Phó Thủ tướng Thường trực Nguyễn Hòa Bình: Chú trọng giải pháp phát triển bền vững vùng đồng bào dân tộc thiểu số miền Trung - Tây Nguyên

Sáng 9/11, Hội nghị đánh giá kết quả thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030 khu vực miền Trung - Tây Nguyên đã diễn ra tại thành phố Pleiku, tỉnh Gia Lai.

vna_potal_hoi_nghi_danh_gia_ket_qua_thuc_hien_chuong_trinh_muc_tieu_quoc_gia_phat_trien_kinh_te_-_xa_hoi_vung_dong_bao_dan_toc_thieu_so_va_mien_nui___7695329.jpg
Hội nghị diễn ra dưới sự chủ trì của các đồng chí lãnh đạo Đảng và Nhà nước. Ảnh: Hoài Nam – TTXVN

Hội nghị diễn ra dưới sự chủ trì của các đồng chí: Nguyễn Hòa Bình, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ - Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương các Chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2021-2025; Đỗ Văn Chiến, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; Hầu A Lềnh, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc; lãnh đạo các bộ, ban ngành Trung ương và 16 tỉnh khu vực miền Trung và Tây Nguyên. Đây là sự kiện quan trọng nhằm đánh giá những thành tựu đã đạt được trong giai đoạn I (2021 - 2025) và định hướng, đề xuất các nội dung cho giai đoạn II (2026 - 2030) tập trung vào khu vực miền Trung - Tây Nguyên.

Phát biểu tại hội nghị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình nhấn mạnh, Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi không chỉ là trách nhiệm của Nhà nước mà rất cần sự vào cuộc mạnh mẽ của cả hệ thống chính trị và cộng đồng. Phó Thủ tướng Thường trực khẳng định cần phát huy những kết quả đã đạt được, khắc phục những tồn tại, hạn chế, thúc đẩy sự phối hợp chặt chẽ hơn nữa giữa các bộ, ngành Trung ương và địa phương trong việc triển khai các chương trình, dự án, đảm bảo tính khả thi và hiệu quả cao nhất. Đặc biệt, cần chú trọng phát triển hạ tầng, giáo dục, y tế và để xuất xây dựng giải pháp bền vững cho sự phát triển của các vùng đồng bào dân tộc thiểu số sẽ được triển khai trong giai đoạn II sắp tới.

Để đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số khu vực miền Trung - Tây Nguyên giai đoạn II (2026 – 2030), Phó Thủ tướng Thường trực Nguyễn Hòa Bình đề nghị, các địa phương tiếp tục khai thác tiềm năng địa phương, đổi mới sáng tạo và đảm bảo an sinh xã hội. Mục tiêu chính là giảm nghèo nhanh, thu hẹp khoảng cách về mức sống và thu nhập so với bình quân cả nước, giảm số xã, thôn đặc biệt khó khăn. Sự đồng lòng của các cấp chính quyền và cộng đồng là chìa khóa quyết định để chương trình này thực sự mang lại lợi ích thiết thực cho đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, góp phần vào sự phát triển chung của đất nước.

Theo Ủy ban Dân tộc, khu vực miền Trung và Tây Nguyên hiện có 445 xã khu vực I, 66 xã khu vực II, 476 xã khu vực III và 3.243 thôn đặc biệt khó khăn, chiếm 24,53% tổng số thôn đặc biệt khó khăn vùng dân tộc thiểu số và miền núi của cả nước. Dân số khu vực này trên 21 triệu người; trong đó có hơn 3,6 triệu người thuộc 53 dân tộc thiểu số, chiếm khoảng 17% dân số.Trong giai đoạn 2021 - 2025, tổng nguồn lực dự kiến để triển khai chương trình là trên 22.560 tỷ đồng, trong đó ngân sách Trung ương là hơn 20.500 tỷ đồng. Tính đến ngày 30/9/2024, 16 tỉnh miền Trung và Tây Nguyên đã giải ngân hơn 12.900 tỷ đồng, đạt 60,6% kế hoạch. Đáng chú ý, tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư của Chương trình đạt 74,3%, cao gấp 3 lần so với tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư chung của cả nước là 57,7%.

vna_potal_hoi_nghi_danh_gia_ket_qua_thuc_hien_chuong_trinh_muc_tieu_quoc_gia_phat_trien_kinh_te_-_xa_hoi_vung_dong_bao_dan_toc_thieu_so_va_mien_nui__7695328.jpg
Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Thường trực Nguyễn Hoà Bình, Trưởng ban Chỉ đạo Trung ương các Chương trình Mục tiêu Quốc gia giai đoạn 2021 - 2025 phát biểu tại Hội nghi. Ảnh: Hoài Nam – TTXVN

Các chính sách hỗ trợ được triển khai đồng bộ, góp phần nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của đồng bào dân tộc thiểu số. Nhiều dự án phát triển hạ tầng, giáo dục, y tế và sản xuất đã được thực hiện, tạo ra nhiều cơ hội việc làm và cải thiện thu nhập cho người dân. Tỷ lệ hộ nghèo trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số đến nay bình quân đạt 5,2%/năm; thu nhập bình quân của các tỉnh miền Trung và Tây Nguyên đạt 34,5 triệu đồng/người/năm, tăng 2,5 lần so với thu nhập bình quân vùng dân tộc thiểu số đầu giai đoạn. Tỷ lệ đồng bào dân tộc thiểu số tham gia bảo hiểm y tế đạt trên 92%; gần 100% các xã, thôn vùng đồng bào dân tộc thiểu số đều được sử dụng nước sạch, điện lưới quốc gia và có đường ô tô trải nhựa hoặc bê tông. Gần 90% trường, lớp học được xây dựng kiên cố. Những kết quả này khẳng định tính hiệu quả của các chương trình hỗ trợ đã triển khai.

Qua đánh giá của Ban Chỉ đạo Trung ương các chương trình mục tiêu quốc gia, mặc dù Chương trình mục tiêu quốc gia dân tộc thiểu số và miền núi chỉ mới thực hiện chính thức từ nửa cuối năm 2022. Nhưng nhờ sự nỗ lực và tính chủ động của nhiều địa phương trong việc tổ chức triển khai và lồng ghép nguồn lực từ các chương trình, dự án khác, một số chỉ tiêu trong giai đoạn I ước tính đến ngày 31/12/2024 sẽ hoàn thành, vượt mục tiêu kế hoạch được giao. Việc hoàn thành sớm một số chỉ tiêu trong giai đoạn I vừa là động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, xóa đói, giảm nghèo cho người dân, đồng thời giúp các địa phương dành nguồn lực cho các mục tiêu khác khó khăn hơn, đòi hỏi mức độ tập trung và thời gian thực hiện dài hơn.

Tại hội nghị, các đại biểu đã thảo luận và đề xuất nhiều nội dung quan trọng cho Chương trình ở giai đoạn II (2026 – 2030). Các ý kiến tập trung vào việc cần thiết có các chính sách ưu tiên cho vùng sâu, vùng xa, nơi còn nhiều khó khăn. Tiếp tục hoàn thiện chính sách hỗ trợ, đặc biệt là phát triển hạ tầng cơ sở, nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo nghề nhằm tạo ra nguồn nhân lực chất lượng đáp ứng nhu cầu phát triển bền vững của vùng dân tộc thiểu số. Bên cạnh đó, cần hỗ trợ sản xuất, cải thiện thu nhập cho đồng bào dân tộc thiểu số, đảm bảo bình đẳng giới, giải quyết các vấn đề cấp thiết cho phụ nữ, trẻ em và thúc đẩy phát triển kinh tế bền vững gắn với giữ gìn bản sắc văn hóa.

Bí thư Tỉnh ủy Gia Lai Hồ Văn Niên, cho biết sau 3 năm (từ năm 2022 đến nay), với sự nỗ lực, quyết tâm của cả hệ thống chính trị cùng với sự chủ động của nhân dân các dân tộc trong tỉnh, Chương trình đã tạo ra những chuyển biến tích cực góp phần cải thiện và nâng cao đời sống nhân dân các dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh. Tổng vốn giải ngân của Chương trình từ năm 2022 đến nay đã vượt qua 1.200 tỷ đồng, đạt tỷ lệ 54,5% tổng vốn đã phân bổ. Một số chỉ tiêu đã hoàn thành sớm, như: tỷ lệ hộ nghèo đồng bào dân tộc thiểu số giảm hằng năm đạt trên 3%; cơ sở hạ tầng thiết yếu phục vụ sản xuất và đời sống trong vùng được chú trọng đầu tư; mạng lưới đường giao thông được kết nối từ trung tâm tỉnh đến các thôn, làng; các lĩnh vực văn hóa, y tế, giáo dục được nâng cấp, trang bị mới…

Tuy nhiên, việc triển khai Chương trình ở một số địa phương chưa như kỳ vọng; một số nội dung, tiểu dự án, dự án vẫn còn lúng túng trong việc áp dụng các quy định, hướng dẫn của bộ, ngành Trung ương, dẫn đến triển khai chậm và tỷ lệ giải ngân thấp. Tỉnh Gia Lai đề nghị Chính phủ và các bộ, ngành Trung ương quan tâm bổ sung nguồn lực cho các địa phương, nhất là tăng tỷ lệ vốn đầu tư so với giai đoạn I (2021 -2025), trong đó vốn đầu tư ít nhất 70%, vốn sự nghiệp khoảng 30%. Cần xây dựng cơ chế phân bổ vốn linh hoạt, ưu tiên theo nhu cầu của địa phương và đơn vị trực tiếp triển khai; giao quyền phân bổ vốn chi tiết các dự án, tiểu dự án, nội dung thuộc Chương trình cho cấp tỉnh thực hiện. Điều này sẽ tạo sự linh hoạt và trách nhiệm cho các cấp chính quyền địa phương trong việc sử dụng nguồn vốn.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên Đào Mỹ cho rằng, trong giai đoạn II, Chính phủ và các bộ, ngành Trung ương cần xây dựng hướng dẫn hoặc có cơ chế ưu tiên cụ thể để huy động và phân bổ nguồn vốn phát triển chính thức (ODA) nhằm tăng thêm nguồn vốn đầu tư cho Chương trình. Đồng thời, cần có chính sách ưu đãi đặc thù để vận động, thu hút các đối tác, nhà đầu tư, doanh nghiệp trọng điểm đầu tư vào vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, cũng như đào tạo, sử dụng lao động là người dân tộc thiểu số. Ngoài ra, đề nghị cho phép thời gian giải ngân nguồn vốn của Chương trình theo 3 giai đoạn thực hiện, tạo điều kiện cho địa phương có thời gian triển khai hiệu quả các chương trình, dự án.

Tại hội nghị, Ban Chỉ đạo các Chương trình mục tiêu quốc gia đã đề ra các mục tiêu trong giai đoạn 2026-2030, phấn đấu thu nhập bình quân đạt 1/2 bình quân cả nước; giảm tỷ lệ hộ nghèo xuống dưới 10%; không còn xã, thôn đặc biệt khó khăn; 70% xã đạt chuẩn nông thôn mới; xóa bỏ nhà ở tạm và duy trì tỷ lệ che phủ rừng trên 85%… Những mục tiêu này thể hiện quyết tâm của Đảng và Nhà nước trong việc chăm lo, nâng cao đời sống đồng bào dân tộc thiểu số khu vực miền Trung và Tây Nguyên, góp phần thúc đẩy vào sự phát triển toàn diện đất nước.

Hoài Nam - Xuân Huy

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm