Ngày 02/4/2022, Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 13-NQ/TW, về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Triển khai nhiệm vụ chung này, tỉnh Kiên Giang phát huy mọi tiềm năng, lợi thế, nguồn lực và yếu tố con người để xây dựng Kiên Giang thành tỉnh có chất lượng sống tốt vùng Tây Nam bộ, tỉnh phát triển dẫn đầu vùng Đồng bằng sông Cửu Long và phát triển khá của cả nước vào năm 2030.
Theo đó, ba thành tố nông nghiệp, nông dân, nông thôn có vai trò, vị trí quan trọng đã và đang được tỉnh thực hiện khá thành công. Từ đó, góp phần phát triển nhanh, bền vững kinh tế - xã hội, thích ứng với biến đổi khí hậu, đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế.
Bài 1: Thay đổi nhanh diện mạo
Kiên Giang là một trong những tỉnh trọng điểm về nông nghiệp vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Sau gần 15 năm thực hiện Nghị quyết số 26-NQ/TW, ngày 05/8/2008 của Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa X về nông nghiệp, nông dân, nông thôn, tỉnh phát triển mạnh kinh tế nông nghiệp, thay đổi nhanh diện mạo nông thôn, đời sống nông dân có bước cải thiện đã góp phần quan trọng vào chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Chuyển đổi cơ cấu sản xuất
Thực hiện Nghị quyết số 26-NQ/TW, tỉnh gắn với triển khai thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới trên địa bàn đạt nhiều kết quả thiết thực.
Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Kiên Giang Mai Văn Huỳnh nhấn mạnh: Nông nghiệp của tỉnh đã phát triển cả về quy mô và trình độ sản xuất, bảo đảm an ninh lương thực, xuất khẩu nông sản. Nông dân phát huy tốt hơn vai trò chủ thể, tích cực trong chuyển đổi cơ cấu sản xuất, ứng dụng khoa học – công nghệ, chuyển đổi tư duy từ sản xuất truyền thống sang sản xuất hàng hóa. Nông thôn có sự thay đổi rõ rệt, khởi sắc và từng bước rút ngắn khoảng cách với đô thị.
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Kiên Giang, tỉnh có tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất ngành nông nghiệp trong gần 15 năm qua khá cao, ổn định và nâng cao giá trị gia tăng, phát triển bền vững. Trong 9 tháng năm 2022, tổng sản lượng lúa của tỉnh hơn 3,8 triệu tấn, đạt 87,5% kế hoạch, lúa chất lượng cao chiếm 97,3%; sản lượng thủy sản nuôi trồng 229.151 tấn các loại, đạt 72,7% kế hoạch, trong đó, tôm nuôi 101.814 tấn, đạt 93,8% kế hoạch năm và tăng hơn 21% so với năm 2021.
Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Kiên Giang Lê Hữu Toàn cho biết, sản phẩm nông nghiệp đa dạng hóa, chất lượng tốt, duy trì tăng trưởng ở mức khá cao, khẳng định vị thế quan trọng là trụ đỡ của nền kinh tế. Sản xuất kinh doanh nông nghiệp chuyển mạnh theo hướng nâng cao chất lượng, giá trị gia tăng, an toàn, hiệu quả và bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu.
Cùng với đó, tỉnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng phù hợp với từng tiểu vùng sinh thái và điều kiện tự nhiên, nhất là chuyển đổi hàng chục nghìn ha đất trồng lúa kém hiệu quả sang trồng các loại cây trồng khác và kết hợp nuôi trồng thủy sản mang lại hiệu quả kinh tế cao. Đồng thời, tăng cường chuyển đổi cơ cấu giống, ứng dụng khoa học kỹ thuật, cơ giới hóa để tăng năng suất, chất lượng cây trồng, vật nuôi, giảm chi phí sản xuất.
Đối với trồng lúa chú trọng phát triển liên kết sản xuất theo mô hình cánh đồng mẫu lớn, cánh đồng lớn gắn với tiêu thụ, tăng diện tích lúa chất lượng cao, đảm bảo chế biến gạo đạt chuẩn xuất khẩu. Nuôi trồng thủy sản, tỉnh phát triển nhanh nuôi tôm công nghiệp – bán công nghiệp, từng bước sản xuất theo chuỗi giá trị, ứng dụng công nghệ cao để tăng năng suất, chất lượng.
Nông dân, nông thôn khởi sắc
Trong thực hiện “Nông nghiệp, nông dân, nông thôn”, nông dân Kiên Giang là trung tâm của quá trình phát triển nông nghiệp, kinh tế nông thôn và xây dựng nông thôn mới. Nông dân tích cực trong chuyển đổi cơ cấu sản xuất nông nghiệp, tham gia hợp tác xã, liên kết sản xuất, xây dựng nông thôn mới.
Phần lớn nông dân chuyển đổi tư duy từ sản xuất truyền thống sang sản xuất theo nhu cầu thị trường, sử dụng giống mới, chất lượng, cơ giới hóa trong sản xuất. Nông dân tiếp cận công nghệ mới như: máy cấy, máy sạ lúa theo bụi, máy bay không người lái, trạm bơm kiểu đứng điều khiển bằng điện thoại smatphone… để ứng dụng vào sản xuất, giúp giảm lượng giống, tăng hiệu quả sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, góp phần giảm giá thành sản xuất, tăng hiệu quả kinh tế.
Từ đó, thu nhập của nông dân ngày càng tăng, đời sống vật chất và tinh thần không ngừng được cải thiện.
Năm 2021, thu nhập bình quân đầu người ở nông thôn hơn 50 triệu đồng, tăng gấp 1,2 lần so với năm 2008. Khu vực nông thôn, tỷ lệ hộ nghèo giảm dần qua từng năm, hộ nghèo theo chuẩn đa chiều giảm còn 2,6% và hộ dân có nhà ở kiên cố, bán kiên cố tăng từ 45% năm 2008 lên khoảng 60% hiện nay. Cùng với đó, nông thôn Kiên Giang có sự thay đổi rõ nét, khởi sắc nhờ tỉnh triển khai thực hiện khá hiệu quả chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới.
Ông Danh Thơ, ấp Thạnh Hòa 3, xã Thủy Liễu, huyện Gò Quao bày tỏ: Nhà nước đã đầu tư thủy lợi, thủy nông nội đồng, tập huấn khuyến nông, khuyến ngư cho nông dân, tạo điều kiện thuận lợi và hỗ trợ sản xuất lúa, nuôi tôm đạt kết quả. Bà con ở đây áp dụng khoa học kỹ thuật vào đồng ruộng, năng suất lúa đạt cao, nhất là vụ Đông Xuân hàng năm, bình quân 6 – 7 tấn/ha, có nơi trên 8 tấn/ha. Nhờ xây dựng nông thôn mới mà cuộc sông người dân nông thôn cải thiện, nâng lên đáng kể, mở ra cơ hội vươn lên làm giàu chính đáng.
Còn nông dân Danh Hồng Dân, ấp Cái Nhum, xã Phong Đông, huyện Vĩnh Thuận phấn khởi, Vĩnh Thuận được công nhận huyện nông thôn mới là niềm vui của người dân vùng sâu, vùng xa này. Đối với Phong Đông, so với 10 năm về trước, bộ mặt nông thôn bây giờ thay đổi khác lắm. Nhờ xây dựng nông thôn mới, đường làng, ngõ xóm tráng xi măng, cầu bê tông xây dựng thay thế cầu khỉ, cầu cây tạm đi lại rất an toàn, thuận tiện. Trường học, trạm y tế, điện lưới, nước sạch được đầu tư xây dựng quy mô, khang trang phục vụ đời sống nhân dân...
Đến nay, tỉnh Kiên Giang có 101/116 xã, 5/15 huyện, thành phố đạt chuẩn và hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới là Tân Hiệp, Giồng Riềng, Gò Quao, Vĩnh Thuận và thành phố Hà Tiên. Xây dựng nông thôn mới ở Kiên Giang trở thành phong trào sâu rộng, có sức lan tỏa mạnh mẽ và nhận được sự tham gia tích cực của cả hệ thống chính trị, của toàn dân, góp phần phát triển kinh tế nông thôn.
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Kiên Giang, 100% số xã trong đất liền đã có đường ô tô đến trung tâm, hầu hết các tuyến đường giao thông liên xã, liên ấp trên địa bàn tỉnh đều bê tông hóa. Khu vực nông thôn, tỷ lệ hộ dân sử dụng điện 99,6%, nước sạch hơn 62%, phòng học xây dựng kiên cố và bán kiên cố 95,2%, 100% số xã có trạm y tế, hệ thống thủy lợi từng bước đáp ứng yêu cầu sản xuất nông nghiệp… góp phần làm cho diện mạo vùng nông thôn có nhiều đổi mới, phát triển khởi sắc.
Những khó khăn, bất cập
Tuy nhiên, trong thực hiện Nghị quyết số 26-NQ/TW của Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa X về nông nghiệp, nông dân, nông thôn của tỉnh Kiên Giang còn nhiều những hạn chế, khó khăn, bất cập.
Lãnh đạo tỉnh Kiên Giang chỉ rõ, nông nghiệp phát triển còn thiếu bền vững, tổ chức sản xuất chưa gắn kết chặt chẽ với công nghiệp chế biến và thị trường tiêu thụ, thiếu liên kết trong sản xuất kinh doanh, kinh tế tập thể và hợp tác xã phát triển chưa tương xứng với tiềm năng.
Tình trạng sản xuất “được mùa mất giá” thường lặp đi, lặp lại là rào cản gây khó khăn, trở ngại cho nông dân trong sản xuất, phát triển kinh tế gia đình. Kết cấu hạ tầng kinh tế kỹ thuật nông nghiệp, nông thôn chưa đáp ứng yêu cầu phát triển, nhất là hệ thống thủy lợi và giao thông nông thôn chưa đồng bộ, còn những tồn tại, khó khăn dẫn đến chưa thu hút được nhiều đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn.
Ngoài ra, các dự án công nghiệp và ngành nghề đầu tư vào địa bàn nông thôn, phát triển làng nghề truyền thống còn hạn chế nên chưa khai thác hiệu quả tiềm năng, lợi thế của từng vùng trên địa bàn. Thu nhập của phần lớn nông dân còn thấp, chênh lệch với thành thị còn cao, đời sống nhiều khó khăn. Xây dựng nông thôn mới chưa chú trọng đúng mức đến phát triển kinh tế nông nghiệp gắn với thị trường và tạo sinh kế cho người dân, bảo vệ môi trường, thiếu nguồn lực…
Vì vậy, tỉnh Kiên Giang tiếp tục triển khai đồng bộ các giải pháp, tập trung nguồn lực đầu tư phát triển hiệu quả hơn “Nông nghiệp, nông dân, nông thôn” trong thực hiện chiến lược phát triển bền vững Đồng bằng sông Cửu Long, thích ứng với biến đổi khí hậu và phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 theo Nghị quyết của Chính phủ. (Xem tiếp Bài 2: Toàn diện "tam nông")
Lê Huy Hải