Phiên họp thứ 29 Ủy ban Thường vụ Quốc hội: Đề xuất 8 chính sách đặc thù thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia

Phiên họp thứ 29 Ủy ban Thường vụ Quốc hội: Đề xuất 8 chính sách đặc thù thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia

Tiếp tục chương trình Phiên họp thứ 29, chiều 8/1, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến vào dự thảo Nghị quyết về một số cơ chế, chính sách đặc thù để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia.

Phiên họp thứ 29 Ủy ban Thường vụ Quốc hội: Đề xuất 8 chính sách đặc thù thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia ảnh 1Phiên họp thứ 29 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Ảnh: Nhan Sáng - TTXVN

Vượt thẩm quyền của Chính phủ

Trình bày Tờ trình về dự thảo Nghị quyết, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương cho biết, xuất phát từ thực tiễn triển khai các Chương trình mục tiêu quốc gia và cụ thể hóa nhiệm vụ Quốc hội giao, Chính phủ đề xuất các giải pháp, chính sách đặc thù vượt thẩm quyền của Chính phủ nhằm tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc, tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi để các địa phương đẩy nhanh tiến độ thực hiện, giải ngân vốn các chương trình này trong thời gian tới.

Dự thảo Nghị quyết gồm 6 Điều, quy định về: Phạm vi điều chỉnh; đối tượng áp dụng; giải thích từ ngữ; nội dung các cơ chế đặc thù; tổ chức thực hiện và điều khoản thi hành.

Nội dung cơ bản của 8 cơ chế đặc thù về: Cơ chế phân bố, giao dự toán chi thường xuyên ngân sách trung ương hằng năm; cơ chế điều chỉnh dự toán ngân sách Nhà nước, kế hoạch đầu tư vốn hằng năm của Chương trình mục tiêu quốc gia; cơ chế cho phép UBND cấp tỉnh được ban hành quy định về thủ tục hành chính (trình tự, thủ tục, tiêu chí, mẫu hồ sơ) trong lựa chọn dự án phát triển sản xuất. Bên cạnh đó là cơ chế sử dụng ngân sách Nhà nước trong trường hợp giao chủ dự án phát triển sản xuất tự thực hiện việc mua sắm hàng hóa phục vụ hoạt động phát triển sản xuất; cơ chế quản lý, sử dụng tài sản hình thành từ dự án hỗ trợ phát triển sản xuất; cơ chế ủy thác vốn tự cân đối của ngân sách địa phương qua hệ thống Ngân hàng Chính sách xã hội; cơ chế thí điểm phân cấp cho cấp huyện trong quản lý, tổ chức thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia; cơ chế giao kế hoạch đầu tư công trung hạn, đầu tư vốn hằng năm đối với dự án đầu tư quy mô nhỏ, kỹ thuật không phức tạp. Đáng chú ý, Chính phủ đề xuất HĐND cấp tỉnh căn cứ điều kiện thực tiễn, được quyết định lựa chọn một huyện thực hiện thí điểm cơ chế phân cấp.

HĐND cấp huyện được quyết định điều chỉnh phương án phân bổ vốn đầu tư công, kinh phí thường xuyên giữa các Chương trình mục tiêu quốc gia trong kế hoạch đầu tư công trung hạn, kế hoạch đầu tư vốn hằng năm, dự toán ngân sách nhà nước hằng năm đã được cấp có thẩm quyền giao...

Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội Y Thanh Hà Niê Kđăm, đại diện cơ quan thẩm tra cho biết, cơ quan này thống nhất với sự cần thiết trong Tờ trình của Chính phủ. Việc ban hành cơ chế, chính sách đặc thù là xuất phát từ thực tiễn để tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia.

Về cơ chế thí điểm phân cấp cho cấp huyện trong quản lý, tổ chức thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia, Hội đồng Dân tộc thấy rằng nên quy định theo hướng: cấp tỉnh lựa chọn 1 huyện tiến hành làm thí điểm để bảo đảm thống nhất; làm rõ tiêu chí lựa chọn, làm rõ thẩm quyền và nội dung phân cấp đối với cấp huyện (không giao Chính phủ quy định). Cơ quan thẩm tra cũng cho rằng, nên thí điểm như thẩm quyền đối với HĐND tỉnh về điều chỉnh phương án phân bổ vốn đầu tư công, kinh phí thường xuyên giữa các Chương trình mục tiêu quốc gia đối với các khoản kinh phí được giao còn lại được phép điều chỉnh.

Cần thiết ban hành cơ chế, chính sách đặc thù

Qua thảo luận, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thống nhất sự cần thiết ban hành cơ chế, chính sách đặc thù để tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia để đẩy nhanh tiến độ, hiệu quả của các chương trình trong thời gian tới.

Về tên gọi của Nghị quyết, Trưởng Ban Công tác đại biểu thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội Nguyễn Thị Thanh đồng tình sử dụng tên gọi là Nghị quyết về một số cơ chế, chính sách đặc thù thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia, như vậy sẽ ngắn gọn hơn; không nên dùng từ “thí điểm” vì thời gian thực hiện các Chương trình chỉ còn 2 năm và các chính sách tương đối rõ, dùng từ “đặc thù” hợp lý hơn.

Bà Nguyễn Thị Thanh cũng đề nghị chọn lọc các cơ chế, chính sách thiết thực và cần thiết, rà soát kỹ lưỡng các nội dung quy định để khi Nghị quyết của Quốc hội được ban hành có thể thực hiện được ngay, đảm bảo đúng mục tiêu là tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy các Chương trình mục tiêu quốc gia đạt được theo yêu cầu.

Đồng quan điểm, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ khẳng định sự cần thiết của Nghị quyết và ghi nhận vai trò tích cực của Chính phủ, các cơ quan thẩm tra. Chủ tịch Quốc hội đề nghị rà soát để thể hiện tên gọi một cách ngắn gọn đồng thời lưu ý các nguyên tắc, cơ chế, chính sách đặc thù không được trái với những chủ trương, đường lối của Đảng; phải phù hợp với Hiến pháp, các thỏa thuận quốc tế.

Về cơ chế thí điểm phân cấp cho cấp huyện trong quản lý, tổ chức thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia, Chủ tịch Quốc hội đề nghị, trong trường hợp phân cấp cho cấp huyện chưa phát huy tác dụng ngay hoặc chưa giúp ích cho quá trình xây dựng nội dung chương trình của thời gian ngắn hạn thì sẽ quy định trong Nghị quyết của Quốc hội khi phê chuẩn các Chương trình mục tiêu quốc gia của giai đoạn tới. Trường hợp giải quyết được những vấn đề trước mắt, vừa có tác dụng là chủ trương để cho các cơ quan của Chính phủ khi xây dựng chương trình mới có căn cứ triển khai, Chủ tịch Quốc hội đề nghị các cơ quan tiếp tục làm rõ hơn nữa trong hồ sơ trình Quốc hội xem xét, quyết định.

Phát biểu tại phiên họp, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang cho biết, Chính phủ sẽ nỗ lực hoàn thiện các công việc còn lại, đáp ứng các yêu cầu đề ra trong thời gian sớm nhất, đồng thời bày tỏ mong muốn Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiếp tục ủng hộ để qua phiên họp này sẽ đề ra được chính sách tháo gỡ, giúp 3 Chương trình mục tiêu quốc gia có thể được triển khai hiệu quả, về đích đúng hạn. Việc tháo gỡ cần được thực hiện triệt để, toàn diện, “tới nơi, tới chốn”. Với những vấn đề chưa rõ, nếu cần có thể đồng thuận về mặt nguyên tắc để tạo điều kiện thuận lợi cho Chính phủ và các địa phương chuẩn bị, đưa ra quyết định đúng đắn, tiếp tục tháo gỡ việc thực hiện 3 Chương trình mục tiêu quốc gia này.

Trong chiều nay, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về việc bổ sung Kế hoạch đầu tư công trung hạn vốn ngân sách trung ương giai đoạn 2021-2025 từ nguồn dự phòng chung tương ứng với nguồn tăng thu, tiết kiệm chi ngân sách trung ương năm 2022 cho các nhiệm vụ, dự án đầu tư công và bổ sung Kế hoạch đầu tư công trung hạn cho Tập đoàn điện lực Việt Nam từ nguồn dự phòng của Kế hoạch đầu tư công trung hạn.



Phan Phương



(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm