Kiên Giang là một trong bốn tỉnh nằm trong vùng kinh tế trọng điểm của đồng bằng sông Cửu Long với khoảng 63.000 km2, bờ biển dài trên 200 km cùng 143 đảo thuộc 5 quần đảo. Tỉnh Kiên Giang đã xác định biển là thế mạnh nổi trội, là yếu tố quyết định tốc độ phát triển kinh tế - xã hội chung của toàn tỉnh nên cần phải được đầu tư đúng mức. Tái cơ cấu ngành kinh tế biển Theo đó, từ khi triển khai nghị quyết của Trung ương và chương trình của Tỉnh ủy về phát triển kinh tế biển, đảo, Kiên Giang đã có nhiều giải pháp nhằm hoàn thiện và tái cơ cấu lại ngành kinh tế biển, trọng tâm là Chương trình 36 của UBND tỉnh về phát triển kinh tế biển Kiên Giang giai đoạn 2011 - 2015.
|
Sau khi chương trình được triển khai, các ngành có lợi thế như: thủy sản, du lịch, vận tải biển, dịch vụ nghề cá, công nghiệp chế biến thủy sản… được đầu tư đúng mức và đã phát huy hiệu quả tích cực, giúp đưa Kiên Giang trở thành tỉnh đứng thứ 3 khu vực đồng bằng sông Cửu Long về phát triển kinh tế. Đến nay, Kiên Giang có gần 13.000 phương tiện đánh bắt thủy hải sản; trong đó có khoảng 4.200 phương tiện đạt công suất từ 90CV trở lên, tổng sản lượng khai thác năm 2015 đạt gần 500.000 tấn, tăng 7% so với cùng kỳ. Tỷ trọng kinh tế biển đang chiếm trên 75% GDP toàn tỉnh, thu nhập bình quân đầu người năm 2015 đạt khoảng 3.000 USD, tăng gấp đôi so với năm 2010. Tính đến cuối năm 2015, tỉnh Kiên Giang thu hút hơn 300 dự án đầu tư vào các vùng ven biển và hải đảo, với tổng vốn đăng ký trên 138.000 tỷ đồng; trong đó, có 98 dự án hoàn thành đi vào hoạt động, như khu du lịch sinh thái Vipearl Phú Quốc, sân bay quốc tế Phú Quốc, cảng Bãi Vòng, cảng quốc tế An Thới, hệ thống vận tải cao tốc đường biển. Bên cạnh đó, bước đầu tỉnh đã hình thành các tour, tuyến du lịch mới; nhiều chuyến bay quốc tế nối Phú Quốc với một số quốc gia như Nga, Singapore, Campuchia, Trung Quốc, Hàn Quốc... góp phần thúc đẩy du lịch phát triển cả về quy mô lẫn chất lượng. Chỉ trong năm 2015, du lịch Kiên Giang thu hút 4,3 triệu lượt khách, tăng 50% so với năm 2010; trong đó khách quốc tế đến Phú Quốc đạt 156.000 lượt khách. Cùng với đó, chế biến và xuất khẩu thủy sản cũng được tập trung đầu tư theo hướng đa dạng hóa sản phẩm. Cách làm phù hợp Theo đánh giá của các ngành chuyên môn, kinh tế biển ở Kiên Giang thời gian qua vẫn chưa phát huy hết thế mạnh sẵn có của mình. Cụ thể, trong lĩnh vực du lịch biển, địa phương vẫn chưa xây dựng được những sản phẩm du lịch mang nét riêng của tỉnh; thiếu những dịch vụ về biển, cơ sở hạ tầng phục vụ du lịch ở một số nơi còn mang tính tự phát nên đã làm giảm tính cạnh tranh đối với ngành du lịch biển. Không chỉ vậy, Kiên Giang đang áp dụng một chính sách chung trong phát triển kinh tế biển, điều này đã gây khó cho các địa phương khi xây dựng môi trường du lịch. Đối với khai thác thủy sản, hiện tại nghề đánh bắt của Kiên Giang đang phát triển theo hướng hình thành những đội tàu đánh bắt xa bờ. Ngoài những ngư trường truyền thống, Kiên Giang đã ký kết với các nước bạn trong khu vực để mở rộng phạm vi hoạt động cho ngư dân. Chính vì thế, ngoài các chính sách hỗ trợ cho người dân vươn khơi bám biển, tỉnh Kiên Giang cần kêu gọi đầu tư các công trình dịch vụ hậu cần nghề cá ở các xã đảo để giảm tối đa chi phí vận chuyển. Ông Mai Anh Nhịn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang cho biết, khai thác thủy sản được xác định là ngành kinh tế không chỉ làm giàu cho đất nước mà còn gắn với bảo vệ chủ quyền, an ninh biển, đảo của Tổ quốc. Tuy nhiên, ngành khai thác hải sản xa bờ ở nước ta; trong đó có Kiên Giang vẫn đang đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức. Hoạt động khai thác vẫn mang tính nghề cá nhân, quy mô nhỏ; hơn 99% tàu cá ở Kiên Giang vẫn là tàu vỏ gỗ, không đảm bảo an toàn hàng hải. Chính vì thế, với ngư trường có khả năng cho phép khai thác hàng năm hơn 400.000 tấn các loại thủy sản, nhưng việc khai thác, nuôi trồng thủy sản, cũng như công nghiệp chế biến ở Kiên Giang phát triển vẫn còn chậm, hiệu quả thấp… Đây là vấn đề Kiên Giang sẽ được cải thiện trong thời gian tới, ông Mai Anh Nhịn cho hay.
Báo Tin Tức