 cho biết xuất hiện tâm trạng tiêu cực, trong khi nhóm đối chứng cho thấy tâm trạng tích cực hơn.
Giới chuyên gia cho rằng việc suy giảm sức khỏe thể chất và tinh thần vì COVID-19 có thể làm giảm chất lượng cuộc sống cá nhân cũng như sức khỏe xã hội. Theo đó, nhà chức trách cần phải đưa ra những biện pháp có mục tiêu để ngăn ngừa những nguy cơ này.
Trần Quyên