Nhiều nông dân ở Trà Vinh đã phát triển mô hình nuôi vọp cho hiệu quả kinh tế rất cao. Ảnh: cafef.vn |
Ông Nguyễn Văn Mười, ở xã Mỹ Long Nam, huyện Cầu Ngang đã thực hiện mô hình nuôi vọp dưới chân rừng phòng hộ từ 4 năm nay. Ông Mười cho biết, vọp là con nuôi không đòi hỏi kỹ thuật cao và không tốn kém chi phí về thức ăn, chỉ tốn chi phí nguồn con giống, lưới bao để vọp không di chuyển đi nơi khác. Bình quân, trên diện tích 1.000 m2 đất bãi bùn dưới chân rừng, ông thả nuôi 1 tấn con giống có trọng lượng trung bình 40 con/kg, được mua với giá 160.000 – 200.000 đồng/kg. Vọp nuôi từ 10 - 12 tháng là thu hoạch, cho năng suất bình quân 1,5 tấn vọp thương phẩm/1.000 m2 (18 - 20 con/kg). Với giá bán như hiện nay từ 35.000 – 40.000 đồng/kg, trừ chi phí, ông Mười thu lợi nhuận 70 – 80 triệu đồng/1.000m2. Khác với ông Mười, ông Trần Văn Tel, ở khóm 1, phường 2, thị xã Duyên Hải, nuôi vọp trên bãi bồi, với diện tích 0,3 ha. Với diện tích nuôi vọp này, 3 năm qua đều cho gia đình ông mức lợi nhuận từ 150 – 200 triệu đồng mỗi năm, với giá bình quân 25.000 đồng/kg. Ông Tel cho biết, nuôi vọp ở bãi bồi cần phải giăng lưới mùng chôn sâu từ 15 – 20 cm, chiều cao khoảng 20 cm để tránh vọp di chuyển đi nơi khác. Trước khi thả giống phải cần cải tạo mặt bùn, bãi nuôi vọp cần lựa chọn nguồn nước thủy triều lên xuống có nhiều độ phù sa để có thực vật phù sa, tảo đáy, mùn bả làm thức ăn cho vọp. Mô hình nuôi vọp dưới chân rừng, bãi bồi ven sông được ngành nông nghiệp tỉnh Trà Vinh khuyến cáo nông dân trong tỉnh thực hiện, nhất là đối với hộ nghèo, cận nghèo. Do nuôi vọp vốn đầu tư không cao, vọp được nuôi hoàn toàn tự nhiên tại các bãi bùn, không cho ăn thức ăn công nghiệp nên là nguồn thực phẩm sạch. Vọp được chế biến nhiều món ngon được người tiêu dùng ưa chuộng, nên giá vọp trên thị trường luôn ổn định ở mức từ 25.000 – 30.000 đồng/kg. Nhiều năm qua, tỉnh Trà Vinh chủ trương thực hiện việc giao khoán tất cả diện tích rừng phòng hộ ven biển, kể cả rừng mới trồng cho hộ dân nghèo, cận nghèo tại địa phương bảo vệ và khai thác khoanh nuôi các loài hải sản để có nguồn thu nhập nâng cao đời sống. Tính đến nay, tỉnh đã giao khoán gần 5.460 ha rừng cho hộ cá thể, tập thể chăm sóc, bảo vệ, tạo thêm việc làm từ việc khoanh nuôi, khai thác thủy, hải sản dưới chân rừng. Tuy mô hình nuôi vọp dễ thực hiện, cho hiệu quả kinh tế ổn định, nhưng điểm hạn chế lớn là do nguồn con giống chủ yếu khai thác từ tự nhiên, không có con giống nhân tạo. Người dân muốn mở rộng diện tích nuôi vọp rất khó khăn vì khó tìm được nguồn con giống nhiều. Vì thế, mô hình nuôi vọp những năm qua ở Trà Vinh chỉ ở khoảng 200 ha, mặc dù tiềm năng đất bãi bồi ven sông, đất bãi bồi rừng phòng hộ rất lớn.
Phúc Sơn