Nông dân xã An Thịnh, huyện Văn Yên, chăm sóc lúa Chiêm Hương. Ảnh: Thế Duyệt – TTXVN |
Bắt đầu từ vụ Đông Xuân năm 2017, gia đình bà Nông Thị Nghiệp, Trưởng thôn Làng Lớn, xã An Thịnh, huyện Văn Yên (Yên Bái) đã chuyển đổi toàn bộ diện tích gần một mẫu ruộng sang trồng giống lúa Chiêm Hương theo mô hình cánh đồng một giống của xã An Thịnh.
Năng suất lúa đạt gần 2 tạ mỗi sào, mỗi vụ sản lượng thu hoạch đạt hơn 1 tấn. Với giá bán cao hơn nhiều so với với các giống lúa lai, cánh đồng lúa Chiêm Hương nhà bà Nghiệp cũng như nhiều hộ dân khác ở đây đang chứng minh hiệu quả kinh tế rõ rệt.
Bà Nông Thị Nghiệp cho biết, giống lúa thuần Chiêm Hương cho chất lượng gạo thơm, ngon, dẻo, lại dễ canh tác. Năng suất mặc dù không bằng các giống lúa lai, song giá trị kinh tế cao hơn rất nhiều so với các giống khác.
Khi bắt đầu tham gia mô hình cánh đồng một giống Chiêm Hương thuần, các hộ nông dân ở thôn Làng Lớn, xã An Thịnh đều được hỗ trợ giống và phân bón. Từ hiệu quả kinh tế mang lại, tất cả các hộ có ruộng trong thôn bây giờ đều đã tham gia mô hình sản xuất với diện tích đến nay là hàng chục ha.
Là nơi có cánh đồng lớn, người dân có kinh nghiệm nhiều năm trồng lúa Chiêm Hương, xã An Thịnh được huyện Văn Yên lựa chọn để triển khai mô hình thí điểm cánh đồng một giống Chiêm Hương thuần với diện tích 100 ha tập trung. Có 868 hộ dân đã tích cực tham gia mô hình, tuân thủ nghiêm ngặt quy trình sản xuất, kỹ thuật chăm sóc và phòng trừ sâu bệnh, bước đầu hình thành vùng sản xuất hàng hóa đối với loại lúa đặc sản có giá trị kinh tế cao này.
Đến nay, toàn xã An Thịnh, huyện Văn Yên có 14 thôn với 2 tổ hợp tác tham gia mô hình sản xuất cánh đồng một giống Chiêm Hương thuần tập trung. Đây là cơ sở để huyện Văn Yên từng bước tiến tới hình thành một vùng sản xuất chuyên canh lúa đặc sản hàng hóa lớn mang lại giá trị cao.
Ông Trương Anh Xuân, Chủ tịch UBND xã An Thịnh, huyện Văn Yên cho biết, trước kia, lúa đặc sản Chiêm Hương thường trồng xen với các giống lúa khác nên bị thoái hóa. Từ khi triển khai mô hình cánh đồng một giống tập trung 100 ha trên địa bàn xã, chất lượng lúa Chiêm Hương cao hơn hẳn. Giá trị sản phẩm cũng được nâng lên, người dân đều rất phấn khởi.
Đến nay, hơn 80% số hộ sản xuất nông nghiệp trong xã đã tham gia mô hình. Thời gian tới, xã sẽ tiếp tục vận động người dân tham gia, mở rộng diện tích cánh đồng một giống đối với lúa đặc sản Chiêm Hương thuần để hình thành vùng sản xuất lúa Chiêm Hương hàng hóa quy mô lớn nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất nông nghiệp, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Việc phát triển mô hình cánh đồng một giống sản xuất lúa Chiêm Hương thuần tập trung theo Đề án tái cơ cấu sản xuất nông nghiệp của tỉnh Yên Bái nhằm chuyển đổi từ sản xuất nhỏ lẻ sang sản xuất tập trung, tạo ra sản phẩm hàng hóa theo chuỗi liên kết, mang lại nguồn thu nhập ổn định cho người nông dân trồng lúa.
Sản xuất quy mô lớn, tập trung cũng giúp nâng cao giá trị của loại lúa đặc sản của địa phương này, giữ vững giá trị thương hiệu lúa Chiêm Hương, phù hợp với quy hoạch phát triển và tái cơ cấu sản xuất nông nghiệp của địa phương.
Gạo Chiêm Hương của huyện Văn Yên đã được Cục Sở hữu trí tuệ - Bộ Khoa học và Công nghệ cấp Giấy chứng nhận Quyền sở hữu từ năm 2008. Từ đó, vùng sản xuất lúa đã không ngừng được mở rộng.
Từ năm 2013, huyện Văn Yên đã tiến hành sản xuất được giống lúa thuần Chiêm Hương để đưa vào cung ứng trong sản xuất hàng hóa loại nông sản này. Sau nhiều vụ sản xuất cho thấy, lúa giống tự sản xuất này đạt chuẩn từ tỷ lệ nảy mầm, độ thuần, khả năng khử lẫn cao và đủ tiêu chuẩn theo quy định của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
Thời gian qua, các cơ quan chuyên môn và chính quyền địa phương đã triển khai đồng bộ các giải pháp trong việc xây dựng và phát triển vùng lúa chuyên canh tập trung, tích cực hướng dẫn nhân dân các biện pháp kỹ thuật chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh, vệ sinh đồng ruộng để cây lúa sinh trưởng, phát triển tốt.
Để bảo vệ và phát triển sản phẩm lúa đặc sản chất lượng cao này, tỉnh Yên Bái cũng đã có giải pháp hỗ trợ để phát triển mô hình. Theo đó, mỗi ha lúa được hỗ trợ 3 triệu đồng, bao gồm 100% giống và một phần phân bón thúc. Tổng mức hỗ trợ cho mô hình cánh đồng một giống Chiêm Hương thuần chủng tập trung 100 ha tại xã An Thịnh là 300 triệu đồng.
Ngoài ra, các ngành chức năng còn tổ chức tập huấn cho các hộ dân tham gia mô hình; hướng dẫn về quy trình sản xuất, từ các khâu làm đất, quản lý phòng trừ sâu bệnh, bảo vệ môi trường và tìm kiếm đầu ra cho sản phẩm.
Ông Lưu Hồng Minh, Phó Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Văn Yên, cho biết, ngoài cánh đồng một giống 100 ha lúa Chiêm Hương ở An Thịnh, trên địa bàn huyện còn hàng trăm ha lúa đặc sản Chiêm Hương trồng rải rác, xen lẫn. Việc thực hiện cánh đồng một giống tập trung đối với lứa Chiêm Hương thuần đã khắc phục được tình trạng thoái hóa giống lúa đặc sản và không đồng đều về chất lượng sản phẩm.
Trong thời gian tới, huyện Văn Yên sẽ tiếp tục nhân rộng mô hình trên địa bàn toàn huyện. Để thực hiện tốt mục tiêu này, các ngành chức năng, cơ quan chuyên môn của huyện Văn Yên sẽ phối hợp chặt chẽ với các địa phương để triển khai thực hiện nghiêm túc và đồng bộ.
Để phát triển hiệu quả mô hình, huyện Văn Yên đã có kiến nghị đối với tỉnh Yên Bái trong việc tạo cơ chế, chính sách hỗ trợ địa phương; khuyến khích các doanh nghiệp xây dựng chuỗi liên kết với các hộ nông dân từ khâu sản xuất tới tiêu thụ sản phẩm. Đồng thời, tiếp tục thực hiện các chương trình đào tạo, hướng dẫn, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật trong sản xuất để nâng cao giá trị sản phẩm và hiệu quả sản xuất. Từ đó, bảo vệ và phát triển tốt thương hiệu “Gạo Chiêm Hương Đại Phú An – Văn Yên” đã được công nhận.
Đinh Hữu Dư