Một góc bản tái định cư Huổi Liếng, xã Nặm Păm, huyện Mường La, tỉnh Sơn La. Ảnh: Nguyễn Cường - TTXVN. |
Lũ quét, sạt lở đất xảy ra chủ yếu là do địa hình dốc đứng, địa chất phức tạp và mưa lớn kéo dài, ngoài ra còn do tác động từ quá trình phát triển, khai thác tài nguyên rừng, khoáng sản, phát triển cơ sở hạ tầng... Trong bối cảnh thiên tai diến biến phức tạp, Chính phủ và các Bộ ngành, địa phương tích cực triển khai các biện pháp nhằm giảm thiểu thiệt hại về người và tài sản do sạt lở đất, lũ ống lũ quét gây ra như: Lắp đặt hệ thống cảnh báo sớm cho một số vị trí có nguy cơ cao xảy ra sạt lở đất, lũ ống, lũ quét; xây dựng bản đồ nguy cơ trượt lở đất đá; cắm biển cảnh báo tại các vị trí nguy hiểm. Bên cạnh đó, trong khuôn khổ Đề án “Nâng cao nhận thức cộng đồng và Quản lý rủi ro thiên tai dựa vào cộng đồng”, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã tổ chức đào tạo giảng viên cấp tỉnh làm nòng cốt triển khai đề án, hàng năm tổ chức diễn tập phòng chống thiên tai cấp huyện, cấp xã; ban hành các tài liệu hướng dẫn tổ chức hộ gia đình phục vụ hoạt động phòng chống thiên tai; triển khai đánh giá nhanh nhà ở an toàn khu vực miền núi. Cũng theo ông Vũ Xuân Thành, trước tình hình thiên tai ngày càng diễn biến phức tạp và khó lường, thời gian tới, các địa phương tiếp tục khẩn trương rà soát, di dời dân tại các điểm có nguy cơ cao về lũ quét, sạt lở đất, phấn đấu đến năm 2025 toàn bộ hộ dân cần di dời khẩn cấp được bố trí đến nơi an toàn. Đồng thời, chương trình tổng thể phòng, chống thiên tai khu vực miền núi phía Bắc tập trung vào nâng cao năng lực ứng phó với lũ quét, sạt lở đất; xây dựng thí điểm lắp đặt cảnh báo tại một số điểm có nguy cơ cao; kế hoạch, phương án đảm bảo an toàn lũ quét, sạt lở đất gắn với phát triển sinh kế của đồng bào, ngăn chặn việc phá rừng; quản lý chặt chẽ các hoạt động khai thác khoáng sản; đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ trong phòng, chống thiên tai, đặc biệt là phòng, chống lũ quét, sạt lở đất. Bên cạnh đó, bằng nhiều hình thức phổ biến sâu rộng tới tất cả người dân và các cấp chính quyền vùng có nguy cơ cao hiểu biết về thiên tai và các biện pháp ứng phó khi xảy ra tại địa phương. Trong gần 20 năm qua, các tỉnh miền núi phía Bắc xảy ra trên 300 trận lũ quét, sạt lở đất với quy mô và phạm vi ngày càng lớn, gây thiệt hại nặng nề về người, tài sản và cơ sở hạ tầng. Điển hình như: Lũ quét tháng 6/1990 trên suối Nậm Lay, thị xã Lai Châu (cũ) làm 82 người chết và mất tích; Lũ quét tháng 9/2002 tại Hương Sơn, Hương Khê, tỉnh Hà Tĩnh làm 53 người chết và mất tích, 370 căn nhà bị cuốn trôi; Lũ quét ngày 5/9/2013 tại xã Bản Khoang, huyện Sa Pa, tỉnh Lào Cai làm 11 người chết và mất tích, 16 người bị thương; Lũ quét sạt lở đất do mưa lũ sau bão số 2/2016 ở Lào Cai làm 15 người chết và mất tích tại các huyện Bát Xát và Sa Pa; sạt lở tại mỏ vàng Mà Sa Phìn, xã Nậm Xây, huyện Văn Bàn làm 10 người chết và mất tích.
Thắng Trung