Nông nghiệp, nông dân, nông thôn ở Kiên Giang (Bài cuối)

Nông nghiệp, nông dân, nông thôn ở Kiên Giang (Bài cuối)

Bài 2 (Bài cuối): Toàn diện "tam nông"

Thực hiện Nghị quyết số 19-NQ/TW, ngày 16/6/2022 của Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về nông nghiệp, nông dân, nông thôn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, tỉnh Kiên Giang hướng đến phát triển “Nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại, nông dân văn minh” trong thực hiện chiến lược phát triển bền vững Đồng bằng sông Cửu Long, thích ứng với biến đổi khí hậu và phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 theo Nghị quyết của Chính phủ.

Nông nghiệp, nông dân, nông thôn ở Kiên Giang (Bài cuối) ảnh 1 Nông dân huyện Hòn Đất sử dụng thiết bị bay không người lái phun thuốc bảo vệ thực vật và phân bón cho lúa Thu Đông. Ảnh: Lê Huy Hải – TTXVN

Phát triển hài hòa

Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Kiên Giang Mai Văn Huỳnh nhấn mạnh: “Tỉnh tranh thủ các nguồn vốn của Trung ương kết hợp vốn địa phương và huy động những nguồn lực hợp pháp khác để tiếp tục đầu tư cho nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Tỉnh phát triển hài hòa giữa nông thôn và thành thị, giữa các tiểu vùng trên địa bàn, gắn kết chặt chẽ giữa phát triển công nghiệp, dịch vụ với nông nghiệp hướng đến “Nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại, nông dân văn minh”.

Tỉnh đề ra mục tiêu đến năm 2030, phấn đấu tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất của toàn ngành nông nghiệp bình quân 4,5 – 5%/năm. Thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn tăng 1,6 lần so với năm 2025, khoảng 96 triệu đồng/người/năm. Tỷ lệ hộ nghèo khu vực nông thôn theo chuẩn nghèo đa chiều giảm dưới 2% so với hộ dân cư nông thôn.

Tỉnh có 100% số xã và đơn vị cấp huyện đạt chuẩn nông thôn mới, trong đó, tỷ lệ xã và huyện đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu không thấp hơn bình quân chung của vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Giá trị sản lượng bình quân trên một ha đất sản xuất nông nghiệp đạt từ 170 – 200 triệu đồng; trong đó, đất trồng trọt đạt từ 140 – 150 triệu đồng/ha; tỷ lệ che phủ rừng duy trì 11%.

Tiếp đó, hướng tầm nhìn đến năm 2045, Kiên Giang phấn đấu tốc độ tăng trưởng và cơ cấu kinh tế ngành nông nghiệp không thấp hơn bình quân chung của vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Đồng thời, thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn cơ bản tiệm cận với khu vực thành thị. Tỉnh tập trung đầu tư phát triển xã, huyện nông thôn mới nâng cao và kiểu mẫu, tiếp tục nâng chất lượng cuộc sống của người dân…

Lãnh đạo tỉnh Kiên Giang nêu quyết tâm, nỗ lực phấn đấu phát triển nông dân và cư dân nông thôn có trình độ, đời sống vật chất và tinh thần ngày càng cao, làm chủ quá trình phát triển nông nghiệp, nông thôn. Nông nghiệp của tỉnh phát triển nhanh, bền vững, hiệu quả, bảo đảm vững chắc an ninh lương thực quốc gia, quy mô sản xuất hàng hóa ngày càng lớn, bảo đảm môi trường sinh thái, thích ứng với biến đổi khí hậu. Nông thôn Kiên Giang phát triển toàn diện, có kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội đồng bộ, hiện đại, cơ cấu kinh tế và hình thức tổ chức sản xuất hợp lý, môi trường sống an toàn, lành mạnh, giàu bản sắc văn hóa dân tộc…

Nông nghiệp sinh thái xanh

Cùng với đó, tỉnh đầu tư phát triển nền nông nghiệp hiệu quả, bền vững, tích hợp đa giá trị theo hướng nâng cao giá trị gia tăng, năng lực cạnh tranh gắn với phát triển công nghiệp chế biến, bảo quản sau thu hoạch và phát triển thị trường nông sản trong, ngoài nước. Tỉnh khuyến khích phát triển nông nghiệp sinh thái, nông nghiệp xanh, hữu cơ, tuần hoàn đảm bảo an toàn thực phẩm, bảo vệ môi trường sinh thái, thích ứng với biến đổi khí hậu.

Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Kiên Giang Lê Hữu Toàn cho hay, tỉnh tiếp tục thực hiện hiệu quả đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp thực chất, hiệu quả, khai thác và phát huy sản phẩm nông nghiệp có lợi thế của tỉnh. Chuyển đổi sang sản xuất nông nghiệp xanh, nông nghiệp sinh thái, nông nghiệp có trách nhiệm, nông nghiệp đa giá trị. Huy động các nguồn lực đầu tư xây dựng và hiện đại hóa hệ thống thủy lợi phục vụ chuyển đổi, phát triển nông nghiệp bền vững tại các tiểu vùng sinh thái.

Theo đó, tỉnh xây dựng các vùng chuyên canh, tổ chức sản xuất liên kết theo chuỗi giá trị gắn với chế biến, ứng dụng khoa học - công nghệ, chuyển đổi số, cơ giới hóa, tự động hóa… Vùng nguyên liệu gắn với liên kết tiêu thụ sản phẩm nông sản và xây dựng thương hiệu, chỉ dẫn địa lý. Tỉnh tập trung phát triển đặc sản địa phương, gắn xây dựng nông thôn mới theo chương trình OCOP, đầu tư sản phẩm OCOP theo hướng nâng cao chất lượng, mẫu mã, quảng bá, kết nối tiêu thụ với thị trường trong và ngoài nước.

Tỉnh phát triển cây trồng có lợi thế là lúa, hồ tiêu, cây rau, cây ăn quả… và cây trồng có triển vọng tốt như cây dược liệu, hoa và cây kiểng… phù hợp với điều kiện địa phương, hình thành các vùng chuyên canh, đồng bộ quy trình canh tác để tăng năng suất, chất lượng, sức cạnh tranh.

Lĩnh vực chăn nuôi, ngoài việc duy trì chăn nuôi lợn, trâu, bò phù hợp, tỉnh chú trọng phát triển vật nuôi đặc sản bản địa, sản phẩm tiềm năng như mật ong, tổ yến… Phát triển chăn nuôi công nghiệp kết hợp truyền thống có cải tiến chất lượng, đảm bảo an toàn sinh học, dịch bệnh và an toàn thực phẩm.

Đối với thủy sản, tỉnh phát triển lợi thế nuôi trồng thủy sản nước ngọt lợ, nhuyễn thể hai mảnh vỏ, ngọc trai… Ứng dụng khoa học – công nghệ vào nuôi trồng thủy sản để nâng cao năng suất, chất lượng và phát triển sản phẩm chiến lược như: tôm, cua, nhuyễn thể, cá nuôi lồng bè trên biển…

Nông nghiệp, nông dân, nông thôn ở Kiên Giang (Bài cuối) ảnh 2Vườn rừng của ông Dương Văn Minh, ấp Thạnh Lợi, xã Thạnh Lộc, huyện Giồng Riềng. Ảnh: Lê Huy Hải – TTXVN

Có chiều sâu hiệu quả

Mục tiêu cao nhất trong phát triển nông nghiệp, nông thôn là nâng cao toàn diện đời sống vật chất và tinh thần của nông dân và cư dân nông thôn. Theo đó, tỉnh chú trọng phát triển mạnh công nghiệp, dịch vụ, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tạo việc làm tại chỗ cho lao động nông thôn, nâng cao thu nhập.

Cụ thể là đầu tư phát triển các cụm công nghiệp, làng nghề theo quy hoạch, tạo môi trường kinh doanh thuận lợi thu hút các thành phần kinh tế đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn, hình thành các doanh nghiệp có quy mô lớn trong sản xuất nông nghiệp, chế biến, thương mại.

Ngoài ra, bảo tồn, phát triển các ngành nghề, dịch vụ nông thôn, du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái gắn với bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống, du lịch gắn với phát triển sản phẩm OCOP…

Trong thực hiện xây dựng nông thôn mới, tỉnh tập trung nguồn lực đầu tư nâng cấp và hiện đại hóa kết cấu hạ tầng nông thôn theo hướng đa mục tiêu bảo đảm kết nối nông thôn – đô thị.

Đồng thời, ưu tiên đầu tư phát triển hệ thống giao thông, thủy lợi, hạ tầng công nghệ thông tin, thương mại, y tế, giáo dục, văn hóa, thể thao khu vực nông thôn từng bước tiệm cận với điều kiện hạ tầng, dịch vụ của đô thị. Xây dựng nông thôn mới đi vào chiều sâu, thực chất, hiệu quả và bền vững, chủ động phòng, chống thiên tai, thích ứng với biến đổi khí hậu, bảo đảm cho sản xuất nông nghiệp và an toàn cho người dân.

Mặt khác, tỉnh khuyến khích đầu tư xây dựng các công trình cấp nước sạch tập trung ở vùng nông thôn theo hình thức xã hội hóa phục vụ nhân dân. Cùng đó, xây dựng cảnh quan nông thôn sáng, xanh, sạch, đẹp, văn minh, giàu bản sắc văn hóa truyền thống và cải thiện điều kiện sống, nhà ở cho người dân, khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường… góp phần đẩy nhanh quá trình hiện đại hóa nông thôn.

Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Kiên Giang Mai Văn Huỳnh nêu: “Nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu trong thực hiện “Nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại, nông dân văn minh” là tỉnh nâng cao vai trò, vị thế, năng lực làm chủ, cải thiện toàn diện đời sống vật chất, tinh thần của nông dân và cư dân nông thôn.

Tỉnh đầu tư phát triển nền nông nghiệp hiệu quả, bền vững theo hướng sinh thái, ứng dụng khoa học – công nghệ tiên tiến, nâng cao chất lượng, giá trị gia tăng. Xây dựng nông thôn mới theo hướng hiện đại gắn với đô thị hóa.

Tỉnh triển khai và thực hiện các cơ chế, chính sách về nông nghiệp, nông dân, nông thôn; tạo đột phá trong nghiên cứu, ứng dụng khoa học – công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, đào tạo nhân lực trong nông nghiệp, nông thôn”.

Cùng với đó, tỉnh tập trung quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường nông thôn, nâng cao khả năng thích ứng với biến đổi khí hậu, phòng, chống thiên tai, sạt lở bờ sông, bờ biển; đồng thời, ưu tiên bố trí nguồn lực và đẩy mạnh tuyên truyền, vận động nhân dân tích cực tham gia phát triển nông nghiệp, nông thôn. (Hết)

Lê Huy Hải

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm