Phòng, chống hiệu quả dịch COVID-19, chuẩn bị cho ngày hội non sông

Phòng, chống hiệu quả dịch COVID-19, chuẩn bị cho ngày hội non sông

Theo thông tin từ Bộ Y tế, trong ngày 18/5, Việt Nam đã ghi nhận 153 ca mắc COVID-19, gồm 1 ca được cách ly ngay sau khi nhập cảnh và 152 ca mắc trong nước. Trong đó, Bắc Giang ghi nhận nhiều nhất với 96 ca; tiếp đến là Hà Nội: 19 ca; Bắc Ninh: 16 ca..., đều là các ca trong khu cách ly và khu vực đã được phong tỏa; không phát hiện các ổ dịch mới.

Phòng, chống hiệu quả dịch COVID-19, chuẩn bị cho ngày hội non sông ảnh 1Trung tướng Phạm Quốc Cương, Tư lệnh Bộ Tư lệnh Cảnh sát Cơ động phát lệnh ra quân. Ảnh: Phạm Kiên - TTXVN

Như vậy, Việt Nam đã ghi nhận tổng số 4.512 ca dương tính với SARS-CoV-2; trong đó có 3.042 ca ghi nhận trong nước; 1.470 ca nhập cảnh (1.472 ca mắc mới tính từ ngày 27/4 đến nay). Từ ngày 29/4 đến nay đã có 3.324.043 mẫu tương đương 4.398.533 lượt người được xét nghiệm. Cũng trong ngày 18/5 đã có 19 bệnh nhân được công bố khỏi bệnh, nâng tổng số người được chữa khỏi bệnh lên 2.687 trường hợp. 37 ca tử vong đều là các trường hợp có bệnh lý nền nặng và lớn tuổi.

Thực hiện các giải pháp để có vaccine sớm nhất

Tại cuộc họp về việc mua vaccine phòng COVID-19 của Công ty Pfizer, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cho rằng việc mua vaccine phòng COVID-19 là cần thiết, cấp bách theo đúng kết luận của Bộ Chính trị, Ban Bí thư tại Công văn số 50-CV/TW ngày 19/2/2021 và của Chính phủ tại Nghị quyết số 21/NQ-CP ngày 26/2/2021. Bộ Y tế chịu trách nhiệm về lựa chọn loại vaccine phòng, chống COVID-19.

Thủ tướng yêu cầu Bộ Y tế và các bộ, ngành nêu cao tinh thần trách nhiệm vì sức khỏe nhân dân, sức khỏe cộng đồng, lợi ích của quốc gia, dân tộc, cùng cộng đồng trách nhiệm, thống nhất thực hiện các giải pháp để có vaccine sớm nhất. Đây là tình huống cấp bách, vì thế việc mua vaccine phải được xử lý theo quy định của pháp luật về các trường hợp đặc biệt, cấp bách và phải được thực hiện ngay.

Phòng, chống hiệu quả dịch COVID-19, chuẩn bị cho ngày hội non sông ảnh 2Tình huống giả định phát hiện người nghi mắc tại nơi bỏ phiếu. Ảnh: TTXVN phát

Tăng cường chống dịch trong khu công nghiệp

Trong ngày 18/5, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam, Trưởng ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 đã dự buổi làm việc trực tuyến giữa Bộ Y tế và lãnh đạo tỉnh Bắc Giang.

Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh trên địa bàn, tỉnh Bắc Giang đã quyết định tạm dừng hoạt động các khu công nghiệp: Đình Trám, Quang Châu, Vân Trung và Song Khê - Nội Hoàng; thực hiện cách ly xã hội huyện Việt Yên và 3 xã (Nội Hoàng, Tiền Phong, Yên Lư) của huyện Yên Dũng kể từ 0 giờ ngày 18/5 theo Chỉ thị số 16/CT-TTg ngày 31/3/2020.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đề nghị Bộ Y tế, tỉnh Bắc Giang vận dụng linh hoạt phương pháp xét nghiệm mẫu gộp để khắc phục tình trạng thiếu bộ dụng cụ, hóa chất xét nghiệm mẫu và nhấn mạnh các biện pháp giãn cách, khoanh vùng dập dịch phải thực hiện nghiêm.

