Huyện Giồng Riềng phát triển kinh tế vườn rừng tràm

Vườn rừng của ông Dương Văn Minh, ấp Thạnh Lợi, xã Thạnh Lộc, huyện Giồng Riềng. Ảnh: Lê Huy Hải – TTXVN
Vườn rừng của ông Dương Văn Minh, ấp Thạnh Lợi, xã Thạnh Lộc, huyện Giồng Riềng. Ảnh: Lê Huy Hải – TTXVN

Hiện nay, ngoài thế mạnh chủ lực là sản xuất lúa trong phát triển kinh tế - xã hội của huyện Giồng Riềng, tỉnh Kiên Giang thì những năm qua, nhiều địa phương của huyện này chuyển hướng phát triển kinh tế vườn rừng tràm trên đất trồng lúa kém hiệu quả, đất hoang hóa, nhiễm phèn nặng. Mô hình này trồng cây tràm kết hợp gác kèo ong lấy mật, nuôi cá đồng, ốc… mang lại hiệu quả kinh tế khá cao, giúp nông dân vươn lên làm giàu chính đáng.

Huyện Giồng Riềng phát triển kinh tế vườn rừng tràm ảnh 1Khách tham quan, tìm hiểu vườn rừng của ông Dương Văn Minh, ấp Thạnh Lợi, xã Thạnh Lộc, huyện Giồng Riềng. Ảnh: Lê Huy Hải – TTXVN

Vườn rừng tràm diện tích 22 ha của ông Dương Văn Minh ở ấp Thạnh Lợi, xã Thạnh Lộc, huyện Giồng Riềng, tỉnh Kiên Giang đang giai đoạn từ 1 đến 3 năm tuổi kết hợp gác hơn 120 kèo ong mỗi năm và thả nuôi cá đồng, nuôi ốc và một số loài thủy sản nước ngọt khác dưới mương vườn rừng.

Ông Minh cho biết, trước đây, diện tích đất này hoang hóa, nhiễm phèn nặng, sản xuất lúa kém hiệu quả, thường xuyên thất bát nên chuyển sang nuôi cá đồng, trồng tràm, gác kèo ong lấy mật. Kết quả cây tràm bám rễ phát triển xanh tốt trên vùng đất phèn nặng, hoang hóa đã đem lại nguồn lợi cừ tràm, gỗ tràm, mật ong, cá đồng… giúp cải thiện kinh tế gia đình ông Minh, vươn lên làm giàu chính đáng. Trong 5 năm trở lại đây, mỗi năm ông Minh thu về hàng trăm lít mật ong thiên nhiên, hàng tấn cá đồng và khai thác từ 4 – 5 ha tràm, với tổng thu nhập từ 200 triệu đồng trở lên.

Huyện Giồng Riềng phát triển kinh tế vườn rừng tràm ảnh 2Gác kèo ong lấy mật trong vườn rừng của ông Dương Văn Minh, ấp Thạnh Lợi, xã Thạnh Lộc, huyện Giồng Riềng. Ảnh: Lê Huy Hải – TTXVN

Ông Minh cho biết thêm, trước đây, đồng đất này bị nhiễm phèn nặng, sản xuất không hiệu quả nên tôi đào mương, lên bờ liếp, vừa thả cá đồng nuôi tự nhiên, vừa trồng cây tràm. Mấy năm vừa rồi thu nhập khấm khá lắm, đạt yêu cầu, kinh tế gia đình cải thiện đáng kể, có điều kiện vươn lên làm giàu. Hiện nay, mô hình vườn rừng tràm của gia đình ông có cá đồng, ốc, trồng tràm gác kèo ong lấy mật, mỗi năm thu về hơn 200 triệu đồng.

Với mô hình kinh tế tràm – mật ong – cá đồng đang mang lại hiệu quả kinh tế khá cao, ông Minh tiếp tục phát triển mô hình này như thả thêm cá giống nuôi, thả ốc giống, vệ sinh vườn rừng, chăm sóc cây tràm tươi tốt để thu hút đàn ong mật kéo đến và gác kèo ong lấy mật. Ông Minh nỗ lực, quyết tâm tạo ra môi trường sinh thái tự nhiên trong lành, thân thiện để thu hút du khách đến tham quan, du lịch.

Huyện Giồng Riềng phát triển kinh tế vườn rừng tràm ảnh 3Khách tham quan, tìm hiểu vườn rừng của ông Dương Văn Minh, ấp Thạnh Lợi, xã Thạnh Lộc, huyện Giồng Riềng. Ảnh: Lê Huy Hải – TTXVN

So với nhiều mô hình kinh tế nông hộ khác ở Thạnh Lộc, huyện Giồng Riềng thì đây là mô hình kinh tế mới, vừa giúp nông dân thu về nhiều nguồn lợi trong phát triển kinh tế gia đình, thu nhập ổn định, vừa góp phần cải tạo đất phèn, hoang hóa, tạo môi trường sinh thái xanh, bền vững.

Ông Nguyễn Thanh Tửng, Chủ tịch Hội Nông dân xã Thạnh Lộc, huyện Giồng Riềng chia sẻ, Hội Nông dân xã đã có định hướng, kế hoạch tạo ra nhiều mô hình làm ăn hiệu quả để nhân rộng cho bà con sản xuất phát triển tiếp tục.

Huyện Giồng Riềng phát triển kinh tế vườn rừng tràm ảnh 4Vườn rừng của ông Dương Văn Minh, ấp Thạnh Lợi, xã Thạnh Lộc, huyện Giồng Riềng. Ảnh: Lê Huy Hải – TTXVN

Ở địa bàn này, mô hình vườn rừng tràm kết hợp giữa cây tràm, gác kèo ong thiên nhiên, nuôi cá đồng và ốc đang mang lại hiệu quả rất cao. Những hộ thiếu vốn hay có vốn ít, hội đề nghị ngân hàng chính sách xã hội hỗ trợ hoặc là đề nghị Trung ương Hội, Tỉnh hội tạo điều kiện để hỗ trợ cho bà con có điều kiện phát triển sản xuất tốt mô hình vườn rừng tràm. Hiện tại, xã có diện tích rừng tràm tự nhiên khoảng 674 ha; trong đó, rừng tràm nuôi ong lấy mật hơn 204 ha, mỗi năm thu về hơn 7.000 lít mật ong, với giá thị trường bình quân 800.000 đồng/lít.

Huyện Giồng Riềng phát triển kinh tế vườn rừng tràm ảnh 5Ông Dương Văn Minh, ấp Thạnh Lợi, xã Thạnh Lộc, huyện Giồng Riềng đặt lọp bắt cá nuôi trong vườn rừng. Ảnh: Lê Huy Hải – TTXVN

Nhiều mô hình vườn rừng tràm trên địa bàn xã Thạnh Lộc không những thích nghi với điều kiện sinh thái, đất đai hoang hóa, nhiễm phèn đem lại hiệu quả kinh tế cao mà còn có khả năng ứng phó với biến đổi khí hậu đang ngày càng diễn biến phức tạp.

Huyện Giồng Riềng phát triển kinh tế vườn rừng tràm ảnh 6Ông Dương Văn Minh, ấp Thạnh Lợi, xã Thạnh Lộc, huyện Giồng Riềng đặt lọp bắt cá nuôi trong vườn rừng. Ảnh: Lê Huy Hải – TTXVN

Nhiều chủ vườn rừng tràm ở đây kỳ vọng sẽ phát triển môi trường vườn tự nhiên trong lành, thân thiện, với những loài thủy sản đặc trưng, truyền thống của địa phương để phục vụ du khách đến tham quan, du lịch, hòa mình vào màu xanh của rừng tràm, trải nghiệm nghề gác kèo ong, đặt lờ, đặt lọp bắt cá đồng, mò cua, bắt ốc… dưới tán rừng, góp phần phát triển du lịch sinh thái tỉnh Kiên Giang.

Lê Huy Hải

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm