"Ông Năm sầu riêng” với sáng tạo khoa học kỹ thuật, sản xuất nông nghiệp hữu cơ

Ông Nguyễn Hữu Năm vận hành máy cày phun thuốc đa năng chăm sóc sầu riêng. Ảnh: K GỬIH-TTXVN
Ông Nguyễn Hữu Năm vận hành máy cày phun thuốc đa năng chăm sóc sầu riêng. Ảnh: K GỬIH-TTXVN

Nhắc đến ông Nguyễn Hữu Năm ở xã Long Tân, huyện Phú Riềng (Bình Phước), người dân địa phương nghĩ ngay cái tên thân mật là “ông Năm sầu riêng”. Dù đã ngoài 70 tuổi nhưng ông Nguyễn Hữu Năm vẫn giữ niềm say mê nghiên cứu, sáng tạo ra máy móc hữu ích trong chăm sóc cây trồng và đặc biệt là sầu riêng hữu cơ.

Vào những ngày đầu tháng 10, trang trại sầu riêng rộng hơn 7 ha của ông Năm được canh tác hoàn toàn theo tiêu chuẩn VietGap đang xanh mướt. Nhiều năm qua, việc trồng sầu riêng luôn hữu cơ gắn liền với sự mày mò nghiên cứu, sáng tạo, đưa tiến bộ khoa học kỹ thuật hiện đại nhất ứng dụng vào sản xuất mang lại hiệu quả kinh tế cao với vườn sâu riêng của gia đình ông Năm.

"Ông Năm sầu riêng” với sáng tạo khoa học kỹ thuật, sản xuất nông nghiệp hữu cơ ảnh 1

Máy cày phun thuốc đa năng do ông Nguyễn Hữu Năm sáng chế. Ảnh: K GỬIH-TTXVN

Ông Năm cho biết, 7 năm về trước, ông đã canh tác theo hướng hữu cơ với quy trình phòng bệnh trên cây sầu riêng chủ yếu bằng thuốc sinh học, bón phân hữu cơ để bảo đảm trái cây ngon, sạch, bảo vệ sức khỏe người trồng và người tiêu dùng. Việc canh tác vườn cây sầu riêng theo hướng hữu cơ sẽ giúp đất tơi xốp, giữ được hệ vi sinh vật trong lòng đất có lợi cho cây trồng. Những sinh vật này thường giúp bộ rễ của cây phát triển mạnh, từ đó kháng được các loại nấm, bệnh gây hại cây trồng. Phương pháp canh tác hữu cơ còn giúp trái sầu riêng của gia đình ông được tới tại các siêu thị, cửa hàng thực phẩm sạch và người tiêu dùng ưa chuộng khắp nơi.

Ông Nguyễn Hữu Năm cho biết: “Vài năm đầu, gia đình chủ yếu canh tác vườn bằng phương pháp thủ công. Hơn 10 năm qua, nhiều khu công nghiệp mọc lên, nguồn lao động phổ thông ở địa phương ngày càng khan hiếm khiến công việc chăm sóc sầu riêng làm không xuể. Để giảm chi phí, nhân công, nâng cao hiệu quả kinh tế, tôi đã tự mày mò, sáng chế ra nhiều trang thiết bị, máy móc phù hợp để canh tác phục vụ thay nhân công”.

"Ông Năm sầu riêng” với sáng tạo khoa học kỹ thuật, sản xuất nông nghiệp hữu cơ ảnh 2

Ông Nguyễn Hữu Năm vận hành máy cày phun thuốc đa năng chăm sóc sầu riêng. Ảnh: K GỬIH-TTXVN

Chiếc máy cày tích trữ nước vào bồn để phun thuốc sinh học cho vườn sầu riêng là sản phẩm ông Năm tâm đắc nhất trong hàng chục sản phẩm đã sáng tạo cải tiến ra. Máy cày được ông tự chế thêm 2 phuy chứa thuốc gắn trên thân máy; phía sau gắn tay bơm, quạt gió... để hỗ trợ việc phun thuốc lên cao và phân tán đồng đều thuốc.

Từ các kiến thức tìm tòi trên internet cùng với sự kiên trì, sai đâu sửa đó, đến nay, chiếc máy cày được cải tiến để phun thuốc sinh học của ông Năm gần như hoàn thiện và phát huy mọi công năng trong vườn sầu riêng cũng như trên cây điều, cao su... “Ưu điểm của máy xịt thuốc cây trồng đa năng là lượng thuốc tản đều khắp cây, cả mặt trong và mặt ngoài tán lá. Phun đều giúp cây hấp thụ tốt chất dinh dưỡng cũng như loại bỏ hoàn toàn sâu bệnh. Hiệu quả của máy tùy theo địa hình, 1 giờ máy có thể phun xịt được gần 1 ha cây trồng. Đặc biệt, ưu điểm lớn nhất của máy là mọi công đoạn đều tự động từ khâu pha thuốc, bơm lên bồn, và xịt lên cây đều do máy thực hiện; con người không phải tiếp xúc trực tiếp với các loại thuốc mà chỉ cần điều khiển xe”, ông Năm cho biết.

Ngoài máy phun xịt thuốc, trong quá trình canh tác cây sầu riêng, ông Năm còn sáng chế ra nhiều giải pháp chăm sóc cây hiệu quả như kéo tỉa cành đa năng, xe gắn máy thành máy cắt cỏ… Nhờ các công cụ hỗ trợ hữu ích, hiện 36 ha vừa trồng cao su vừa trồng sầu riêng, gia đình ông Năm chỉ tốn 6 nhân công thường xuyên. Khi vào mùa cao điểm, gia đình mới phải thuê nhân công theo thời vụ. Từ quy trình canh tác đến ứng dụng kỹ thuật vào sản xuất nên trên cùng một diện tích, sản lượng và chất lượng nông sản của ông Năm luôn đạt cao hơn so với các vườn khác ở địa phương.

"Ông Năm sầu riêng” với sáng tạo khoa học kỹ thuật, sản xuất nông nghiệp hữu cơ ảnh 3Ông Nguyễn Hữu Năm (trái) cùng các xã viên pha thuốc sinh học để chuẩn bị phun tưới bằng máy đa năng. Ảnh: K GỬIH-TTXVN

Từ quy trình sản xuất an toàn, ông Nguyễn Hữu Năm đã đứng ra vận động hộ trồng sầu riêng ở địa phương thành lập Hợp tác xã Long Phú. Đến nay, Hợp tác xã thu hút 12 thành viên với tổng diện tích gần 30 ha, trong đó 23 ha đã cho thu hoạch.

Hiện diện tích của hợp tác xã trồng theo hướng hữu cơ, áp dụng hiệu quả nhiều sáng chế của "ông Nam sầu riêng", sản xuất tập trung và phát triển sầu riêng theo tiêu chuẩn VietGap. Ông Phạm Đình Chung, thành viên Hợp tác xã Long Phú, trồng gần 2 ha sầu riêng. Trước khi chưa vào Hợp tác xã, ông chỉ trồng theo cách tự nhiên nên hiệu quả không cao. Sau khi vào Hợp tác xã, được ông Nguyễn Hữu Năm hướng dẫn tận tình từ quy trình sản xuất hữu cơ nên mỗi ha sầu riêng đem lại thu nhập khoảng 300 triệu đồng/năm cho gia đình ông. Ông Phạm Đình Chung cho biết: “Trước kia, gia đình tôi canh tác sầu riêng theo phương pháp truyền thống. Từ khi vào hợp tác xã và được chú Năm hướng dẫn canh tác theo hướng hữu cơ sạch, vườn cây của gia đình phát triển rất tốt, phẩm chất trái cao, ăn ngon, đặc biệt giá bán cao hơn trước”.

Theo Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bình Phước Lê Thị Ánh Tuyết, Hợp tác xã Long Phú là một trong những đơn vị có quy trình sản xuất theo hướng sạch, an toàn, đủ điều kiện xuất khẩu chính ngạch sầu riêng. Hợp tác xã này là một trong 33 hợp tác xã và 2 cơ sở chế biến được địa phương chọn làm đầu tàu để dẫn dắt quả sầu riêng địa phương xuất khẩu. Ông Nguyễn Hữu Năm là người đi đầu trong sản xuất sầu riêng sạch, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật cũng như sáng tạo ra những nông cụ có ích trong sản xuất các sản phẩm nông nghiệp hữu cơ.

“Để đảm bảo việc xây dựng vùng nguyên liệu ổn định, chúng tôi sẽ phát triển theo hướng nông nghiệp công nghệ cao và liên kết sản xuất. Song song đó, chúng tôi sẽ hỗ trợ về kỹ thuật để làm sao người trồng sầu riêng địa phương sẽ áp dụng các kỹ thuật tiên tiến nhất và xây dựng được vùng chuyên canh lớn để phục vụ cho công tác xuất khẩu”, bà Lê Thị Ánh Tuyết cho biết thêm.

Theo đánh giá của ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bình Phước, sầu riêng là cây rất phù hợp với điều kiện khí hậu thổ nhưỡng ở tỉnh này. Chất lượng trái sầu riêng Bình Phước được đánh giá rất cao về độ thơm ngon, chi phí sản xuất thấp hơn những địa phương khác; quy trình canh tác của người dân rất tiên tiến nhờ áp dụng khoa học kỹ thuật. Ông Nguyễn Hữu Năm là một trong những cá nhân điển hình với niềm say mê sáng tạo ra sản phẩm máy móc hữu ích trong sản xuất nông nghiệp hữu cơ ở tỉnh.

K GỬIH

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm