Ngày 27/4, Lễ hội đền thờ Lê Hoàn năm 2023, đón nhận Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia và Tuần lễ văn hóa - du lịch - ẩm thực huyện Thọ Xuân năm 2023 được tỉnh Thanh Hóa tổ chức tại Khu di tích lịch sử quốc gia đặc biệt Đền thờ Lê Hoàn (xã Xuân Lập, huyện Thọ Xuân).
Đây là sự kiện lớn nhằm tôn vinh công đức, sự nghiệp của Anh hùng dân tộc Lê Hoàn và những người có công trong lịch sử dựng nước và giữ nước, đồng thời thể hiện sự tri ân sâu sắc của thế hệ hôm nay đối với di sản văn hóa của cha ông để lại, khơi dậy nét đẹp truyền thống văn hóa xứ Thanh. Sự kiện cũng khẳng định lòng tự hào, tự tôn dân tộc, góp phần giáo dục truyền thống yêu nước, tình yêu quê hương trong mọi tầng lớp nhân dân, từ đó nâng cao tinh thần đoàn kết, phấn đấu xây dựng quê hương, đất nước ngày càng giàu đẹp, văn minh.
Lễ hội nhằm giới thiệu, quảng bá những giá trị văn hóa, kiến trúc tiêu biểu, độc đáo của Di tích quốc gia đặc biệt Đền thờ Lê Hoàn, đồng thời quảng bá tiềm năng văn hóa du lịch, hình ảnh đất và người xứ Thanh đến bạn bè trong nước và quốc tế, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh nói chung, huyện Thọ Xuân nói riêng.
Lễ hội đền thờ Lê Hoàn năm nay gồm các nội dung: Rước kiệu, Dâng hương tại Đền thờ Lê Hoàn, công bố quyết định và trao Chứng nhận Di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia, Chương trình nghệ thuật “Hoàng Đế Lê Đại Hành - Chiến công ghi mãi ngàn năm”…
Tuần lễ Văn hóa - Du lịch - Ẩm thực Thọ Xuân năm 2023 là một chuỗi các hoạt động gồm: Trưng bày, giới thiệu các sản vật địa phương; trưng bày, giới thiệu điểm đến, giá trị di tích, danh thắng trên địa bàn huyện Thọ Xuân và của tỉnh; trình diễn các di sản văn hóa phi vật thể của Thọ Xuân (Trò Xuân Phả, múa Pồn Pôông, Cồng chiêng, Bài điếm...); hội thi “Trình diễn, giới thiệu quy trình sản xuất bánh truyền thống” (bánh chưng nung, bánh gai, bánh lá răng bừa...); hội thi làm cỗ chay tiến Vua…
Theo sử sách: Lê Hoàn sinh ngày 15 tháng 7 năm Tân Sửu (tức mồng 10 tháng 8 năm 941) trong một gia đình nông dân nghèo, cha là Lê Mịch, mẹ là Đặng Thị Sen. Trong cuộc đời 64 năm với 10 năm làm Thập đạo tướng quân, 24 năm làm vua trị vì đất nước, Lê Hoàn (Lê Đại Hành) đã lãnh đạo quân dân Đại Cồ Việt phá Tống, bình Chiêm, mở mang bờ cõi, xây dựng đất nước hưng thịnh. Ông có nhiều công lao trong công việc ngoại giao, xây dựng và kiến tạo quốc gia Đại Cồ Việt. Trong những năm tại vị, ông đã cho xây dựng nhiều công trình kiến thiết, đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp, tổ chức lễ cày tịch điền để khuyến khích nhân dân sản xuất. Ông cũng cho thi công nhiều tuyến kênh đê, mở mang đường xá. Ông là người đầu tiên tổ chức đào sông. Con sông đào do ông chỉ đạo thi công hiện nay vẫn còn ở Thanh Hóa, thường được gọi là kênh nhà Lê.
Với công đức cao dày ấy, sau khi vua Lê Đại Hành mất, người dân đã lập đền thờ tại thôn Trung Lập, xã Xuân Lập (Thọ Xuân) để tưởng nhớ vị vua tài ba. Đền thờ được kết cấu theo hình chữ Công, rộng 13 gian, gồm các nhà tiền đường, trung đường, hậu cung. Đền có hệ vì kèo đặc trưng cho văn hóa thời Tiền Lê. Hệ thống giá chiêng, chồng rường, kẻ bẩy, kèo góc được kết cấu liên kết tạo nên một tổng thể vững chãi cho ngôi đền.
Đền thờ Lê Hoàn còn có những bức chạm thủng, chạm nổi, chạm bong tinh xảo trên một đồ án bố cục chặt chẽ, thể hiện tư duy thẩm mỹ cao của những nghệ nhân tài hoa. Với lối kiến trúc truyền thống cùng nghệ thuật trang trí đặc sắc, Đền thờ Lê Hoàn được đánh giá là một trong những di tích lịch sử, văn hóa - kiến trúc nghệ thuật cổ, đẹp và độc đáo bậc nhất xứ Thanh hiện nay.
Đền thờ Lê Hoàn không chỉ nổi bật với lối kiến trúc nghệ thuật tiêu biểu, mà tại đây còn lưu giữ được nhiều hiện vật quý. Hiện nay, đền còn bảo tồn được những tài liệu, hiện vật cổ như văn bia, sắc phong, lệnh chỉ, câu đối, đại tự, hương án, khám thờ, tượng pháp, 14 đạo sắc phong của các đời vua từ 1674-1887, sáu đạo lệnh chỉ của các chúa Trịnh, chiếc đĩa đá tương truyền là của vua Tống tặng Lê Hoàn...
Với những giá trị lịch sử, văn hóa, kiến trúc nghệ thuật độc đáo, năm 2018, Đền thờ Lê Hoàn được công nhận là Di tích lịch sử quốc gia đặc biệt.
Duy Hưng - Hoa Mai