Khói thuốc lá điện tử gây ung thư phổi ở chuột. Ảnh: smokeynews.com |
Để có được kết luận này, các nhà khoa học đã tiến hành thí nghiệm tổng cộng 40 con chuột. Sau 54 tuần phơi nhiễm nicotine từ khói thuốc lá điện tử, có 9 con chuột, tương ứng tỷ lệ 22,5%, phát triển ung thư phổi và có 23 trường hợp chuột thí nghiệm phát triển tăng sản bàng quang, những thay đổi về gen có thể dẫn đến sự phát triển của những chuỗi gen bất thường thường gặp ở những ca bệnh ung thư.
Ngược lại, chỉ có duy nhất 1 con chuột trong nhóm 17 con chuột phơi nhiễm khói thuốc lá điện tử không nicotine phát triển bệnh về tăng sản.
Trước đó, các nhà nghiên cứu cho rằng các hóa chất được bổ sung trong quá trình xử lý sản phẩm thuốc lá, đã làm biến đổi nicotine thành nitrosamine - chất gây ung thư cho cả người và chuột.
Cũng thông qua nghiên cứu này, các nhà khoa cho biết mặc dù lượng hóa chất trong thuốc lá điện tử thấp hơn tới 95% so với thuốc lá thông thường, song các tế bào của động vật có vú vẫn có thể phản ứng trực tiếp với nicotine để chuyển hóa thành nitrosamine và sau đó gây ra những tổn thương cho DNA.
Để tìm hiểu sâu và củng cố những kết luận nói trên, các nhà khoa học Mỹ cho biết sẽ mở rộng nghiên cứu bằng việc tăng số lượng chuột tham gia nghiên cứu, thu hẹp và kéo dài thời gian cho chuột phơi nhiễm khói thuốc lá điện tử và đào sâu tìm hiểu những biến đổi về gen do khói thuốc lá điện tử gây ra.
Hút thuốc lá điện tử lần đầu tiên xuất hiện tại Mỹ vào năm 2006 và đến nay đang trở thành trào lưu của giới trẻ không chỉ ở Mỹ mà còn khắp các nước trên thế giới. Năm 2018, số thanh thiếu niên Mỹ sử dụng các loại thuốc lá điện tử đã tăng 1,5 triệu người. Ước tính có 3,6 triệu học sinh trung học và phổ thông tại Mỹ sử dụng thuốc lá điện tử. Theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ, gần 400 người tại Mỹ đã bị mắc bệnh phổi và có nhiều khả năng là do sử dụng thuốc lá điện tử có hương liệu, trong đó 6 người đã tử vong. Dù nguyên nhân gây tử vong các ca bệnh này chưa được xác định, giới chức y tế Mỹ cảnh báo người dân không mua các sản phẩm thuốc lá điện tử bán trên đường phố hoặc các sản phẩm sử dụng tinh dầu có nguồn gốc từ cần sa, cũng như nên tránh hít phải vitamin E acetate - một thành phần có trong một số sản phẩm thuốc lá điện tử. Hiện một số bang của Mỹ như New York, Michigan đã đưa ra lệnh cấm thuốc lá điện tử có hương liệu.
Lan Phương