Bắc Kạn tuyên truyền vận động bầu cử bằng cả tiếng phổ thông và tiếng dân tộc

Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Thượng tướng Phan Văn Giang kiểm tra thực tế công tác bầu cử tại khu vực bỏ phiếu số 4 ở Tổ 9, phường Phùng Chí Kiên, thành phố Bắc Kạn. Ảnh: TTXVN phát
Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Thượng tướng Phan Văn Giang kiểm tra thực tế công tác bầu cử tại khu vực bỏ phiếu số 4 ở Tổ 9, phường Phùng Chí Kiên, thành phố Bắc Kạn. Ảnh: TTXVN phát

Tới thời điểm này, công tác chuẩn bị cho cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026 đã được tỉnh Bắc Kạn triển khai đúng trình tự, đảm bảo tiến độ, thời gian theo quy định.

Bắc Kạn tuyên truyền vận động bầu cử bằng cả tiếng phổ thông và tiếng dân tộc ảnh 1 Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Thượng tướng Phan Văn Giang kiểm tra thực tế công tác bầu cử tại khu vực bỏ phiếu số 4 ở Tổ 9, phường Phùng Chí Kiên, thành phố Bắc Kạn. Ảnh: TTXVN phát

Bà Phương Thị Thanh, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, Phó Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh, Phó Trưởng ban bầu cử tỉnh Bắc Kạn cho biết, Ban Thường vụ Tỉnh ủy luôn chỉ đạo sâu sát, trực tiếp, thường xuyên, huy động cả hệ thống chính trị triển khai các công việc cho công tác bầu cử. Toàn tỉnh đã thành lập 117 Ủy ban Bầu cử gồm 1 Ủy ban Bầu cử tỉnh, 8 Ủy ban Bầu cử cấp huyện/thành phố, 108 Ủy ban Bầu cử cấp xã, phường, thị trấn. Mỗi Ủy ban Bầu cử các cấp đều thành lập 2 tiểu ban gồm: Tiểu ban thông tin, tuyên truyền và vận động bầu cử; Tiểu ban giải quyết khiếu nại, tố cáo, an ninh trật tự và y tế; đồng thời trưng tập và thành lập tổ giúp việc cho Ủy ban Bầu cử.

Trên cơ sở số đơn vị bầu cử, toàn tỉnh đã thành lập 789 ban bầu cử gồm: 2 Ban bầu cử Quốc hội, 14 Ban bầu cử HĐND tỉnh, 60 Ban bầu cử HĐND cấp huyện và 713 Ban bầu cử HĐND cấp xã. Toàn tỉnh có 763 khu vực bỏ phiếu.

Bắc Kạn đã lập danh sách chính thức 10 người ứng cử đại biểu Quốc hội, 84 người ứng cử đại biểu HĐND tỉnh, 402 người ứng cử đại biểu HĐND cấp huyện, thành phố và 3318 người ứng cử đại biểu HĐND xã, đảm bảo đúng trình tự, tiến độ, hướng dẫn của Trung ương. 100% xã, phường, thị trấn lập xong danh sách cử tri theo từng khu vực và niêm yết danh sách cử tri đúng thời gian quy định, với tổng số cử tri trên địa bàn là 238.879 người (chiếm 75,23% tổng dân số). Ủy ban Bầu cử các xã, phường, thị trấn đang tiếp tục phối hợp với các cơ quan có liên quan thường xuyên rà soát lại số lượng cử tri trên địa bàn để cập nhật, bổ sung vào danh sách cử tri, bảo đảm quyền bầu cử theo luật định.

Bắc Kạn tuyên truyền vận động bầu cử bằng cả tiếng phổ thông và tiếng dân tộc ảnh 2Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Thượng tướng Phan Văn Giang kiểm tra thực tế công tác bầu cử tại khu vực bỏ phiếu số 4 ở Tổ 9, phường Phùng Chí Kiên, thành phố Bắc Kạn. Ảnh: TTXVN phát

Để đảm bảo công tác bầu cử được thực hiện thuận lợi, đảm bảo cho cuộc bầu cử thực sự dân chủ, đúng luật, an toàn, tiết kiệm, ông Ma Từ Đông Điền, Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) tỉnh Bắc Kạn cho biết, Ủy ban MTTQ tỉnh đã ban hành 3 kế hoạch để giám sát công tác bầu cử, thực hiện 3 đợt kiểm tra, giám sát về công tác bầu cử tại các địa phương, cơ sở. Bên cạnh đó, Ủy ban MTTQ tỉnh đã chỉ đạo MTTQ cấp huyện, cấp cơ sở tiến hành nhiều đợt kiểm tra, giám sát tại 8 huyện, thành phố; 108 xã, phường, thị trấn và một số thôn, bản, tổ dân phố trên địa bàn tỉnh nhằm đánh giá tình hình công tác tổ chức, triển khai, thực hiện việc chấp hành các quy định của pháp luật về công tác bầu cử; làm rõ những thuận lợi, khó khăn, vướng mắc, nguyên nhân, trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị liên quan trong quá trình triển khai thực hiện để có biện pháp hướng dẫn, chỉ đạo hoặc kiến nghị cơ quan, tổ chức, đơn vị có trách nhiệm khắc phục kịp thời.

Với đặc điểm tỉnh Bắc Kạn có diện tích rộng lớn, trong đó 80% diện tích là rừng núi, địa hình hiểm trở, bị chia cắt bởi nhiều núi cao, sông suối. Mặc dù diện tích tự nhiên lớn nhưng dân số của tỉnh Bắc Kạn chỉ khoảng hơn 300.000 người, trong đó chủ yếu là người dân tộc thiểu số (86%) sinh sống theo từng cụm dân cư nên việc thông tin tuyên truyền gặp nhiều khó khăn.

Để thông tin về bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND các cấp lan tỏa sâu rộng đến từng người dân, từng bản làng, khu dân cư, tỉnh Bắc Kạn đã thực hiện nhiều biện pháp tuyên truyền trực quan bằng pano, áp phích, khẩu hiệu, qua hệ thống loa truyền thanh, xe lưu động bằng cả tiếng phổ thông và tiếng dân tộc. Ngoài ra, tỉnh thực hiện lồng ghép trong các hội nghị tại cơ sở, cử cán bộ tới tận các hộ ở vùng sâu, vùng xa tuyên truyền bằng tiếng dân tộc, đưa danh sách những người ứng cử tới từng hộ dân, thường xuyên thăm nắm tình hình, tâm tư nguyện vọng của bà con để đảm bảo mọi người dân đều hiểu về mục đích, ý nghĩa, tầm quan trọng của cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026.

Bí thư Tỉnh ủy Bắc Kạn Hoàng Duy Chinh cho biết, đến nay tỉnh đã triển khai các bước chuẩn bị cho công tác bầu cử chặt chẽ, chủ động, khẩn trương, kịp thời, đồng bộ, thống nhất, dân chủ, công khai và đúng quy định. Quá trình triển khai đảm bảo sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy Đảng, chính quyền, phát huy vai trò của MTTQ và các tổ chức thành viên, phát huy dân chủ trong quá trình hiệp thương để thỏa thuận về cơ cấu, thành phần giới thiệu người ứng cử và lập danh sách chính thức những người ứng cử đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026.

Bí thư Tỉnh ủy yêu cầu các ngành lên danh sách, xây dựng phương án cho những tình huống bất thường có thể xảy ra, bố trí lực lượng, sẵn sàng chiến đấu để đảm bảo an ninh, trật tự tại các điểm bầu cử. Lực lượng công an tỉnh đã mở đợt cao điểm tấn công, trấn áp tội phạm từ ngày 1/4 và kết thúc vào ngày 15/6. Đến thời điểm hiện nay, an ninh chính trị trên địa bàn tỉnh được giữ vững ổn định; trật tự, an toàn xã hội được đảm bảo; chưa phát hiện hoặc để xảy ra vụ việc phức tạp về an ninh trật tự, ảnh hưởng đến công tác chuẩn bị, tổ chức cuộc bầu cử ở địa phương.

Vũ Hoàng Giang

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm