Theo thông tin từ Cục Kỹ thuật an toàn và Môi trường công nghiệp (Bộ Công Thương), lưu lượng về các hồ chứa thủy điện khu vực Bắc bộ, Bắc Trung bộ, Đông Nam bộ nhiều. Các khu vực khác như Tây Nguyên, nước về nhiều; khu vực duyên hải Nam Trung bộ thấp, dao động nhẹ so với hôm qua.
Các hồ chứa ở lưu vực sông, suối nhỏ khu vực miền núi phía Bắc, Tây Nguyên (Lai Châu, Sơn La, Điện Biên, Hòa Bình, Tuyên Quang, Yên Bái, Lào Cai, Hà Giang, Đắk Lắk, Đắk Nông, Gia Lai, Lâm Đồng) mực nước cao, đang tăng cường phát điện, sử dụng nước hiệu quả tránh xả thừa.
Các hồ thủy điện lớn khu vực Bắc bộ, Bắc Trung bộ, Đông Nam bộ, Tây Nguyên hiện phát điện theo quy trình vận hành và huy động phát điện của cơ quan điều hành.
Một số hồ đã điều tiết nước xả tràn như Lai Châu, Trung Sơn, Buôn Kuôp, Buôn Tua Srah, các hồ lớn còn lại mực nước cao, sẵn sàng xả tràn theo quy định; khu vực duyên hải Nam Trung Bộ đang nâng cao mực nước hồ chứa, phát điện theo quy trình vận hành và huy động phát điện của cơ quan điều hành. Hiện chỉ còn hồ Thác Bà có mực nước thấp.
Dự báo tình hình thủy văn, lưu lượng nước về hồ 24h tới các hồ khu vực Bắc bộ, Bắc Trung bộ, Tây Nguyên, Đông Nam bộ giảm chậm; khu vực duyên hải Nam Trung Bộ giảm.
Báo cáo chi tiết của Cục Kỹ thuật an toàn và Môi trường công nghiệp cho hay, khu vực Bắc bộ, lượng nước về hồ Lai Châu 2.345 m3/s (xả tràn 768 m3/s); hồ Sơn La: 6.832 m3/s; hồ Hòa Bình 3.580 m3/s; hồ Thác Bà 180 m3/s; hồ Tuyên Quang 1.217 m3/s; hồ Bản Chát 1.490 m3/s.
Các hồ có mực nước tăng so với ngày hôm qua, gồm: hồ Lai Châu 294,93 m/265 m (mực nước dâng bình thường: 295m); hồ Sơn La 199,93/175 m (mực nước trước lũ 197.3m), hồ Hòa Bình 101,48/80m (mực nước trước lũ: 101m), hồ Thác Bà 49.53/46 m (mực nước trước lũ: 56m), hồ Tuyên Quang 106,01/90m (mực nước trước lũ: 105.2m), hồ Bản Chát: 461,83/431m (mực nước dâng bình thường: 475m).
Tại khu vực Bắc Trung bộ, các hồ thủy điện lưu lượng về hồ nhiều, giảm nhẹ so với ngày hôm qua; trong đó, hồ Trung Sơn 1.410 m3/s (xả tràn 905 m3/s); hồ Bản Vẽ 1.114 m3/s; hồ Hủa Na 293 m3/s; hồ Bình Điền 5 m3/s; hồ Hương Điền 26 m3/s.
Khu vực Đông Nam bộ, các hồ thủy điện lưu lượng về hồ nhiều, giảm nhẹ so với ngày hôm qua; trong đó, hồ Thác Mơ 390 m3/s; hồ Trị An 1.460 m3/s. Mực nước các hồ tăng so với ngày hôm qua; trong đó, hồ Thác Mơ 212,02/198 m (mực nước trước lũ: 216m); hồ Trị An 60,62/50 m (mực nước trước lũ: 60.8m).
Khu vực Duyên hải Nam Trung bộ, các hồ thủy điện lưu lượng về hồ thấp, giảm nhẹ so với ngày hôm qua: Hồ A Vương 22 m3/s; hồ Đăkđrink 16 m3/s; hồ Sông Bung 4 ở mức 16 m3/s; hồ Sông Tranh 2 là 41 m3/s; hồ Sông Ba Hạ 320 m3/s; hồ Sông Hinh 7 m3/s…
Hiện nay, hàng loạt hồ thủy điện phải xả tràn để đảm bảo an toàn hồ đập do lưu lượng nước tăng nhanh nhưng EVN vẫn khuyến cáo có thể thiếu điện nếu xảy ra tình huống cực đoan.
Theo đó, tập đoàn này dự báo, tháng 8/2023, sản lượng tiêu thụ điện bình quân toàn hệ thống ở mức 825,8 triệu kWh/ngày, tăng 7,3% so với cùng kỳ năm 2022.
EVN lo ngại nếu tình hình thủy văn diễn biến không thuận lợi, lưu lượng nước về trong tháng 8 chỉ tương đương tháng 7, thì sản lượng thủy điện theo nước về bị thiếu hụt. Khi đó, việc vận hành tin cậy và ổn định liên tục của các nhà máy điện than, đặc biệt các nhà máy tại miền Bắc cần phải được đảm bảo.
Theo EVN, nếu các yếu tố bất lợi diễn ra cùng đồng thời, các đơn vị liên quan cần lên phương án cụ thể cho trường hợp thiếu công suất và sản lượng ở miền Bắc. Cụ thể, công suất thiếu hụt có thể lên tới gần 3.298 MW và sản lượng điện thiếu hụt lên tới gần 26,7 triệu kWh/ngày...
Đức Dũng