Năm 2018, ngành Du lịch thành phố đặt mục tiêu đón 7,5 triệu lượt du khách quốc tế, thu hút 29 triệu lượt du khách nội địa; tổng doanh thu du lịch đạt 138 nghìn tỷ đồng.
Du khách quốc tế tham quan Thành phố Hồ Chí Minh bằng xích lô. Ảnh: An Hiếu - TTXVN |
Để đạt mục tiêu đề ra, việc thu hút và giữ chân du khách lưu trú, trải nghiệm các hoạt động vui chơi, mua sắm tại thành phố là rất quan trọng.Bài 2: Duy trì tăng trưởng bền vững Để du khách ở lâu và... chi tiêu nhiều hơn Thực tế hiện nay, du khách quốc tế đến thành phố chiếm gần 50% tổng lượng khách quốc tế của cả nước nhưng đa số du khách vẫn chưa dành nhiều ngày để lưu trú tại Thành phố Hồ Chí Minh. Phần lớn du khách chỉ đến Thành phố Hồ Chí Minh do điều kiện trung chuyển thuận lợi hơn các tỉnh, thành khác; sau đó, lưu trú từ 1-2 ngày tại khách sạn và di chuyển đến địa phương khác. Ông Bùi Tá Hoàng Vũ, Giám đốc Sở Du lịch Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, trong năm 2018, ngành Du lịch thành phố tiếp tục tập trung tăng trưởng 3 chỉ số là: Lượng khách đến, thời gian khách lưu trú và số tiền khách chi tiêu. Trong đó, ngành xác định giải pháp cơ bản là mang đến cho du khách những sản phẩm du lịch đặc trưng, hấp dẫn, phong phú, có chất lượng tốt, ổn định như du lịch MICE, du lịch ẩm thực, du lịch y tế, du lịch đường thủy... Đây sẽ là tiền đề, hướng đi đúng để thành phố tiếp cận, duy trì, gia tăng chất lượng, thu hút thêm du khách. Lãnh đạo ngành Du lịch thành phố thừa nhận, hiện nay hạn chế của các sự kiện, sản phẩm du lịch ở địa phương là chưa được tổ chức ổn định, định kỳ. Các hoạt động tương tác với du khách trong từng sự kiện chưa cao nên chưa tạo được hiệu ứng mạnh để thu hút du khách và chưa đủ sức hấp dẫn cho các doanh nghiệp chào bán tour. Ngoài ra, các điểm tham quan như hệ thống các bảo tàng, các điểm tham quan hiện chưa có thay đổi đột phá về chất lượng trưng bày, phương thức tiếp thị kinh doanh theo công nghệ hiện đại 4.0. Thêm vào đó, một số điểm đã xuống cấp nhưng vẫn chưa được duy tu, sửa chữa, chưa tạo được diện mạo mới cho điểm đến. Giám đốc Sở Du lịch Thành phố cho biết thêm, Thành phố Hồ Chí Minh có 387 tài nguyên thiên nhiên và văn hóa lịch sử nhân tạo; trong đó, có những tài nguyên đã được phát huy và những tài nguyên vẫn chưa được khai thác giá trị nhằm phục vụ du lịch. Do vậy, ngành Du lịch thành phố sẽ tiếp tục tham mưu cho lãnh đạo thành phố để có thêm các thiết chế xây dựng cơ sở hạ tầng, cải tạo các tài nguyên nhằm đáp ứng nhu cầu của du khách; phối hợp với các doanh nghiệp để nghiên cứu, khai thác những tiềm năng phù hợp và hiệu quả nhất. Bên cạnh đó, theo ông Trần Văn Long, Tổng Giám đốc Công ty Lữ hành Du lịch Việt, muốn kéo dài thời gian lưu trú cho du khách cần có sự kết nối cụ thể hơn giữa cơ quan quản lý Nhà nước và các đơn vị lữ hành. Ông Long đề xuất, với sản phẩm du lịch nông nghiệp, có thể kết nối với các nhà vườn trồng cây ăn trái, hoa màu tại các huyện Củ Chi, Cần Giờ, Quận 9… Đây cũng chính là cách để du lịch thành phố vừa có thể giữ chân du khách, đồng thời tạo cho du khách thêm cơ hội để chi tiêu, mua sắm. Phó Giáo sư, Tiến sĩ Phạm Trung Lương, đại diện Hiệp hội Đào tạo du lịch Việt Nam cho rằng, đến nay, Việt Nam chưa có chiến lược cũng như kế hoạch “kích cầu” du lịch thông qua mua sắm, trong khi đây là một trong những nhu cầu cơ bản của du khách. Bên cạnh đó, Việt Nam chưa tổ chức được “Tuần lễ hạ giá mua sắm” nhằm thu hút khách quốc tế đến và tăng chi tiêu mua sắm hàng hóa của khách. Vì vậy, nhiều du khách khi đến Việt Nam nói chung, Thành phố Hồ Chí Minh nói riêng chưa thể lên kế hoạch lưu trú và chi tiêu dài ngày.Duy trì đà tăng trưởng bền vững Với tinh thần quyết tâm thực hiện Nghị quyết số 08-NQ/TW về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn và Chỉ thị số 07-CT/TU của Ban Thường vụ Thành ủy về nhiệm vụ phát triển ngành Du lịch thành phố đến năm 2020, lãnh đạo ngành Du lịch Thành phố Hồ Chí Minh khẳng định sẽ tiếp tục triển khai thực hiện nhiều giải pháp nhằm thu hút du khách đến thành phố. Để thực hiện được các mục tiêu đề ra, ngành Du lịch thành phố đặt trọng tâm vào các hoạt động như: Đa dạng hóa sản phẩm du lịch tăng cường phát triển du lịch phục vụ du khách, khảo sát mở mới một số phố chuyên doanh phục vụ du lịch trên địa bàn... Ngành Du lịch thành phố phấn đấu tổ chức mỗi tháng một sự kiện và lịch trình hóa các sự kiện một cách chuyên nghiệp, tạo sự hấp dẫn cho du khách. Bên cạnh đó, Sở Du lịch phối hợp các quận, huyện tổ chức các sự kiện, lễ hội để khai thác tiềm năng của từng địa phương, tạo sự đa dạng về điểm đến cho du khách. Đối với việc xúc tiến các thị trường quốc tế, ông Bùi Tá Hoàng Vũ thông tin, ngành Du lịch tiếp tục thúc đẩy các thị trường Bắc Á, đơn giản hóa các thủ tục hành chính, thị thực, hướng đến việc đề xuất miễn visa cho các thị trường này. Thị trường ASEAN có lợi thế vị trí địa lý, được hưởng chung về việc miễn visa. Do vậy, để tiếp tục thu hút du khách, Sở Du lịch thành phố sẽ tập trung triển khai công tác xúc tiến tại thị trường này thông qua các Hội chợ quốc tế lớn tại Thái Lan, Malaysia, Singapore... Nhấn mạnh thị trường Bắc Mỹ đã và đang là thị trường truyền thống của Việt Nam, có lượng khách tăng ổn định qua các năm, ông Bùi Tá Hoàng Vũ cho hay, thành phố sẽ tiếp tục đẩy mạnh xúc tiến thị trường này cũng như tìm các biện pháp thu hút du khách đến thành phố ngày càng nhiều. Liên quan đến hình thức tiếp cận truyền thông du khách trực tiếp, lãnh đạo Sở Du lịch thành phố cho biết, năm 2018, ngành Du lịch thành phố sẽ phát triển lực lượng tình nguyện viên hỗ trợ tư vấn tại các trạm, quầy thông tin và hỗ trợ khách du lịch; đồng thời, tăng cường quảng bá trên các phương tiện thông tin để hướng dẫn khách đến các trạm, quầy thông tin. Ngành Du lịch thành phố thiết lập mạng lưới các trạm thông tin và hỗ trợ khách du lịch theo hướng hợp tác với các quận, huyện có ngành du lịch phát triển, các doanh nghiệp quản lý mặt bằng để đầu tư xây dựng các trạm thông tin, hỗ trợ khách du lịch. (còn tiếp)
Gia Thuận
Báo ảnh Dân tộc và Miền núi/TTXVN