Trồng dừa xiêm đỏ là cách làm hay của nhiều nông dân, cư ngụ tại xã Tân Mỹ Chánh, thành phố Mỹ Tho, tỉnh Tiền Giang. Ảnh: Minh Trí - TTXVN |
Gia đình ông Sáu chỉ có vỏn vẹn 3.000 m2 đất ruộng (0,3 ha). Trước đây diện tích đất này được trồng lúa, thu nhập bấp bênh, đời sống khó khăn. Ông Sáu đã nghiên cứu chuyển đổi sang lập vườn trồng cây ăn quả kết hợp xây chuồng trại chăn nuôi bò sinh sản. Ông Sáu cho biết: Ông chọn trồng cây dừa xiêm đỏ và con bò sinh sản vì loại cây, con này dễ trồng, dễ chăm sóc, sản phẩm có "đầu ra" thuận lợi, giá cả ổn định, lợi nhuận cho người nông dân cao hơn hẳn việc trồng cây lúa độc canh trước đây. Trong đó, diện tích ông dành để lập vườn trồng dừa xiêm đỏ là khoảng 0,2 ha (2.000 m2) còn lại ông làm chuồng trại nuôi bò sinh sản kết hợp với trồng cỏ chăn nuôi. Để chuyển đổi sản xuất thành công, ông Sáu thường xuyên tham dự các lớp tập huấn khuyến nông, phổ biến kiến thức trồng trọt và chăn nuôi theo khoa học, tham quan những mô hình sản xuất hiệu quả, cập nhật kiến thức mới qua các kênh thông tin đại chúng, qua các nông dân giỏi có nhiều kinh nghiệm chia sẻ… Cây dừa xiêm đỏ hay còn gọi là dừa Mã Lai là giống dừa có nhiều ưu điểm như: Dễ trồng, mau cho trái, năng suất cao …Vào mùa khô hạn, nhu cầu lớn, giá dừa có lúc lên đến 8.000 đồng – 9.000 đồng/trái. Trung bình mỗi cây dừa cho thu hoạch 1 lần/ tháng. Mỗi lần thu hoạch 1 quày dừa gồm từ 15 – 20 trái, bà con bán thu từ 140.000 đồng đến gần 200.000 đồng. Còn vào cao điểm mùa mưa, giá có giảm còn mức 4.000 đồng – 5.000 đồng/ trái, nông dân vẫn có lãi khá. Với 2.000 m2, ông Sáu trồng gần 50 gốc dừa xiêm đỏ, trung bình mỗi năm, sau khi trừ chi phí, ông còn lãi ròng trên 30 triệu đồng, tương đương thu lãi 150 triệu đồng/ ha/năm, gấp nhiều lần so với trồng lúa năng suất cao trước đây. Về chăn nuôi bò, ban đầu ông đầu tư nuôi 4 con bò sinh sản. Sau thấy hiệu quả khá, ông Sáu tiếp tục mở rộng qui mô lên 6 con bò sinh sản đồng thời thuê thêm đất trồng cỏ chăn nuôi nhằm đảm bảo nguồn thức ăn quanh năm cho đàn bò. Bò sinh sản trung bình 3 năm đẻ hai lứa; mỗi lứa đẻ 1 con. Giá bò giống hiện dao động trong khoảng 10 triệu đồng đến 20 triệu đồng/ con. Theo ông Lý Văn Sáu, mỗi năm, gia đình ông thu lãi ròng khoảng 60 triệu đồng từ chăn nuôi bò sinh sản. Còn nếu tính chung cả hai nguồn lợi là từ trồng dừa và chăn nuôi bò, ông thu nhập gần 100 triệu đồng. Ông đã được công nhận là nông dân sản xuất – kinh doanh giỏi tiêu biểu của thành phố Mỹ Tho. Ông Nguyễn Văn Bạn, Phó Chủ tịch Hội Nông dân thành phố Mỹ Tho đánh giá cao nỗ lực chuyển đổi sản xuất thành công của ông Lý Văn Sáu. Đây là một nông dân nhạy bén, năng động, biết thay đổi tư duy và kịp thời nắm bắt những phương thức sản xuất mới để nâng cao hiệu quả sản xuất nông nghiệp. Thực hiện mục tiêu chuyển dịch sản xuất theo mô hình nông nghiệp đô thị, hiện nay, thành phố Mỹ Tho giảm diện tích đất trồng lúa xuống chỉ còn chưa đầy 380 ha, thay vào đó mở rộng diện tích trồng hoa kiểng và rau màu lên trên 800 ha, trên 3.600 ha vườn cây ăn quả đặc sản, chủ yếu là trồng bưởi da xanh, dừa xiêm đỏ, nhãn... Việc chuyển đổi mô hình sản xuất phù hợp đã giúp nhiều nông dân, trong đó có ông Lý Văn Sáu dựng nên cơ nghiệp.
Minh Trí