Với mục tiêu đến năm 2025 phấn đấu trở thành thành phố trực thuộc Trung ương, tỉnh Thừa Thiên - Huế đang triển khai xây dựng nhiều dự án giao thông trọng điểm, có sức lan tỏa lớn về đường bộ, đường không và cảng biển. Từ đó, góp phần hoàn thiện hạ tầng mạng lưới giao thông, tạo tiền đề, động lực phát triển mới cho địa phương trong thời gian tới.
Mở rộng không gian phát triển ven biển
Sau một năm phát động khởi công, dự án tuyến đường bộ ven biển qua tỉnh Thừa Thiên – Huế và cầu qua cửa biển Thuận An đã thực hiện được nhiều hạng mục quan trọng như xây dựng các mố trụ trên cạn ở hai phía đầu cầu, đúc các dầm bê tông và trong tháng 3 này đang bước vào giai đoạn cao điểm thi công các mố trụ phức tạp dưới nước.
Theo Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên – Huế Nguyễn Văn Phương, đây là dự án trọng điểm của tỉnh và quốc gia. Khi dự án hoàn thành sẽ kết nối thông suốt với tuyến đường bộ ven biển của cả nước đã được quy hoạch; tạo sự liên kết với các cảng biển, khu kinh tế, khu công nghiệp trọng điểm ven biển miền Trung; góp phần củng cố an ninh quốc phòng, nâng cao năng lực phòng tránh thiên tai, cứu hộ, cứu nạn. Đồng thời, dự án còn tạo ra quỹ đất ven biển rộng lớn, qua đó thu hút những nhà đầu tư lớn để phát triển đô thị, các dự án du lịch nghỉ dưỡng…
Quy mô đầu tư giai đoạn 1 của dự án có chiều dài hơn 7,7 km, từ cầu Tam Giang đến cầu qua cửa biển Thuận An, kết thúc tại nút giao thông giữa Quốc lộ 49A và Quốc lộ 49B thuộc thị trấn Thuận An, thành phố Huế. Trong đó, cầu qua cửa biển Thuận An dài hơn 2,3 km, bề rộng mặt cầu cầu là 20m; mặt cắt ngang của tuyến đường là 26m. Cây cầu có 52 trụ, trong đó hai trụ tháp chính để kéo dây văng là T26 và T27 có chiều cao khoảng 70m so với mặt nước biển.
Dự án này do liên doanh nhà thầu Công ty cổ phần Tập đoàn Đạt Phương, Công ty cổ phần xây dựng Tân Nam và Công ty cổ phần 479 Hòa Bình thực hiện và dự kiến hoàn thành trong 3 năm.
Anh Nguyễn Nam Tùng, chỉ huy công trường nhà thầu Công ty cổ phần Tập đoàn Đạt Phương cho biết, đơn vị đảm nhận thi công 15 trụ cầu, hiện cơ bản hoàn thành công tác khoan cọc nhồi, đang triển khai thi công thân các mố trụ ở trên cạn, đúc dầm bê tông trên bãi.
Thời tiết hiện nay đang thuận lợi, nhà thầu tập trung triển khai các sà lan để đưa những thiết bị cẩu ra giữa cửa biển thi công các trụ dưới nước. Với quyết tâm đẩy nhanh tiến độ như hiện nay, đến cuối năm 2023, nhà thầu sẽ hoàn thiện thi công các trụ trên cạn, công tác gác dầm, làm mặt cầu; phần trụ chính dưới nước sẽ cơ bản hoàn thiện và tiến hành lắp dây văng; phấn đấu đạt trên 70% toàn bộ giá trị gói thầu do đơn vị phụ trách.
Tổng mức đầu tư giai đoạn 1 của dự án tuyến đường bộ ven biển qua tỉnh Thừa Thiên – Huế và cầu qua cửa Thuận An là 2.400 tỷ đồng; trong đó, ngân sách Trung ương là 1.600 tỷ đồng, còn lại là ngân sách địa phương.
Theo Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông tỉnh Thừa Thiên - Huế, dự án hiện có tổng giá trị xây lắp đã thực hiện khoảng 363 tỷ đồng/2.088 tỷ đồng (tương đương hơn 17%) và trong năm 2023 với khối lượng thi công lớn, giá trị xây lắp ước khoảng 715 tỷ đồng.
Cùng với việc đảm bảo tiến độ thi công các hạng mục cầu, thành phố Huế cũng đang đẩy mạnh giải phóng mặt bằng tuyến đường dẫn ở hai phía đầu cầu. Cụ thể, phía xã Hải Dương phải thu hồi khoảng 196.186m2 đất, ảnh hưởng đến khoảng 600 lăng mộ, đất trồng lúa và đất nuôi trồng thủy sản của 180 hộ dân; phấn đấu bàn giao mặt bằng sạch cho đơn vị thi công trước 30/5/2023.
Đối với, phía phường Thuận An phải thu hồi khoảng 121.000m2 đất, ảnh hưởng hơn 4ha đất rừng phòng hộ, 300 mộ xây và nhà cửa vật kiến trúc của khoảng 120 hộ dân. Thành phố Huế đang đẩy nhanh xây dựng khu tái định cư cho các hộ dân phường Thuận An bị ảnh hưởng, kịp bàn giao mặt bằng trước tháng 12/2023.
Động lực phát triển mới
Bên cạnh dự án xây dựng tuyến đường ven biển và cầu qua cửa Thuận An, tỉnh Thừa Thiên – Huế còn đang triển khai nhiều dự án giao thông lớn khác như: xây dựng cầu vượt qua sông Hương và đường Nguyễn Hoàng, đường vành đai ba; cầu qua phá Tam Giang kết nối Phú Đa đi Vinh Xuân; đường phía Tây phá Tam Giang - Cầu Hai; đường kết nối liên huyện Quảng Điền - thị xã Hương Trà với thành phố Huế; đường Tố Hữu nối dài đi sân bay Phú Bài…
Trong Nghị quyết 54-NQ/TW của Bộ Chính trị khóa XII về xây dựng và phát triển tỉnh Thừa Thiên Huế đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, một trong những nhiệm vụ, giải pháp quan trọng định hướng phát triển cho địa phương là đẩy mạnh công tác quy hoạch và quản lý, thực hiện quy hoạch, nhất là quy hoạch đô thị theo hướng phát triển mạnh kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại và thông minh, đặc biệt là kết cấu hạ tầng giao thông.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên – Huế Hoàng Hải Minh cho biết, để đạt được mục tiêu đến năm 2025 Thừa Thiên – Huế sẽ trở thành thành phố trực thuộc Trung ương, vấn đề đảm bảo hạ tầng ở vùng lõi trung tâm cũng như phát triển hạ tầng mới ở các khu vực lâu nay chưa có điều kiện đầu tư như vùng núi phía Tây, vùng ven biển được tỉnh Thừa Thiên – Huế xác định là nhiệm vụ quan trọng.
Thời gian qua bằng các nguồn lực hỗ trợ của Trung ương và sự nỗ lực địa phương, nhiều công trình hạ tầng giao thông quan trọng, có tính lan tỏa liên vùng đã được khởi công, mở ra các không gian mới, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội cũng như quá trình đô thị hóa.
Tỉnh Thừa Thiên – Huế có đường bờ biển dài khoảng 120 km cùng với vùng đầm phá Tam Giang – Cầu Hai có diện tích rộng nhất khu vực Đông Nam Á. Nhằm đẩy mạnh phát triển kinh tế biển, địa phương đang dành nhiều nguồn lực để quy hoạch, phát triển hệ thống cảng biển gồm cảng Chân Mây (huyện Phú Lộc), cảng Thuận An (thành phố Huế) và cảng chuyên dùng Điền Lộc (huyện Phong Điền).
Cảng Chân Mây là cảng biển nước sâu tự nhiên có khả năng tiếp nhận tàu trọng tải lớn, có tiềm năng để mở rộng, phát triển thành một cảng biển hiện đại và là cửa ngõ chính ra biển Đông cho cả khu vực, tiếp chuyển hàng hoá cho nước bạn Lào, vùng Đông Bắc Thái Lan.
Cảng Chân Mây hiện có 3 cầu cảng đang hoạt động với tổng chiều dài khoảng 910m; trong đó, cầu cảng bến số 1, số 2 được tiếp nhận tàu chở container. Nhằm tăng thời gian khai thác hàng hoá, phát huy tối đa lợi thế của Cảng Chân Mây, tỉnh Thừa Thiên – Huế đang triển khai xây dựng tuyến đê chắn sóng Cảng Chân Mây – giai đoạn 2 với tổng mức đầu tư 757 tỷ đồng. Qua đó, hoàn thiện tổng thể chiều dài đê chắn sóng đạt 750m vào năm 2026.
Bên cạnh đó, tỉnh Thừa Thiên – Huế cũng đang thí điểm một số chính sách hỗ trợ các hãng tàu biển mở tuyến vận chuyển container và đối tượng có hàng hóa vận chuyển bằng container đi, đến cảng biển này. Đồng thời, kêu gọi đầu tư hạ tầng bến số 4,5,6 cùng hệ thống kho, bãi từ đó hình thành trung tâm logistics hậu cần giúp nâng cao nâng cao chất lượng dịch vụ, tính cạnh tranh của cảng.
Bên cạnh hạ tầng giao thông đường bộ và cảng biển, trong năm 2023, dự án Xây dựng Nhà ga hành khách T2 Cảng hàng không quốc tế Phú Bài dự kiến cũng sẽ khánh thành đưa vào hoạt động, mở rộng cửa ngõ kết nối Thừa Thiên – Huế với thế giới.
Nhà ga được thiết kế 2 cao trình, 3 tầng gồm tầng 1, tầng lửng và tầng 2, với công suất 5 triệu hành khách/năm, bảo đảm phục vụ 2.500 hành khách giờ cao điểm. Nhà ga hành khách được đầu tư trang thiết bị hiện đại, công nghệ hàng không tiên tiến, cung cấp nhiều tiện ích chất lượng cao phục vụ hành khách.
Với mạng lưới giao thông được đầu tư đồng bộ đang từng bước tạo cho Thừa Thiên – Huế một diện mạo mới, hấp dẫn nhiều nhà đầu tư lớn trong nước và quốc tế, góp phần thúc đẩy phát triển mạnh mẽ kinh tế - xã hội của địa phương và tạo tiền đề quan trọng trong thực hiện đề án đưa Thừa Thiên – Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương vào năm 2025.
Đỗ Trưởng