Sơ kết 3 năm thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh phát biểu tại hội nghị. Ảnh: Đặng Tuấn – TTXVN
Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh phát biểu tại hội nghị. Ảnh: Đặng Tuấn – TTXVN

Ngày 30/6, tại thành phố Nha Trang (tỉnh Khánh Hòa), Ủy ban Dân tộc tổ chức Hội nghị sơ kết 3 năm thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi từ năm 2021 đến năm 2023; đề ra nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm giai đoạn 2023 - 2025.

Sơ kết 3 năm thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi ảnh 1Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh phát biểu tại hội nghị. Ảnh: Đặng Tuấn – TTXVN

Tham dự có Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh; đại diện các bộ, ngành Trung ương; lãnh đạo UBND tỉnh và Ban Dân tộc 17 tỉnh, thành miền Trung - Tây Nguyên.

Tại Hội nghị, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh đề nghị, lãnh đạo các địa phương ưu tiên tập trung giải quyết những khó khăn, vướng mắc lớn, mang tính nền tảng, đặc thù, tác động đến tiến độ, hiệu quả triển khai Chương trình giai đoạn I (2021 - 2025) tại các địa phương khu vực miền Trung - Tây Nguyên; những nhiệm vụ trọng tâm và giải pháp cụ thể trong tổ chức triển khai Chương trình giai đoạn 2024 - 2025, đảm bảo thực hiện thành công các mục tiêu, chỉ tiêu cho cả giai đoạn I. Các đại biểu cần nêu những kiến nghị về cơ chế, chính sách; những đề nghị điều chỉnh về mục tiêu, chỉ tiêu và cả nội dung của các dự án, tiểu dự án cho giai đoạn 2024 - 2025 của các địa phương.

Vấn đề được đặt ra tại Hội nghị là nhu cầu nguồn lực đầu tư lớn trong bối cảnh ngân sách Nhà nước còn hạn chế, việc triển khai các dự án, tiểu dự án của Chương trình ở các tỉnh miền Trung - Tây Nguyên gặp không ít thách thức; đặc biệt là khó khăn về cơ chế và bộ máy tổ chức thực hiện đã tác động không nhỏ đến tiến độ triển khai, giải ngân của Chương trình. Trước thực trạng đó, Ban Chỉ đạo Trung ương quyết định tổ chức các hội nghị sơ kết 3 năm thực hiện Chương trình ở 3 khu vực và hội nghị toàn quốc để kịp thời phối hợp với các địa phương xác định cụ thể các khó khăn, vướng mắc; đồng thời, rà soát, đánh giá tổng thể các mục tiêu, chỉ tiêu được giao, làm cơ sở cho việc tham mưu điều chỉnh nội dung, nguồn lực, địa bàn và xác định các giải pháp đẩy nhanh tiến độ đảm bảo hoàn thành 100% các mục tiêu, chỉ tiêu toàn quốc của Chương trình đã được phê duyệt.

Sơ kết 3 năm thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi ảnh 2Đại biểu tỉnh Kon Tum phát biểu. Ảnh: TTXVN phát

Tại Hội nghị, các đại biểu đã nêu lên một số khó khăn như: Vấn đề bảo tồn văn hóa còn vướng về hướng dẫn định giá chung mức giá các hiện vật bảo tồn trong nhà văn hóa cộng đồng; tỷ lệ vốn giải ngân các chương trình về đến tỉnh còn thấp; một số văn bản cần sửa đổi bổ sung còn chậm do chưa sát thực tế; công tác đào tạo nghề chưa hiệu quả; nhiều dự án còn manh mún trong khi vốn giải ngân còn chậm nên không hiệu quả.

Đại biểu tỉnh Bình Định đề nghị, các bộ, ngành Trung ương sớm ban hành đồng bộ các văn bản chỉ đạo điều hành, Thông tư hướng dẫn cụ thể về quy trình, định mức và các văn bản chỉ đạo thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2025... để các địa phương có cơ sở thực hiện, cụ thể hóa cho phù hợp với tình hình.

Theo Ủy ban Dân tộc, tổng kinh phí dự kiến cho giai đoạn I (2021 - 2025) của Chương trình được bố trí từ ngân sách Nhà nước gần 115 nghìn tỷ đồng (bao gồm cả vốn tín dụng), chiếm tỷ trọng lớn nhất về nguồn lực cho các Chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2021 - 2025 để thực hiện 10 dự án.

Sơ kết 3 năm thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi ảnh 3Toàn cảnh hội nghị. Ảnh: TTXVN phát

Báo cáo tóm tắt của Ủy ban Dân tộc về những đóng góp và kết quả đạt được cho biết, Chương trình đã góp phần rất lớn trong việc thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương. Các nguồn lực, chính sách của Chương trình đã và đang tập trung đầu tư phát triển các công trình hạ tầng thiết yếu phục vụ dân sinh, nhất là ở địa bàn đặc biệt khó khăn vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi. Công tác bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc được quan tâm. Cùng với việc thực hiện các chính sách dân tộc và các chương trình, các địa phương đã thực hiện tốt công tác xóa đói, giảm nghèo, đào tạo nghề, giải quyết việc làm; đời sống vật chất, tinh thần của đồng bào được nâng cao; công tác chăm sóc sức khỏe, giáo dục - đào tạo có những chuyển biến tích cực.

Đặng Anh Tuấn

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm