Nửa tháng nay, mực nước sông Đà, đoạn chảy qua địa bàn huyện Thanh Thủy (Phú Thọ) xuống thấp kỷ lục đã làm cho hàng chục hộ dân nuôi cá lồng đặc sản thêm một lần điêu đứng vì các lồng cá mắc cạn, nằm trơ trọi trên những bãi cát. Câu chuyện nên hay không nên tiếp tục nghề nuôi cá lồng trên sông Đà đã và đang khiến người dân trăn trở, thậm chí nhiều hộ đã phải bỏ nghề hoặc nuôi cầm cự vì tiếc công, vốn đầu tư ban đầu.
Trong khi đó, để phát triển ngành thủy sản, tỉnh Phú Thọ vẫn đang khuyến khích phát triển thủy sản nói chung và nghề nuôi cá lồng nói riêng. Vậy làm thế nào để người nuôi cá lồng yên tâm sản xuất rất cần sự chung tay vào cuộc của các cấp, các ngành liên quan , tỉnh Phú Thọ để nghề nuôi cá lồng trên sông, đặc biệt là sông Đà có cơ hội phát triển và mở rộng…
Trắng đêm cứu cá
Thời tiết bước vào mùa khô, mưa ít, mực nước giảm sâu, người chăn nuôi cá lồng trên sông Đà ở huyện Thanh Thủy, nhất là khu vực xã Xuân Lộc đã và đang bị ảnh hưởng nặng nề.
Đôi mắt đỏ hoe vì thức đêm vớt cá chết, đồng thời cứu cá còn sống sót trong lồng, anh Thiều Minh Thế, khu 5 xã Xuân Lộc buồn bã chia sẻ, nửa tháng nay gia đình thức trắng đêm để cứu cá. Gia đình nuôi 50 lồng cá thì có tới 49 lồng đều có cá chết, thiệt hại khoảng 4 tấn cá thương phẩm, tính giá xuất bán tại lồng 60 ngàn đồng/1kg thì thiệt hại tạm tính hơn 250 triệu đồng chưa kể trước đó cá chết rải rác cũng do nước sông cạn.
Cùng chung cảnh ngộ với anh Thế, gia đình ông Vũ Văn Trung, khu 5, xã Xuân Lộc cũng chịu ảnh hưởng bởi tình trạng nước sông giảm mạnh trong những ngày vừa qua than thở, hết lần này đến lần khác, một năm có mấy lần nước sông cạn, lồng cá treo lơ lửng trên những bãi cát, thiếu nước đồng nghĩa với thiếu ô xy cá chết dần chết mòn, nghĩ mà đau đầu quá. “30 lồng cá, nửa tháng chết hơn 3 tấn toàn cá từ 5 đến 7kg chủ yếu là cá Lăng, Bỗng, Trắm, Điêu hồng; toàn bộ chi phí tiền cám, điện và công chăm sóc gần 1 năm qua đã mất tất rồi” - ông Trung chia sẻ thêm!
Còn anh Đặng Văn Luyện cũng ở khu 5, xã Xuân Lộc, chia sẻ trước năm 2018 gia đình có 22 lồng cá. Do nước cạn, năm 2019 gia đình anh sắp xếp di chuyển được 9 lồng xuống phía dưới hạ lưu (cách chỗ cũ gần 1km) để nuôi, hy vọng có cơ hội vực lại những gì đã mất, tuy nhiên niềm hy vọng của anh Luyện tới nay vẫn chỉ là con số 0 khi mà toàn bộ số lồng mắc cạn, cá thoi thóp thở và chết dần…
Gần 10 giờ đêm, trời tối như mực, ánh đèn từ căn nhà tạm được dựng lên bằng tôn để trông cá leo lắt ánh sáng của những chiếc đèn pin đeo trên đầu lấp lóe rọi vào những con cá chết để vớt lên. Phía xa, 3 người đàn ông đang bắc vòi bơm, nối ống từ đáy lồng cá với chiều dài khoảng 50m để vận hành máy hút bỏ cát từ đáy lồng ra ngoài.
Anh Thiều Minh Thế chia sẻ, cách tốt nhất và duy nhất để cứu cá lúc này của chúng tôi là bơm bỏ cát dưới đáy lồng, tạo dòng chảy dẫn nước từ sông vào, khi có nước phải kết hợp máy tạo ô xy, phần còn lại là tập trung vớt cá chết trong lồng để không bị ô nhiễm nguồn nước
Có nên phát triển nghề nuôi cá lồng trên sông Đà?
Trước năm 2018, xã Xuân Lộc có hơn chục hộ chăn nuôi cá lồng trên sông Đà. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của đợt xả lũ hồ Thủy điện Hòa Bình cũng như tình trạng nước sông Đà giảm mạnh, đến nay, xã Xuân Lộc chỉ còn 8 hộ nuôi cá lồng trên sông với 148 lồng. Theo những người chăn nuôi cá lồng, mực nước sông Đà giảm xuất hiện vào khoảng tháng 10 (âm lịch) hàng năm và kéo dài đến hết tháng 1 (âm lịch) năm sau. Tuy nhiên, hiện tượng nước xuống đã xảy ra nhiều lần trong năm nay.
Anh Thiều Minh Thế - Giám đốc Hợp tác xã cá lồng huyện Thanh Thủy; ông chủ của 50 lồng cá ở Xuân Lộc cho hay, những năm trước đây nuôi cá lồng trên sông Đà có rất nhiều thuận lợi bởi nước sạch, mực nước ổn định nên cá lớn rất nhanh. Tuy nhiên, 3 năm trở lại đây gặp rất nhiều khó khăn và bất lợi do thời tiết, thiên tai, dịch bệnh mang lại làm người chăn nuôi cá lồng trên sông Đà lao đao, hiện nay nhiều hộ đã bỏ lồng.
Mô hình nuôi cá lồng trong ao cũng được người dân áp dụng nhưng không mang lại hiệu quả, quy mô không lớn, lượng nước không phong phú nên cá chậm lớn hơn, số lượng chăn nuôi ít nên thu nhập không được cao. Chúng tôi đã nghĩ đến giải pháp di chuyển lồng, bè đến khu vực có mực nước sâu hơn nhưng chi phí rất lớn, việc di chuyển sẽ làm lồng, bè bị hỏng hóc, nếu bây giờ tái sản xuất lại thì không còn vốn, trong khi đó hiện nay có những hộ vẫn còn nợ cả tỷ đồng. Mặt khác nếu di chuyển thì những năm sau dòng chảy thay đổi, bãi cát bồi ngày càng lớn hơn, mực nước xuống sâu hơn, đến sớm hơn thì liệu có còn kinh phí để di chuyển tiếp không… vì vậy phương án này không khả thi.
Tình trạng nước sông Đà liên tục bị cạn trong nhiều năm trở lại đây đã khiến chi phí chăn nuôi tăng, sản lượng cá giảm, nhiều hộ có nguy cơ “cụt vốn” và không tái đàn, bởi vậy người nuôi cá lồng mong muốn, các cấp, ngành quan tâm, chia sẻ, cần có những chính sách hỗ trợ vốn, kỹ thuật ứng phó với tình trạng nước cạn kéo dài…
Trong câu chuyện nên hay không nên phát triển nghề nuôi cá lồng trên sông Đà ở Thanh Thủy, anh Thiều Minh Thế đại diện cho những người dân nuôi cá lồng chia sẻ, mô hình nuôi cá lồng ở Xuân Lộc cũng như ở nhiều địa phương khác trong huyện được Chi cục Thủy sản Phú Thọ quan tâm phát triển từ nhiều năm nay. Nhiều mô hình điểm đã triển khai thành công như: mô hình cá Bỗng, một loại cá quý hiếm được ví như cá thần Thanh Hóa hay mô hình nuôi cá Lăng, cá Trắm… đều được nuôi thành công và đem lại hiệu quả kinh tế cao cho người nuôi. Thế nhưng 4 năm trở lại đây, người dân nuôi cá lồng ở Thanh Thủy có nguy cơ phá sản, lâm vào cảnh nợ nần… mà nguyên nhân chủ yếu là do nước sông Đà liên tục xuống thấp, lồng không có nước, trơ đáy, treo lồng trên cát dẫn đến cá chết. Nếu không cạn nước thì lại bị công trình thủy điện xả lũ làm nguồn nước bị ô nhiễm cá từ đó cũng chết dần… Nhiều hộ thiệt hại cả tỷ đồng, phải bỏ cuộc, tìm nghề khác…
Thiết nghĩ, nếu tiếp tục duy trì việc chăn nuôi cá lồng trên sông Đà, tỉnh Phú Thọ cùng các cấp chính quyền cần đưa ra những giải pháp hiệu quả và tạo điều kiện thuận lợi cho người dân khắc phục những khó khăn trước mắt và phát triển nghề nuôi cá lồng về lâu dài.
Tạ Văn Toàn