Dấu ấn nông thôn mới ở Thanh Thủy

Huyện Thanh Thủy sau 20 năm xây dựng và phát triển. Ảnh : baophutho.vn
​
Huyện Thanh Thủy sau 20 năm xây dựng và phát triển. Ảnh : baophutho.vn ​

Sau 10 năm thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và sự đồng lòng góp sức của người dân, bộ mặt nông thôn miền núi trên địa bàn huyện Thanh Thủy (Phú Thọ) đã thay đổi rõ nét, khoác lên mình "chiếc áo mới" với cơ sở hạ tầng được đầu tư khang trang, chất lượng giáo dục, y tế hiện đại, mang lại sự hài lòng cho nhân dân. Đây được xem như một “chìa khóa” thành công trên con đường trở thành huyện nông thôn mới thứ hai của tỉnh Phú Thọ

Dấu ấn nông thôn mới ở Thanh Thủy ảnh 1Huyện Thanh Thủy sau 20 năm xây dựng và phát triển. Ảnh : baophutho.vn

 Đổi mới sau 10 năm nỗ lực

Năm 2010, Thanh Thủy bắt tay vào thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới với rất nhiều khó khăn, thách thức về cơ sở vật chất, hạ tầng, đặc biệt thu nhập của người dân còn thấp; tỷ lệ hộ nghèo còn cao; số lao động chưa có việc làm và chưa có trình độ còn nhiều; đường giao thông được cứng hóa và bê tông hóa còn ít…

Cũng như các địa phương khác trên địa bàn huyện Thanh Thủy khi xây dựng nông thôn mới, Bảo Yên gặp không ít khó khăn, song bằng nhiều nỗ lực, xã đã hoàn thành 19/19 tiêu chí xây dựng nông thôn mới vào tháng 11/2017.

Ông Nguyễn Hồng Hương, Chủ tịch UBND xã Bảo Yên cho biết, việc xây dựng nông thôn mới là cả một hành trình chứ không chỉ là điểm đến bởi các tiêu chí nông thôn mới đã đạt chuẩn ở thời điểm này nhưng sẽ không còn phù hợp ở thời điểm sau, khi đời sống vật chất và tinh thần của người dân ngày càng cao.

Vì vậy, Bảo Yên tiếp tục phát huy, khai thác tốt các nguồn lực của địa phương, tranh thủ các nguồn vốn đầu tư từ cấp trên để đầu tư xây dựng, tu bổ các công trình thiết yếu… Giai đoạn 2015-2020, tổng số vốn đầu tư xây dựng nông thôn mới của xã là trên 22,9 tỷ đồng; trong đó, ngân sách xã đầu tư 7,5 tỷ đồng, nhân dân đóng góp 3,9 tỷ đồng, ngân sách cấp trên là 11,5 tỷ đồng…

Từ khi được công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới, bức tranh nông thôn Bảo Yên ngày càng khởi sắc, tốc độ xây dựng cơ sở hạ tầng nhà ở hộ gia đình được đẩy nhanh, đạt 100% gạch ngói hoá, nhà kiên cố chiếm 80%; hệ thống hạ tầng giao thông liên xã được cứng hóa 100%, đời sống vật chất - tinh thần của người dân được nâng lên đáng kể. Tổng thu nhập bình quân đầu người đạt 33,5 triệu đồng/người/năm.

Năm 2015, xã Xuân Lộc, huyện Thanh Thủy là xã thứ 2 trên địa bàn huyện cán đích nông thôn mới. Từ khi được công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới, bức tranh nông thôn ở xã Xuân Lộc, huyện Thanh Thủy ngày càng khởi sắc, đã có 40 dự án được đầu tư trên địa bàn xã với tổng mức hơn 100 tỷ đồng. Việc chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng sản xuất hàng hóa, ngành nghề dịch vụ nông thôn được mở rộng, hệ thống hạ tầng giao thông liên xã được cứng hóa 100%, đời sống vật chất - tinh thần của người dân được nâng lên đáng kể.

So với thời điểm năm 2010, tổng thu nhập bình quân đầu người là 11,5 triệu đồng/người/năm, đến đầu năm 2020 đạt 41 triệu đồng/người/năm, tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 4,02%.

Ông Lê Quốc Kỳ, Chủ tịch UBND xã Xuân Lộc cho biết, mục tiêu xây dựng nông thôn mới là nâng cao đời sống người dân nên tiêu chí về thu nhập được xã quan tâm nâng cao. Dựa trên các tiềm năng, thế mạnh của địa phương trong sản xuất nông nghiệp, xã tạo thành những vùng sản xuất nông nghiệp tập trung chất lượng cao; trong đó phải kể đến các mô hình có hiệu quả kinh tế cao đã được nhân rộng như: Trồng lúa chất lượng cao, dưa chuột bao tử, nuôi thỏ, nuôi cá lồng... góp phần làm tăng thu nhập, ổn định đời sống

Trên đường thành huyện nông thôn mới


Theo báo cáo đến hết năm 2019 huyện Thanh Thủy đã có 100% số xã đạt chuẩn nông thôn mới, hoàn thành 9/9 tiêu chí nông thôn mới cấp huyện và đang đề nghị, xét công nhận huyện đạt chuẩn nông thôn mới năm 2019. Kết cấu hạ tầng nông thôn được quan tâm đầu tư đồng bộ, đã đáp ứng nhu cầu sinh hoạt và sản xuất của người dân; đời sống vật chất, tinh thần của người dân ngày một nâng lên, khoảng cách giàu nghèo, trình độ dân trí của người dân trên địa bàn được thu hẹp; thu nhập bình quân đầu đạt 35,5 triệu đồng/người/năm; tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 3,7% theo chuẩn nghèo đa chiều; tỷ lệ lao động nông thôn có việc làm đạt 95%; diện mạo nông thôn có nhiều khởi sắc…

Ông Dương Quốc Lâm, Chủ tịch UBND huyện Thanh Thủy cho biết, cùng với sự quan tâm, chỉ đạo của các cấp ủy, chính quyền, đông đảo các tầng lớp nhân dân đã tích cực hưởng ứng theo phương châm “đem sức dân xây dựng tương lại hạnh phúc cho dân”, vai trò chủ động của cộng đồng dân cư cũng được phát huy cao độ.

Trong 10 năm qua, tổng số vốn đầu tư cho chương trình này là gần 2.000 tỷ đồng, trong đó ngân sách nhà nước đầu tư đạt 85% còn lại là nguồn xã hội hóa và nhân dân trên địa bàn đã đóng góp, chưa kể hiến hàng vạn mét vuông đất, ủng hộ hàng ngàn ngày công để xây dựng nông thôn mới.

Các chính sách an sinh xã hội, chăm sóc người có công và tạo việc làm cho người lao động được quan tâm thường xuyên. Đáng chú ý là, tỷ lệ hộ nghèo của huyện đã giảm đáng kể chỉ còn 3,7%; Thu nhập bình quân tính theo đầu người đã đạt 32 triệu đồng/người/năm (năm 2010 mới chỉ đạt 14,7 triệu đồng/người/năm).

Chủ tịch UBND huyện Thanh Thủy Dương Quốc Lâm cho biết, trong thời gian tới, huyện sẽ tập trung thực hiện tái cơ cấu, thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn gắn với nâng cao chất lượng xây dựng nông thôn mới, ưu tiên phát triển nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp an toàn, xanh, sạch, có thương hiệu và giá trị kinh tế cao; tập trung chỉ đạo triển khai có hiệu quả các mô hình, dự án phát triển kinh tế tại các xã, thị trấn; tiếp tục đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng nông thôn và đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ khoa học trong sản xuất nhằm duy trì, củng cố và nâng cao chất lượng các tiêu chí nông thôn mới…

Trong buổi thẩm tra kết quả xây dựng huyện đạt chuẩn nông thôn mới của tỉnh Phú Thọ, ông Trần Tú Anh, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Phú Thọ cho biết, hồ sơ đề nghị công nhận huyện Thanh Thủy đạt chuẩn nông thôn mới năm 2019 được đánh giá cơ bản chi tiết, thể hiện đầy đủ các nội dung, kết quả đạt được trong quá trình xây dựng nông thôn mới trên địa bàn huyện.

Trên cơ sở tổng hợp các ý kiến thẩm tra của các thành viên, Đoàn thẩm tra thống nhất đánh giá huyện Thanh Thủy hoàn thành 9/9 tiêu chí huyện nông thôn mới, đủ điều kiện đề nghị, xét công nhận huyện đạt chuẩn nông thôn mới năm 2019, trình các cấp có thẩm quyền phê duyệt.

Tạ Văn Toàn

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm