Phát triển kinh tế vùng Bắc Trung bộ và Duyên hải Trung bộ: Rút ngắn khoảng cách vùng miền

Phát triển kinh tế vùng Bắc Trung bộ và Duyên hải Trung bộ: Rút ngắn khoảng cách vùng miền

Tập trung nguồn lực phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, nhằm rút ngắn khoảng cách chênh lệch giữa các vùng miền, giữa các dân tộc là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, hàng đầu được các cấp ủy đảng, chính quyền tỉnh Quảng Ngãi quan tâm thực hiện.

 Vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi tỉnh Quảng Ngãi gồm 61 xã thuộc 5 huyện miền núi và 3 huyện đồng bằng; có 187 nghìn người đồng bào dân tộc H’re, Ca Dong và Cor, chiếm 15,18% dân số toàn tỉnh. Những năm qua, đời sống của đồng bào dân tộc thiểu số tuy đã được cải thiện song vẫn còn nhiều khó khăn, chất lượng giáo dục, y tế, văn hóa, tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản còn thấp.

Do đó, bài toán ổn định, phát triển kinh tế-xã hội cho các khu vực này được Tỉnh ủy, UBND tỉnh xác định không dễ và phải tính toán rất cụ thể qua từng năm, từng tháng, từng giai đoạn. Riêng trong giai đoạn 2021 - 2025, tỉnh đề ra mục tiêu phấn đấu mức thu nhập bình quân của người dân tộc thiểu số tăng trên hai lần so với năm 2020; tỷ lệ hộ nghèo ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi mỗi năm giảm 4 - 4,5%; phấn đấu 50% số xã, thôn ra khỏi địa bàn đặc biệt khó khăn.

Phát triển kinh tế vùng Bắc Trung bộ và Duyên hải Trung bộ: Rút ngắn khoảng cách vùng miền   ảnh 1Mô hình chăn nuôi giống gà Ai Cập của người dân Sơn Tây nhờ nguồn vốn Nhà nước hỗ trợ. Ảnh: Đinh Hương – TTXVN

Để thực hiện được mục tiêu này, trong năm 2023, Quảng Ngãi dự kiến đầu tư hơn 320 tỷ đồng để phát triển kinh tế - xã hội cho người dân vùng miền núi từ nguồn vốn Trung ương và ngân sách tỉnh.

Nguồn kinh phí này dùng thực hiện 7 dự án tại các huyện miền núi của tỉnh, chủ yếu là giải quyết tình trạng thiếu đất ở, nhà ở đất, đất sản xuất và nước sinh hoạt; quy hoạch, sắp xếp, bố trí, ổn định dân cư ở những nơi cần thiết. Đồng thời, phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp bền vững, phát huy tiềm năng, thế mạnh của các vùng miền để sản xuất hàng hóa theo chuỗi giá trị. Cùng đó, đầu tư cơ sở hạ tầng thiết yếu, phục vụ sản xuất, đời sống trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số miền núi và các đơn vị sự nghiệp công của lĩnh vực dân tộc; phát triển giáo dục đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực…

Các địa phương được thụ hưởng đã ban hành kế hoạch và đang tập trung chỉ đạo đẩy nhanh quy trình, thủ tục tiến độ thực hiện, đảm bảo chất lượng hiệu quả, đôn đốc giải ngân. Trên cơ sở văn bản hướng dẫn, UBND huyện Minh Long thực hiện các dự án trên địa bàn huyện, cụ thể: giải quyết thiếu nhà ở, đất ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt; quy hoạch sắp xếp, bố trí, ổn định dân cư; đầu tư cơ sở hạ tầng thiết yếu; phát triển giáo dục đào tạo nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; bảo tồn và phát huy văn hóa truyền thống. Trong đó, riêng dự án đầu tư cơ sở hạ tầng có 11 công trình được triển khai xây dựng tại ba xã Long Mai, Long Môn và Long Hiệp.  

Chủ tịch UBND huyện Minh Long Đinh Văn Điết cho biết, ngay từ đầu năm, UBND huyện đã ban hành kế hoạch cụ thể cho từng dự án và ưu tiên thực hiện những nội dung thuận lợi trước. Huyện cố gắng đẩy nhanh tiến độ cũng như thực hiện đúng các quy trình để đảm bảo giải ngân 100% nguồn vốn, đặc biệt là vốn đầu tư xây dựng.

Nhiều sản phẩm nông sản đặc trưng của đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi đã trở thành hàng hóa và được người tiêu dùng biết đến. Cụ thể, sản phẩm gà kiến, gà đen và mắm cá niên của huyện Sơn Hà đều là sản phẩm OCOP 3 sao (Chương trình Mỗi xã một sản phẩm) và đã vào được kệ hàng siêu thị Big C, Coop Mart. 

Phát triển kinh tế vùng Bắc Trung bộ và Duyên hải Trung bộ: Rút ngắn khoảng cách vùng miền   ảnh 2Xây dựng cầu đường phục vụ giao thông tại miền núi tỉnh Quảng Ngãi. Ảnh: Đinh Hương – TTXVN

Để tăng năng suất và chất lượng sản phẩm, UBND huyện Sơn Hà đã thực hiện nhiều cơ chế, chính sách hỗ trợ khuyến khích người dân áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, nâng cao chất lượng, sản lượng sản phẩm. Đồng thời, hỗ trợ thành lập các tổ hợp tác, hợp tác xã, tăng cường công tác quáng bá, xúc tiến thương mại. Nhờ đó, các sản phẩm sản phẩm được người tiêu dùng tại nhiều tỉnh, thành trong cả nước biết đến, lượng tiêu thụ ngày càng mạnh, nhờ đó đời sống người dân cũng được nâng cao. 

Gia đình chị Đinh Thị Quy, ở thị trấn Di Lăng, huyện Sơn Hà từng thuộc diện hộ nghèo nhận trợ cấp của Nhà nước, nay đã thoát nghèo. Chị Quy bày tỏ: "Trước kia tôi không có việc làm ổn định nên không có thu nhập, nguồn thu chủ yếu từ làm thuê và trồng lúa. 3 năm trở lại đây, nhờ được vay vốn nuôi gà kiến sạch và đi hái rau rừng về cung ứng cho siêu thị đã giúp cho gia đình tôi có thu nhập ổn định, cuộc sống không còn chật vật nữa".

Chủ tịch UBND huyện Sơn Hà Đinh Thị Trà cho hay: Ngoài đầu tư cơ sở hạ tầng, lồng ghép các nguồn vốn để hỗ trợ người nghèo phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế theo phương pháp tiếp cận chuỗi giá trị, địa phương đứng ra làm khâu trung gian trong việc hỗ trợ người dân tạo thương hiệu và tìm đầu ra cho sản phẩm. Chính việc trực tiếp "cầm tay chỉ việc", nên sau một thời gian, người dân đã thay đổi nhận thức, tư duy và tự vươn lên thoát nghèo. Nhờ đó, tỷ lệ hộ nghèo trong các năm 2021, 2022 đều giảm từ 4,5 - 5%.

Theo Trưởng Ban Dân tộc tỉnh Quảng Ngãi Trần Văn Mẫn, để phát triển kinh tế-xã hội, giữ gìn bản sắc văn hóa, an ninh trật tự vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, đặc biệt là sớm giảm hộ nghèo, ổn định đời sống cho người dân, Ban tập trung vào các nhóm giải pháp phát triển nguồn nhân lực và xây dựng đội ngũ cán bộ dân tộc thiểu số; lồng ghép, bổ sung chính sách, nâng cao hiệu quả các chương trình, dự án đầu tư phát triển vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi; đồng thời giải quyết cơ bản tình trạng thiếu đất sản xuất, đất ở, nhà ở, nước sinh hoạt cho đồng bào. Tạo sinh kế cho người dân sống gần rừng, bảo vệ môi trường sinh thái, không gian sinh sống của đồng bào….

Đinh Hương

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm