Phát huy giá trị Di sản văn hóa Chăm trong phát triển du lịch

Tỉnh Ninh Thuận đang tập trung khai thác tối đa giá trị của các di sản văn hóa, đặc biệt là Di sản văn hóa Chăm để góp phần thúc đẩy phát triển du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn. Đây không chỉ là định hướng mà còn là cơ hội để bảo tồn, quảng bá những giá trị văn hóa độc đáo của địa phương nhằm thu hút đông đảo du khách đến khám phá, trải nghiệm.

vna_potal_ninh_thuan_phat_huy_gia_tri_di_san_van_hoa_cham_de_phat_trien_du_lich_7748097.jpg
Đồng bào Chăm ở tỉnh Ninh Thuận có nền văn hóa phong phú và đặc sắc. Ảnh: TTXVN

Nhiều di sản văn hóa đặc sắc

Nằm trong khu vực Nam Trung Bộ, Ninh Thuận là địa phương có đông đồng bào Chăm sinh sống, với hơn 19.590 hộ, trên 90.200 khẩu, chiếm 12,3% dân số toàn tỉnh. Nền văn hóa Chăm mang những nét riêng biệt được thể hiện qua phong tục tập quán, tín ngưỡng, tiếng nói, chữ viết, trang phục dân tộc, nghệ thuật kiến trúc, nghề thủ công, nghệ thuật diễn xướng dân gian, văn hóa ẩm thực, lễ hội..., đóng góp quan trọng vào kho tàng di sản văn hóa Việt Nam.

Di sản văn hóa Chăm, đặc biệt là các công trình kiến trúc tháp Chăm như: Tháp Pô Klong Garai, tháp Hòa Lai, tháp Pô Rômê đang là một trong những điểm nhấn thu hút du khách đến với Ninh Thuận. Trong đó, Di tích Kiến trúc nghệ thuật quốc gia đặc biệt tháp Pô Klong Garai (xây dựng vào khoảng cuối thế kỷ XIII, đầu thế kỷ XIV) là một biểu tượng của nền văn hóa Chăm. Di tích còn tồn tại tương đối nguyên vẹn, được đánh giá là đẹp nhất của các đền tháp Chăm ở Việt Nam, mỗi năm thu hút hàng trăm nghìn lượt khách đến tham quan.

Ông Đổng Văn Nhường, Phó trưởng Phòng Hành chính – Quản lý di tích (Bảo tàng tỉnh Ninh Thuận) cho biết, đến Pô Klong Garai, du khách không chỉ được chiêm ngưỡng kiến trúc cổ kính, mà còn được hòa mình vào không gian văn hóa Chăm qua các nghi lễ, tín ngưỡng truyền thống, biểu diễn nghệ thuật dân gian đặc sắc. Đặc biệt, du khách sẽ được nghe thuyết minh bằng cả tiếng Việt và tiếng Anh để hiểu rõ hơn về lịch sử, nét đẹp văn hóa độc đáo của người Chăm ở địa phương.

Đến với Ninh Thuận, du khách có cơ hội được khám phá bốn Bảo vật quốc gia thuộc Di sản văn hóa Chăm bao gồm: Bia Hòa Lai, Phù điêu Vua Pô Rômê, Bia Phước Thiện và Tượng thờ Vua Pô Klong Garai. Các bảo vật hiện đang được lưu giữ, trưng bày tại Bảo tàng tỉnh Ninh Thuận. Các Bảo vật quốc gia là nguồn tư liệu khoa học quan trọng cho các nhà nghiên cứu về lịch sử, văn hóa, ngôn ngữ, chữ viết và nghệ thuật khi tìm hiểu về nền văn hóa Chăm; đồng thời, khẳng định giá trị đặc biệt của các di tích, góp phần làm tăng sức hấp dẫn cho các điểm đến.

vna_potal_ninh_thuan_phat_huy_gia_tri_di_san_van_hoa_cham_de_phat_trien_du_lich_7748091.jpg
Tỉnh Ninh Thuận nghiên cứu để bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị Di tích quốc gia đặc biệt tháp Hòa Lai gắn với phát triển du lịch. Ảnh: Nguyễn Thành – TTXVN

Trong hành trình khám phá, du khách không chỉ được chiêm ngưỡng những di tích lịch sử mà còn có cơ hội trải nghiệm các tour tham quan làng nghề gốm, làng dệt của đồng bào Chăm. Trong đó, làng Bàu Trúc (thị trấn Phước Dân, huyện Ninh Phước) là làng gốm cổ xưa nhất ở Đông Nam Á, vẫn còn giữ phương pháp làm gốm hoàn toàn thủ công, được các nhà nghiên cứu, du khách trong và ngoài nước xem như là một bảo tàng gốm Chăm sống động. Đến đây, du khách có cơ hội “trở về quá khứ”, khám phá những bí quyết làm gốm, tận mắt chứng kiến những sản phẩm độc đáo được tạo ra từ bàn tay khéo léo của nghệ nhân. Đặc biệt, “Nghệ thuật làm gốm của người Chăm” đã được Tổ chức Khoa học, Giáo dục và Văn hóa của Liên hợp quốc (UNESCO) ghi vào danh sách Di sản Văn hóa phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp, hứa hẹn mang đến cho du khách những trải nghiệm văn hóa sâu sắc.

Ông Phú Hữu Minh Thuần, Giám đốc Hợp tác xã gốm Chăm Bàu Trúc (thị trấn Phước Dân, huyện Ninh Phước) cho biết, gần 50 thành viên hợp tác xã đang nỗ lực để phát triển và nâng cao giá trị của sản phẩm gốm Chăm Bàu Trúc. Bên cạnh việc giữ gìn những giá trị nghề làm gốm truyền thống, các nghệ nhân, thợ thủ công lành nghề chú trọng đổi mới, sáng tạo, tạo ra những dòng sản phẩm gốm trang trí, gốm mỹ nghệ độc đáo, đáp ứng nhu cầu đa dạng của thị trường, góp phần quảng bá hình ảnh văn hóa Chăm.

Đặc biệt, trong kho tàng di sản văn hóa của đồng bào Chăm còn có hệ thống tín ngưỡng, lễ hội như: Lễ hội Katê, tết cổ truyền Ramưwan rất đặc sắc. Trong đó, Lễ hội Katê đã được công nhận là Di sản Văn hóa phi vật thể quốc gia. Lễ hội Katê được tổ chức vào tháng 7 theo lịch Chăm (khoảng tháng 10 dương lịch), diễn ra trong một không gian rộng lớn từ các đền, tháp Chăm cho đến làng xã, với nhiều nghi lễ trang trọng và phần hội đặc sắc. Hiện nay, Lễ hội Katê không chỉ là niềm vui riêng của dân tộc Chăm, mà còn là một trong những ngày hội chung vui của các dân tộc anh em Kinh, Raglai trên địa bàn, thu hút đông đảo du khách đến trải nghiệm.

Động lực cho phát triển du lịch

Ông Nguyễn Long Biên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận thông tin, nhằm phát huy tốt các giá trị di sản văn hóa các dân tộc nói chung và văn hóa đồng bào Chăm nói riêng, xây dựng thương hiệu du lịch văn hóa đặc thù, tỉnh đang tập trung triển khai đồng bộ các chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, đầu tư phát triển hạ tầng du lịch, giao thông. Đồng thời, Ninh Thuận triển khai các dự án phục hồi, tu bổ, tôn tạo di tích lịch sử - văn hóa; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số, tăng trải nghiệm tại các điểm đến; tăng cường kết nối di sản văn hóa Chăm với các danh lam thắng cảnh trên địa bàn để tạo sức hút mới thu hút du khách.

vna_potal_ninh_thuan_phat_huy_gia_tri_di_san_van_hoa_cham_de_phat_trien_du_lich_7748094.jpg
Đồng bào Chăm biểu diễn tiết mục múa truyền thống trong Lễ hội Katê năm 2024. Ảnh: Nguyễn Thành – TTXVN

UBND tỉnh giao Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Trung tâm Nghiên cứu văn hóa Chăm phối hợp các đơn vị nghiên cứu văn hóa chủ động xây dựng các chương trình, kế hoạch sưu tầm, khảo sát, nghiên cứu giải mã các biểu trưng văn hóa, nét đẹp trong phong tục, đời sống, lễ hội dân tộc Chăm để phục dựng, bảo tồn đúng cách, nguyên vẹn những giá trị văn hóa gốc; định hướng phát huy những giá trị văn hóa có thể khai thác để phục vụ phát triển du lịch, tạo thêm việc làm, nâng cao đời sống kinh tế - xã hội của người dân.

Thời gian tới, tỉnh tiếp tục tăng cường giới thiệu những di sản văn hóa, văn nghệ dân gian tiêu biểu của người Chăm thông qua tổ chức trưng bày, giới thiệu các chuyên đề văn hóa, di vật gắn với di tích, các buổi biểu diễn nghệ thuật âm nhạc, dân vũ trong các sự kiện để giới thiệu rộng rãi tới công chúng và du khách. Đồng thời, tỉnh tạo điều kiện để đội ngũ trí thức, người có uy tín, nghệ nhân người Chăm tập trung nghiên cứu tiếng nói, chữ viết của đồng bào; khuyến khích sưu tầm, biên soạn, dịch thuật các tác phẩm văn học, nghệ thuật diễn xướng dân gian.

Thực hiện Đề án phát triển du lịch giai đoạn 2021 – 2025, tầm nhìn đến năm 2030, tỉnh Ninh Thuận đặt mục tiêu năm 2025 đón 3,5 triệu lượt khách, doanh thu từ hoạt động du lịch đạt 2.900 tỷ đồng; đến năm 2030 đón 6 triệu lượt khách với doanh thu từ du lịch đạt 5.900 tỷ đồng, đưa du lịch thực sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn với đóng góp khoảng 15% GRDP. Tỉnh xác định chú trọng phát triển du lịch văn hóa, gắn với bảo tồn, phát huy giá trị các di sản để tạo ra các sản phẩm mới lạ, khác biệt, mang nét đặc trưng riêng, trọng tâm là du lịch biển và du lịch văn hóa Chăm.

Nguyễn Thành

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm