Tuổi cao nhưng ông Hó vẫn tận tay chăm sóc từng gốc cây trong vườn. Ảnh: Diệp Anh - TTXVN |
Ông Hó là người dân tộc Thái, sinh ra và lớn lên tại bản Tre, xã Chiềng Cang, huyện Sông Mã, tỉnh Sơn La. Ông đã có 38 năm là Bí thư Đảng ủy xã Chiềng Cang trước khi nghỉ hưu về làm nông nghiệp năm 2010. Ông Hó chia sẻ: Thời đầu khi ông làm Bí thư, đời sống của bà con trong xã rất khó khăn, quanh năm chỉ trông chờ vào vụ ngô, sắn. Ông luôn trăn trở với câu hỏi “trồng cây gì, nuôi con gì” để cải thiện đời sống, giúp bà con xóa đói giảm nghèo. Bản thân ông đã đi rất nhiều nơi trong và ngoài tỉnh để tham quan, học tập mô hình phát triển kinh tế.
Năm 1998, sau khi nghiên cứu khí hậu, thổ nhưỡng của địa phương phù hợp với việc trồng cây ăn quả, gia đình ông đã mạnh dạn đi đầu trong việc trồng xen cây lương thực hàng năm với cây ăn quả lâu năm. Qua vài vụ thu hoạch, nhận thấy cây ăn quả dễ trồng, tốn ít công chăm sóc mà cho thu nhập ổn định nên trong các cuộc họp chi bộ, thôn bản ông đã chủ động lồng ghép, tuyên truyền, vận động người dân tái thiết nông nghiệp khu vực đồi núi. Ông Hó bộc bạch, ngày ông làm việc cơ quan, chiều về chăm sóc vườn cây ăn quả của gia đình, tối lại tranh thủ đến từng nhà chia sẻ kinh nghiệm, hướng dẫn bà con cách trồng cây ăn quả cho năng suất cao. Công việc có vất vả song ông rất vui vì được thấy đời sống của bà con ngày càng khấm khá.
Ông Hó thường xuyên cùng hội viên cao tuổi chia sẻ kinh nghiệm trồng cây ăn quả trên đất dốc cho năng suất cao. Ảnh: Diệp Anh - TTXVN |
Năm 2010, sau khi nghỉ hưu, ông quyết định bỏ toàn bộ diện tích trồng xen cây lương thực của gia đình để chuyển đổi cơ cấu cây trồng theo hướng trồng cây ăn quả trên đất dốc, đồng thời áp dụng khoa học công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp. Theo ông Hó, đất đai của hầu hết các hộ tại bản Tre đều manh mún, không liền thửa nên việc gia đình ông muốn mở rộng diện tích trồng cây ăn quả không dễ dàng. Sau đó, ông và các hộ lân cận đã bàn bạc, thống nhất dồn điền đổi thửa. Gia đình ông có hơn 7ha canh tác nhưng ở sâu trong bản, chủ yếu là đồi núi dốc. Thời gian đầu chưa có vốn, chưa có nhân công, ông và các thành viên trong gia đình phải tự tay cắt, ghép từng gốc cây, khai đồi làm vườn. Không ngại khó ngại khổ, ông đến tận vườn mẫu tại các tỉnh Hưng Yên, Hòa Bình, Nghệ An… để học hỏi cách trồng cây ăn quả cho năng suất cao. Gia đình ông đã áp dụng công nghệ tưới nhỏ giọt, hệ thống ruộng bậc thang để tiết kiệm nước cũng như chống xói mòn, sạt lở mà giữ lại được nhiều chất dinh dưỡng trong đất để nuôi cây trồng.
Hiện, gia đình ông đã cải tạo thành công vườn nhãn tạp thành vườn nhãn ghép với 600 gốc, đồng thời mở rộng diện tích trồng cây ăn quả với khoảng 100 gốc bưởi, 100 gốc xoài và hơn 2.000 gốc cam. Vườn cây ăn quả cho thu nhập 500 – 700 triệu đồng/năm, tạo việc làm thường xuyên cho 5 lao động địa phương với thu nhập khoảng 4 triệu đồng/người/tháng. Đầu năm 2018, gia đình ông đã thành lập hợp tác xã nông nghiệp với 17 thành viên đều là người dân tại bản Tre. Hợp tác xã giúp cung cấp giống cây trồng, vật tư nông nghiệp, chuyển giao khoa học kỹ thuật, hướng dẫn xây dựng các mô hình sản xuất nông nghiệp theo hướng hiện đại và bền vững; đồng thời tổ chức sản xuất, tiêu thụ sản phẩm cho các thành viên và người dân địa phương nếu có nhu cầu.
Gia đình ông Hó đã áp dụng công nghệ tưới nhỏ giọt chăm sóc vườn cây ăn quả trồng trên rộng bậc thang. Ảnh: Diệp Anh - TTXVN |
Ông Lò Văn Phứa, người dân tại bản Tre rất phấn khởi khi gia đình ông hiện đã thoát nghèo, có của ăn của để, có tiền lo cho các con đi học. Ông Phứa cho biết, gia đình ông đông người, trước chỉ sống bằng một vụ ngô, sắn mỗi năm nên thường xuyên chịu cảnh thiếu đói, nhất là vào vụ giáp hạt. Được gia đình ông Hó tạo điều kiện, giúp đỡ mượn cây giống, hướng dẫn cách trồng cây ăn quả trên đất dốc nên kinh tế của gia đình ông được cải thiện. Ông cũng đã tham gia vào hợp tác xã nông nghiệp của gia đình ông Hó để tiếp tục cùng phát triển mô hình trồng cây ăn quả trên đất dốc cho năng suất cao.
Ông Lê Hữu Đê, Phó Trưởng Ban đại diện Hội Người cao tuổi tỉnh Sơn La đánh giá, ông Hó là gương điển hình trong phong trào người cao tuổi làm kinh tế giỏi tại địa phương nói riêng và tỉnh Sơn La nói chung. Nguyên là Bí thư Đảng ủy xã nghỉ hưu, ông luôn nêu cao tinh thần học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, phát huy vai trò “Tuổi cao – Gương sáng” bằng những việc làm thiết thực và ý nghĩa. Những năm qua, việc phát triển, nhân rộng mô hình trồng cây ăn quả trên đất dốc cho năng suất cao không chỉ giúp gia đình ông làm giàu mà còn giúp bà con vươn lên thoát nghèo từ nông nghiệp. Đây cũng được chọn là mô hình phát triển kinh tế điểm cho hội viên Hội Người cao tuổi tỉnh Sơn La.
Diệp Anh