Phát biểu tại Hội nghị, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh: Nói đến người già, đầu tiên là phải có sức khỏe. Trước hết, ngành Y tế cần phải đưa ra quy trình chuẩn, hướng dẫn hệ thống chăm sóc lão khoa trong các cơ sở y tế, và quan trọng hơn là phải triển khai chăm sóc sức khỏe y tế cho người cao tuổi tại cơ sở, cộng đồng, đặc biệt tại vùng nông thôn, miền núi. Hiện, Bộ Y tế, Bảo hiểm xã hội Việt Nam đang tích cực chuẩn bị triển khai kế hoạch lập hồ sơ quản lý sức khỏe cá nhân gắn với mục tiêu bảo hiểm y tế và chăm sóc sức khỏe toàn dân, mà đối tượng được thụ hưởng đầu tiên là người già và trẻ em.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam phát biểu tại hội nghị. Ảnh: Phương Hoa - TTXVN |
Để công tác chăm sóc người cao tuổi ngày càng tốt hơn, Phó Thủ tướng đề nghị các cơ quan chức năng có các hình thức khuyến khích, tôn vinh các doanh nghiệp, tổ chức xã hội, cá nhân thực hiện tốt các chính sách hỗ trợ, ưu đãi cho người cao tuổi như giảm vé, phí tham quan di tích lịch sử, văn hóa, bảo tàng, danh lam thắng cảnh, sử dụng phương tiện giao thông; thiết kế, xây dựng các công trình công cộng, chung cư phù hợp với đặc điểm, nhu cầu sử dụng của người cao tuổi …
Quang cảnh hội nghị. Ảnh: Phương Hoa - TTXVN |
Theo báo cáo của Ủy ban Quốc gia về Người cao tuổi, cả nước có hơn 10 triệu người cao tuổi, chiếm 10,94% dân số, trong đó có có 1.892.900 người từ 80 tuổi trở lên (chiếm 18,6% tổng số người cao tuổi). Số người cao tuổi sống ở khu vực nông thôn là 6.636.000 người (chiếm 65,7%); tỷ lệ người cao tuổi thuộc hộ nghèo khoảng 22%. Nhiều tỉnh đã triển khai thực hiện giảm giá vé đường bộ, đường thủy cho người cao tuổi như Lai Châu, Bắc Kạn, Khánh Hòa, Quảng Bình, Đà Nẵng; Các hãng hàng không, đường sắt áp dụng giảm 15% giá vé với tổng kinh phí hơn 40 tỷ đồng. Một số tỉnh, thành phố đã nâng mức trợ cấp cho người cao tuổi cao hơn mức quy định chung của cả nước như TP. Hồ Chí Minh, Hà Nội, Vĩnh Phúc, Quảng Ninh, Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình Dương, Hà Giang…