Nghề rong biển với triển vọng kinh tế và bảo vệ môi trường. Ảnh: Nguyên Lý - TTXVN |
Trên cơ sở đó, các nhà khoa học Viện Nghiên cứu Hải sản do Thạc sĩ Đỗ Anh Duy và Phó Giáo sư Tiến sĩ Đỗ Văn Khương làm Chủ nhiệm, đã tiến hành nhiệm vụ “Nghiên cứu, đánh giá tiềm năng nguồn lợi và khả năng khai thác, nuôi trồng các loài rong biển kinh tế tại các đảo tiền tiêu phục vụ phát triển kinh tế - xã hội. Mã số: KC.09.05/16-20”, tiến hành từ tháng 11/2016 và kết thúc vào tháng 10/2019. Đánh giá về kết quả nghiên cứu đạt được, nhóm các nhà khoa học thực hiện nhiệm vụ khẳng định: Kết quả nghiên cứu đã đưa ra được bức tranh đầy đủ và khái quát nhất về đa dạng sinh học và nguồn lợi rong biển tại 10 đảo tiền tiêu ở biển Việt Nam đại diện từ Bắc đến Nam; đã phát hiện được 6 loài rong biển quý, hiếm, có nguy cơ đe dọa tuyệt chủng; bổ sung 4 loài rong biển mới cho Danh mục các loài rong biển Việt Nam. Xây dựng được bộ bản đồ phân bố nguồn lợi; bộ bản đồ phân vùng khai thác, nuôi trồng phát triển nguồn lợi rong biển tại các đảo tiền tiêu ở biển Việt Nam. Đồng thời đánh giá được tiềm năng nguồn lợi rong biển tại các đảo tiền tiêu về các giá trị trực tiếp gồm: Tiềm năng nguồn nguyên liệu sản xuất keo rong biển, tiềm năng làm thực phẩm, tiềm năng về dược liệu, tiềm năng về nguồn nguyên liệu sinh học; giá trị gián tiếp về khả năng xử lý môi trường hấp thụ khí CO2 của rong biển; đánh giá được khả năng khai thác, nuôi trồng các loài rong biển kinh tế tại các đảo tiền tiêu ở biển Việt Nam. Lần đầu tiên xây dựng được Bộ Atlas các loài rong biển kinh tế tại các đảo tiền tiêu ở biển Việt Nam, Bộ Atlas có giá trị rất lớn trong nghiên cứu, đào tạo, giáo dục cộng đồng. Phương pháp sinh học phân tử trong phân loại các loài rong biển kinh tế tại Việt Nam bước đầu được sử dụng. Tổng số 13 gen rong biển đã được cấp mã số trên ngân hàng gen quốc tế (GenBank). Mặt khác, nhóm các nhà khoa học thực hiện nhiệm vụ cũng đã triển khai và xây dựng thành công 2 mô hình nuôi trồng rong biển kinh tế tại các đảo tiền tiêu. Đó là mô hình nuôi trồng rong nho biển (Caulerpa lentillifera) trong bể xi măng tại huyện đảo Lý Sơn, tỉnh Quảng Ngãi và mô hình nuôi trồng rong sụn (Kappaphycus alvarezii) trong ô lồng lưới tại huyện đảo Phú Quý, tỉnh Bình Thuận; góp phần chuyển giao công nghệ, phổ biến kỹ thuật, phát triển kinh tế-xã hội tại các đảo tiền tiêu ở biển Việt Nam. Các nhà khoa học xây dựng được bộ giải pháp định hướng phát triển và quản lý, khai thác, bảo tồn, nuôi trồng, phát triển bền vững nguồn lợi rong biển kinh tế tại các đảo tiền tiêu ở biển Việt Nam. Việc triển khai, xây dựng thành công 2 mô hình nuôi trồng rong biển kinh tế đạt hiệu quả cao, đã mở ra hướng phát triển mới cho nghề nuôi trồng rong biển tại các đảo tiền tiêu của Tổ quốc. Với tiềm năng và nhu cầu thị trường lớn; giá trị kinh tế và giá trị dinh dưỡng cao; rong sinh trưởng phát triển nhanh, trong vòng 30-40 ngày nuôi đối với rong nho biển, 60-75 ngày nuôi đối với rong sụn đã có thể cho thu hoạch; thời gian thu hồi vốn nhanh; chi phí đầu tư thấp; kỹ thuật nuôi đơn giản; dễ áp dụng, ít bệnh tật, rất phù hợp với điều kiện kinh tế hộ gia đình. Vì vậy, mô hình nuôi trồng rong nho biển trong bể xi măng, mô hình nuôi trồng rong sụn trong ô lồng lưới có khả năng nhân rộng cao tại các đảo tiền tiêu của Tổ quốc. Đối tượng được hưởng lợi là môi trường sinh thái, nguồn lợi tự nhiên và chính người dân tại các đảo tiền tiêu của Tổ quốc. Khoa học gắn liền với sản xuất và đời sống, góp phần phát triển kinh tế biển, đảo, bảo vệ an ninh quốc phòng, chủ quyền của đất nước.
Văn Hào