Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng dự Lễ ký quy chế phối hợp giữa Bộ Công an và Hội đồng Dân tộc của Quốc hội

Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng dự Lễ ký quy chế phối hợp giữa Bộ Công an và Hội đồng Dân tộc của Quốc hội
Phát biểu buổi Lễ, Bộ trưởng Tô Lâm khẳng định: Thực hiện Quy chế số 02 ngày 11/2/2015, Bộ Công an và Hội đồng Dân tộc của Quốc hội đã phối hợp khá thường xuyên, chặt chẽ, hiệu quả trên nhiều lĩnh vực công tác, đặc biệt là trong công tác trao đổi thông tin; xây dựng văn bản quy phạm pháp luật; xây dựng phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc. Hai bên tham mưu, kiến nghị với Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ các vấn đề về công tác dân tộc, chính sách dân tộc. Bên cạnh đó, lực lượng Công an nhân dân đã chủ động tham mưu, đề xuất với Đảng, Nhà nước và cấp ủy, chính quyền địa phương nhiều giải pháp, chính sách nhằm phát triển kinh tế - xã hội, ổn định dân cư vùng đồng bào dân tộc. Bộ Công an quyết liệt triển khai các mặt công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm trong vùng đồng bào dân tộc, nhất là tội phạm ma túy, mua bán người; vận động, tranh thủ trên 24 nghìn người có uy tín để phục vụ công tác xây dựng và bảo vệ an ninh Tổ quốc. Công tác Công an trong vùng đồng bào các dân tộc đã góp phần quan trọng giữ vững ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội, phục vụ hiệu quả việc triển khai các chính sách của Đảng, Nhà nước về phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi; xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc.

Trước sự chứng kiến của đồng chí Tòng Thị Phóng, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội cùng các đại biểu, Bộ trưởng Tô Lâm và Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội khóa XIV Hà Ngọc Chiến đã ký quy chế phối hợp công tác giữa hai cơ quan. Ảnh: bocongan.gov.vn
Trước sự chứng kiến của đồng chí Tòng Thị Phóng, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội cùng các đại biểu, Bộ trưởng Tô Lâm và Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội khóa XIV Hà Ngọc Chiến đã ký quy chế phối hợp công tác giữa hai cơ quan. Ảnh:  bocongan.gov.vn

Bộ trưởng Tô Lâm nhấn mạnh, việc ký Quy chế phối hợp mới thay thế Quy chế phối hợp số 2 sẽ tạo cơ sở pháp lý quan trọng để Bộ Công an và Hội đồng Dân tộc của Quốc Hội phối hợp toàn diện, chặt chẽ hơn nữa trên các mặt công tác có liên quan đến chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của hai cơ quan.

Nêu rõ việc Hội đồng Dân tộc và Bộ Công an ký kết Quy chế phối hợp công tác là một hoạt động có ý nghĩa chính trị sâu sắc, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng nhấn mạnh: Đây là việc làm thiết thực thực hiện Nghị quyết của Quốc hội phê duyệt Đề án tổng thể phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030;  thực hiện Nghị quyết của Ủy ban thường vụ Quốc hội về tiếp tục hoàn thiện, nâng cao hiệu lực, hiệu quả thực hiện chính sách, pháp luật về thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững trên địa bàn vùng dân tộc thiểu số và miền núi.

Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội khẳng định, Hội đồng dân tộc của Quốc hội và Bộ Công an có vai trò đặc biệt quan trọng trong thực hiện chính sách dân tộc của Đảng, Nhà nước. Tuy vị trí, chức năng, nhiệm vụ khác nhau, hai cơ quan đều rất cố gắng hướng về cơ sở, phấn đấu thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn do luật pháp quy định, đều hướng tới mục tiêu chung là góp phần thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, chăm lo đời sống đồng bào dân tộc thiểu số, giữ vững hệ thống chính trị, củng cố hệ thống chính trị ở cơ sở, cùng thực hiện xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân, thế trận an ninh nhân dân, giữ vững chủ quyền biên giới quốc gia, xây dựng biên giới hòa bình, ổn định, hữu nghị, hợp tác và phát triển.

Để hoàn thành các nhiệm vụ nêu trên, góp phần thực hiện thắng lợi các nghị quyết của Quốc hội, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội đề nghị hai cơ quan cần bàn cụ thể hơn các nội dung, thể chế thành các văn bản quy phạm pháp luật trong hướng dẫn, tổ chức thực hiện chính sách dân tộc, công tác dân tộc vùng dân tộc thiểu số và miền núi, nhất là những chính sách đặc thù áp dụng cho vùng này cũng như lực lượng Công an và cán bộ làm công tác dân tộc. Đồng thời, hai cơ quan có chương trình phối hợp giám sát, kiểm tra việc thực hiện Đề án tổng thể mà Quốc hội vừa phê duyệt để tiếp tục nâng cao hiệu lực, hiệu quả việc thực hiện chính sách, thực hiện tốt chương trình mục tiêu quốc gia gắn với việc bảo đảm an ninh vùng miền núi, dân tộc thiểu số, vùng biên giới, góp phần xây dựng và bảo vệ an toàn biên giới quốc gia…

Theo Báo cáo tại buổi Lễ, trong những năm qua, Bộ Công an và Hội đồng Dân tộc của Quốc hội đã bám sát, duy trì, thực hiện hiệu quả cơ chế phối hợp trong xây dựng các dự án luật, pháp lệnh, văn bản quy phạm pháp luật, bảo đảm đúng trình tự, thủ tục quy định tại Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật 2015. Các văn bản quy phạm pháp luật do Bộ Công an chủ trì soạn thảo về công tác bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội, đấu tranh phòng chống tội phạm có liên quan đến đồng bào dân tộc thiểu số như: Luật Tổ chức cơ quan Điều tra hình sự, Luật An ninh mạng, Luật Công an nhân dân, Luật thi hành tạm giữ, tạm giam… đều được gửi xin ý kiến Hội đồng Dân tộc của Quốc hội và cùng phối hợp đánh giá tác động chính sách đến vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

Nhân dịp này, Bộ trưởng Công an Tô Lâm đã trao Kỷ niệm chương tặng một số cá nhân có nhiều đóng góp trong sự nghiệp “Bảo vệ an ninh Tổ quốc”.
Hạnh Quỳnh

Có thể bạn quan tâm