Giai đoạn chuyển mùa đông - xuân, thu - đông, cá thường hay mắc bệnh gây tổn thất cho người nuôi. Tuy nhiên, nếu người nuôi tuân thủ tốt một số yêu cầu kỹ thuật dưới đây sẽ góp phần hạn chế tối đa thiệt hại có thể xảy ra do các bệnh…
Vệ sinh ao nuôi:
Trước mỗi vụ nuôi phải vệ sinh ao nuôi sạch sẽ, dọn cỏ, vét bùn đáy ao, lấp các lỗ xung quanh bờ ao, bón vôi để diệt mầm bệnh, ổn định pH và diệt tạp.
Chọn giống và chăm sóc cá:
- Chọn cá nuôi phù hợp với từng điều kiện và tiềm năng thức ăn sẵn có. Mua cá giống ở nơi có uy tín, chọn giống tốt, khoẻ mạnh, không mang mầm bệnh, màu sắc sáng đẹp, bơi lội nhanh. Trước khi thả nên tắm cá giống qua nước muối 2% - 3% khoảng 5 - 10 phút. Thả cá phải đúng thời vụ và đảm bảo đúng mật độ.
- Chăm sóc cá đúng theo yêu cầu "4 định": định lượng - định chất - định vị trí - định thời gian để đảm bảo cá khỏe mạnh, ít nhiễm bệnh. - Cần duy trì chất lượng môi trường nước tốt, kết hợp chăm sóc và nuôi cá theo đúng quy trình kỹ thuật.
Quản lý chất lượng nước ao nuôi:
Ao nuôi phải thông thoáng, độ sâu từ 1,2 m - 1,8 m (với ao ương cá giống là 0,5 m - 1 m). Duy trì nước ao có màu xanh vỏ đậu hoặc xanh lá chuối non là tốt nhất, hàm lượng oxy hòa tan từ 3 mg - 8 mg/l, nhiệt độ 260 C - 300 C. Đối với ao khó thay nước hoặc không thể thay được nước thì có thể xử lý bằng các chế phẩm sinh học.
Phòng bệnh:
Một tháng trước khi thời tiết chuyển mùa nên dùng thuốc “Tiên Đắc” cho cá ăn 3 ngày liên tục với hàm lượng 50 gam/250 kg cá/ngày. Vào giai đoạn chuyển mùa, định kỳ 2 tuần/lần rải vôi xung quanh ao để ngăn nước mưa mang phèn và các chất bẩn xuống, đồng thời lấy nước vôi tạt đều khắp ao với định lượng từ 1 kg - 3 kg/100 m3 nước. Ngoài ra, cần bổ sung vitamin và các khoáng chất cần thiết vào khẩu phần ăn để tăng sức đề kháng cho cá.
Hữu Hải