Cũng liên quan đến công tác phòng, chống dịch COVID-19 trong các khu công nghiệp, chiều 18/5, UBND Thành phố Hồ Chí Minh có chỉ đạo khẩn về việc tăng cường kiểm soát, đảm bảo an toàn phòng, chống dịch tại các khu chế xuất, khu công nghiệp, khu công nghệ cao và doanh nghiệp trên địa bàn. Một trong những quy định tại chỉ đạo này là toàn bộ cán bộ, nhân viên, người lao động trong các khu chế xuất, khu công nghiệp phải thực hiện khai báo y tế, lịch trình đi lại theo quy định. Ban Quản lý các Khu chế xuất và công nghiệp, Khu Công nghệ cao chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức các phương án phòng, chống dịch; khuyến cáo, vận động các doanh nghiệp trong các khu chế xuất, khu công nghiệp có quy mô lao động lớn trang bị thiết bị nhận diện khuôn mặt, máy tầm nhiệt, góp phần làm tốt công tác sàng lọc, phòng, chống dịch COVID-19.

Phòng, chống hiệu quả dịch COVID-19, chuẩn bị cho ngày hội non sông ảnh 3Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Nguyễn Văn Quảng, người ứng cử đại biểu Quốc hội khóa XV, nhiệm kỳ 2021-2026 tại thành phố Đà Nẵng phát biểu chương trình hành động tranh cử của mình. Ảnh: Quốc Dũng - TTXVN

Tập trung tối đa nguồn lực để điều trị người bệnh

Trước diễn biến phức tạp của dịch COVID-19 tại tỉnh Bắc Ninh, Cục Quản lý Khám, chữa bệnh (Bộ Y tế) đã có văn bản gửi Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai và Giám đốc Sở Y tế tỉnh Bắc Ninh đề nghị tăng cường công tác điều trị người bệnh COVID-19. Theo đó, Cục Quản lý Khám, chữa bệnh yêu cầu Bệnh viện Bạch Mai cử ngay kíp chuyên môn hồi sức tích cực chuyên sâu về ECMO, thở máy hỗ trợ tại chỗ cho Bệnh viện đa khoa tỉnh Bắc Ninh triển khai kỹ thuật này tại Bệnh viện. Sở Y tế tỉnh Bắc Ninh tập trung tối đa mọi nguồn lực để điều trị, chăm sóc toàn diện người bệnh COVID-19, hạn chế tới mức thấp nhất khả năng tử vong...

UBND tỉnh Bắc Ninh cũng đã quyết định thực hiện giãn cách xã hội đối với thành phố Bắc Ninh và huyện Quế Võ. Theo đó, từ 6 giờ ngày 18/5, thực hiện phong tỏa cách ly y tế đối với toàn bộ thành phố Bắc Ninh gồm 19 phường, 114 khu dân cư với tổng số 84.338 gia đình gồm 267.980 nhân khẩu. Thời gian áp dụng đến hết ngày 20/5 để tập trung rà soát, xét nghiệm, khoanh vùng các trường hợp có nguy cơ cao đến từ vùng có dịch.

Thiết lập đường dây "nóng"

Sở Thông tin và Truyền thông thành phố Đà Nẵng cho biết, Tổng đài 1022 Đà Nẵng vừa thiết lập đường dây nóng tiếp nhận phản ánh và cung cấp thông tin phòng, chống dịch COVID-19 trên địa bàn. Người dân có thể gọi đến đường dây nóng, số điện thoại (0236) 1022 hoặc *1022, chọn nhánh số 0 để được hướng dẫn thực hiện các biện pháp phòng dịch; giải đáp thông tin, văn bản, quy định phòng, chống dịch trên địa bàn thành phố; hỗ trợ khai báo y tế trực tuyến qua https://khaibaoyte.danang.gov.vn; sử dụng các ứng dụng công nghệ thông tin như bản đồ dịch tễ https://covidmaps.danang.gov.vn, cơ sở dữ liệu dịch tễ qua Cổng dữ liệu.

Cùng ngày, Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 thành phố Đà Nẵng đã quyết định hỗ trợ hai tỉnh Bắc Giang, Bắc Ninh, mỗi tỉnh 6.000 sinh phẩm xét nghiệm SARS-CoV-2. Đồng thời, thành phố Đà Nẵng bắt đầu triển khai xét nghiệm đại diện hộ gia đình. Dự kiến công tác lấy mẫu sẽ diễn ra từ ngày 18-21/5 cho 65.888 hộ chưa được xét nghiệm.

Ngày 18/5, Phó Giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh Vĩnh Long Nguyễn Thị Thu Hà cho biết, Viện Pasteur Thành phố Hồ Chí Minh vừa cấp Giấy chứng nhận đủ năng lực xét nghiệm khẳng định virus SARS-CoV-2 bằng kỹ thuật realtime RT - PCR cho đơn vị. Theo đó, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Vĩnh Long có trách nhiệm duy trì năng lực xét nghiệm khẳng định virus SARS-CoV-2 và chịu sự giám sát định kỳ hằng năm của Viện Pasteur Thành phố Hồ Chí Minh.

Phòng, chống dịch trong thời gian bầu cử

Chuẩn bị cho Ngày Bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và bầu cử đại biểu HĐND nhiệm kỳ 2021-2026, Bộ Y tế đã có Công điện số 668/CĐ-BYT gửi UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; các Sở Y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về việc tăng cường công tác phòng, chống dịch bệnh trước và trong thời gian bầu cử.

Nhiều tỉnh, thành phố trong cả nước, trong đó có các tỉnh, thành phố Yên Bái, Hậu Giang, Điện Biên, Đà Nẵng... đã xây dựng các phương án phòng, chống COVID-19 để tổ chức thành công cuộc bầu cử trên tinh thần đảm bảo quyền và sự an toàn của công dân.

Trong đó, ngày 18/5, tỉnh Hậu Giang đã tổ chức diễn tập đảm bảo phòng, chống COVID-19 phục vụ bầu cử tại một khu vực bỏ phiếu cố định; tổ chức bầu cử cho người đang thực hiện cách ly tại nhà; tổ chức bầu cử cho người đang cách ly tại khu cách ly tập trung, bệnh viện, cơ sở y tế; tổ chức bầu cử tại vùng cách ly y tế trong khu dân cư (khu vực phong tỏa).

Ủy ban Bầu cử thành phố Đà Nẵng đã ban hành văn bản hướng dẫn cử tri khai báo y tế trực tuyến để đảm bảo an toàn phòng, chống dịch COVID-19 khi đi bầu cử. Cụ thể, các cử tri có thể thực hiện theo một trong các cách sau: Khai báo trên app Danang SmartCity (Tải app tại http://onelink.to/DanangSmartCity); khai báo qua mạng xã hội Zalo Tổng đài 1022; hoặc truy cập https://khaibaoyte.danang.gov.vn.

Phòng, chống hiệu quả dịch COVID-19, chuẩn bị cho ngày hội non sông ảnh 4Giám đốc Sở Y tế Long An Huỳnh Minh Phúc báo cáo công tác phòng, chống dịch COVID-19 và bảo đảm an toàn trong bầu cử. Ảnh: Đức Hạnh - TTXVN

Truyền thống tốt đẹp “tương thân tương ái”

Tại Thành phố Hồ Chí Minh, Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã tổ chức lễ trao tặng lô thiết bị y tế trị giá 1,8 tỷ đồng do Phân ban Ni giới Trung ương ủng hộ cho Chính phủ, nhân dân Ấn Độ phòng, chống COVID-19. Trước đó, ngày 12/5, tại Hà Nội, Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã trao tặng Đại sứ quán Ấn Độ tại Việt Nam 100 máy thở, 50 máy tạo oxy (trị giá 14 tỷ đồng).

Đợt trao tặng thiết bị y tế hỗ trợ nhân dân Ấn Độ lần này là việc làm thiết thực đầy tính nhân văn của tăng ni, Phật tử Việt Nam trong mùa Phật đản năm nay, thể hiện tinh thần “Từ bi-Trí tuệ” của Đức Phật, truyền thống tốt đẹp “tương thân tương ái” của dân tộc Việt Nam; qua đó góp phần vun đắp mối quan hệ truyền thống tốt đẹp giữa nhân dân hai nước Việt Nam - Ấn Độ.

Phúc Hằng

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm