Mỗi năm hoa đào nở/Lại thấy ông đồ già/ Bày mực Tàu giấy đỏ/ Bên phố đông người qua… Những câu thơ trong bài thơ “Ông đồ” của nhà thơ Vũ Đình Liên gợi nhớ đến những thầy đồ viết câu đối Tết ngày xưa, một phong tục đẹp ở đồng bằng Bắc Bộ. Thế nhưng điều ít người biết là hôm nay, trên đỉnh núi Sín Chải, xã Tả Phìn, huyện Sa Pa (Lào Cai) quanh năm sương mù cũng có một ông đồ như thế.
Ông đồ và lớp học đặc biệt
Chỉ có điều khác lạ và ấn tượng là ông đồ người Dao đỏ giờ chỉ còn một bàn tay lành lặn và một con mắt sáng, nhưng mùa đào nở này sang mùa đào khác, vẫn tình nguyện mở lớp dạy chữ Nôm Dao cho hàng trăm học trò ở khắp nơi và luôn đau đáu với việc bảo tồn chữ viết, sách cổ của người Dao. Ông là Nghệ nhân Ưu tú Tẩn Vần Siệu, người được bà con xã Tả Phìn gọi là thầy giáo của bản Dao.
Chỉ có điều khác lạ và ấn tượng là ông đồ người Dao đỏ giờ chỉ còn một bàn tay lành lặn và một con mắt sáng, nhưng mùa đào nở này sang mùa đào khác, vẫn tình nguyện mở lớp dạy chữ Nôm Dao cho hàng trăm học trò ở khắp nơi và luôn đau đáu với việc bảo tồn chữ viết, sách cổ của người Dao. Ông là Nghệ nhân Ưu tú Tẩn Vần Siệu, người được bà con xã Tả Phìn gọi là thầy giáo của bản Dao.
Nghệ nhân Tẩn Vần Siệu dạy chữ Nôm Dao cho trẻ em xã Tả Phìn. |
Tháng Chạp. Tả Phìn trời rét tái tê và lất phất mưa mù. Trên con đường đất đỏ mới mở lên núi Sín Chải có những đoạn lầy lội và trơn như đổ mỡ, tôi theo chân mấy em nhỏ dân tộc Dao đỏ vượt dốc tìm đến nhà nghệ nhân Tẩn Vần Siệu. Nhìn từ xa, ngôi nhà gỗ nhỏ nằm khuất trong rừng cây tống quá sủ cổ thụ lúc nào cũng lãng đãng sương mây, khiến người ta hình dung đến hình ảnh nơi ở của những ẩn sĩ thời xưa.
Mặc dù bên ngoài trời rét tái tê, nhưng trong gian nhà nhỏ không đủ sáng, bếp than củi cháy rừng rực tỏa khói cay xè mắt, lão nghệ nhân Dao đỏ vẫn đang miệt mài viết những dòng chữ Nôm trên chiếc bảng đã cũ, còn các học trò ngồi kín nhà ông cũng cặm cụi với từng nét chữ. Điều kỳ lạ ở lớp học này là học trò đủ lứa tuổi, chủ yếu là nam giới, có cháu nhỏ mới học lớp 4, lớp 5, còn có những người tóc đã điểm bạc. Vậy mà ai cũng ham học, cũng tỏ ra thích thú với những bài dạy của thầy.
Nghệ nhân Tẩn Vần Siệu chia sẻ rằng, theo quan niệm của đồng bào Dao đỏ, mùa xuân tiết trời ấm áp, muôn hoa đua nở, cây lá đâm chồi, nảy lộc, mở đầu cho một năm, cũng là dịp mọi người tạm nghỉ công việc đồng áng để đón Tết cổ truyền, nên thích hợp để khai bút học chữ Nôm. Lớp học thường bắt đầu từ ngày mùng 1 tết đến hết ngày 15 tháng Giêng, nhưng có năm nhiều học trò ở các tỉnh xa đến nhà tôi từ giữa tháng 11 âm lịch để học chữ, đến hết Rằm tháng Giêng mới về. Tôi hỏi thầy Siệu về khoản đóng góp thì nhận được nụ cười mà rằng: “Học trò nào cũng chỉ cần mang theo một cân gạo, một lít rượu và hai hào bạc để làm lý nhận “sư phụ” thôi. Nhà thầy chật hẹp, học trò ăn ngủ ở đây có khi phải chen chúc nhau, nhưng ngày tết cũng thêm vui vầy, có rau ăn rau, có thịt ăn thịt. Là người Dao đỏ, có học chữ Nôm Dao thì mới đọc, viết được gia phả của tổ tiên, dòng họ, mới thực hành được các nghi lễ cổ truyền”.
Thật kỳ lạ là ở lớp học tềnh toàng trên đỉnh núi này, mỗi mùa hoa đào bung nở, học trò khắp nơi lại nô nức băng rừng vượt núi cả trăm cây số xa xôi tìm đến đây “tầm sư học đạo”. Mùa xuân này qua mùa xuân khác, “ông đồ” của bản Dao đỏ đã dạy chữ Nôm Dao cho trên 300 học trò khắp nơi, từ Lào Cai, đến Lai Châu, Yên Bái, Thái Nguyên.
Trăn trở bảo tồn sách cổ
Bây giờ ở cái tuổi “lục thập nhi nhĩ thuận”, thấu hiểu sự đời, trở thành “sư phụ” của hàng trăm học trò, nghệ nhân Tẩn Vần Siệu vẫn bảo mình thật may mắn vì được sinh ra trong gia đình có truyền thống học chữ Nôm Dao, là người duy nhất trong 5 anh em được bố truyền dạy lại cách viết chữ Nôm, với những bài học về thiện - ác, tốt - xấu, nhân nghĩa ở đời.
Năm thầy đồ ngoài 20 tuổi, trong một lần đi phát nương thảo quả cùng một người bạn trên núi cao không may ông phát phải quả mìn, nên người bạn bị mất đi đôi mắt, còn ông thì mất một bàn tay và một con mắt. Tai nạn đó không làm ông rời xa những dòng chữ nôm Dao. Mấy chục năm qua, thứ tài sản quý giá nhất mà ông vẫn trân trọng, gìn giữ hơn cả bàn tay, con mắt của mình chính là những cuốn sách cổ của tổ tiên do ông vất vả sưu tầm. Giở cho tôi xem những cuốn sách viết bằng mực tàu cổ trên những trang giấy dó mỏng tang, nhiều cuốn đã nhàu nát, ố vàng theo năm tháng, nghệ nhân Tẩn Vần Siệu chia sẻ: Trong kho tàng sách cổ của dân tộc Dao đỏ, có cuốn sách tập hợp những bài cúng thần linh, trời đất, tổ tiên, dòng họ; có cuốn là những bài học về đạo lý làm người, có cuốn tập hợp những bài hát giao duyên, dân ca Dao đỏ… Đó là bách khoa tri thức của tổ tiên người Dao đỏ, không gì có thể đánh đổi được.
Nhờ dày công sưu tầm, bảo tồn sách cổ, hiện nghệ nhân Tẩn Vần Siệu có trên 40 cuốn sách cổ người Dao, có những cuốn sách tuổi bằng 4 - 5 đời người như cuốn “thông sâu” (thông thư) dày trên 400 trang để xem ngày tốt, ngày xấu, ngày làm nhà, cấp sắc, kết hôn; cuốn “Khoi tàn sâu” (Khai đàn cấp sắc) dày 300 trang viết về các nghi lễ cấp sắc cổ truyền; cuốn “Trẩu đàng sâu (Gia phả họ Tẩn) dày 130 trang với hàng trăm bài hát, bài cúng cho đứa trẻ từ khi vừa lọt lòng mẹ đến khi về với tổ tiên; hay cuốn “Suất cành dung” (Hát đối đáp giao duyên) dày 130 trang tập hợp 13 dạng hát đối đáp giao duyên của đồng bào Dao đỏ… Để những cuốn sách quý không bị mai một, ngày ngày nghệ nhân Tẩn Vần Siệu vẫn dành thời gian sao chép, bổ sung, biên soạn ra sách mới, dịch ra tiếng phổ thông. Kiên trì, miệt mài với công việc này, có năm ông chép được 2 - 3 cuốn sách, mỗi cuốn vài trăm trang giấy.
“Ông đồ” Tẩn Vần Siệu dạy học sinh viết câu đối Tết. |
“Bày mực Tàu giấy đỏ…”
Lần này, đến với xã Tả Phìn, tôi có dịp vào thăm Trường Tiểu học Tả Phìn, ngôi trường nhỏ từ lâu đã nổi tiếng với mô hình “Trường học du lịch” vì có những học sinh dân tộc Dao là những hướng dẫn viên du lịch “nhí”. Trò chuyện với cô giáo Nguyễn Thị Kim Thêu, Hiệu trưởng nhà trường, cô tươi cười cho biết: Học sinh của trường không chỉ tích cực học ngoại ngữ, mà còn rất thích học chữ Nôm Dao nữa để hiểu biết về phong tục, bản sắc của dân tộc mình, giới thiệu cho du khách gần xa. Tất cả là nhờ sự nhiệt tình và công lao của nghệ nhân Tẩn Vần Siệu trên núi Sín Chải.
Thì ra, năm học vừa qua Trường Tiểu học Tả Phìn đã mở lớp mời nghệ nhân Tẩn Vần Siệu xuống trường dạy chữ Nôm Dao cho học sinh. Tuy tuổi đã cao, sức khỏe và đôi mắt đều yếu nhưng ông vẫn không quản ngại đường trơn chống gậy vượt dốc hàng cây số xuống trường dạy chữ và dạy những bài hát của dân tộc Dao cho các cháu nhỏ. Buổi học nào mưa to, ông không đi được thì các em nhỏ lại cắp sách vở lên nhà “ông đồ” trên núi để học chữ, học hát. Em Lý Láo Tả (lớp 5) bảo: “Cháu quý ông Siệu lắm vì ông rất hiền, lại dạy cháu biết viết chữ Nôm của dân tộc mình để viết vào vở khoe với các bạn”.
Trong không khí Tết đang ngập tràn muôn nẻo, bên gốc đào cổ bung nở trong vườn Trường Tiểu học Tả Phìn, “ông đồ” Tẩn Vần Siệu mặc áo thổ cẩm, đội khăn truyền thống của dân tộc Dao, dạy học trò viết câu đối đỏ treo bên bàn thờ tổ tiên. Bàn tay ông cầm cây bút lông thật nhẹ nhàng, uyển chuyển đưa từng nét chữ mềm mại trên nền giấy đỏ. Viết xong câu đối, ông đọc to cho thầy cô giáo và các cháu nghe bằng giọng trầm ấm: “Năm mới vốn quý bình an/Vui vẻ ấm no hạnh phúc”. Học trò thích thú vỗ tay reo vang trong khi “ông đồ” cảm nhận rõ mùi hương của những bông hoa đào rơi nhẹ nhàng buông mình xuống trang giấy thắm…
Theo baolaocai.vn