Thực hiện mục tiêu chuyển đổi sản xuất thích ứng biến đổi khí hậu và “chung sống với lũ”, nông dân hai huyện đầu nguồn sông Tiền (Tiền Giang): Cai Lậy và Cái Bè đã chuyển đổi gần 13.000 ha đất canh tác những địa bàn khó khăn, thường xuyên bị ảnh hưởng lũ lụt sông Cửu Long sang trồng mít Thái chuyên canh mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Với năng suất bình quân vào khoảng 20 tấn/ha, toàn vùng đạt sản lượng mỗi năm từ 260.000 tấn đến 300.000 tấn quả phục vụ tiêu dùng và xuất khẩu. Mít Thái thích hợp với thổ nhưỡng đất đai tại địa phương, cho năng suất cao và đầu ra thuận lợi, vừa tiêu thụ trong nước vừa được thị trường xuất khẩu ưa chuộng, nhất là Trung Quốc.
Đáng mừng là trong năm nay, mít Thái giữ giá cao, mang lại nguồn thu nhập khá, nông dân rất phấn khởi. Theo Giám đốc Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Cai Lậy Nguyễn Thị Lạc, trong 9 tháng năm 2024, mít Thái trên địa bàn luôn có giá. Thời điềm đầu tháng 10/2024, mít Thái loại 1 khoảng 38.000 đ/kg, loại 2 có giá khoảng 21.000 đ/kg, loại 3 khoảng 9.000 đ – 10.000 đ/kg.
Với giá này, sau khi trừ chi phí, nông dân thu lãi từ 150 triệu đồng đến 200 triệu đồng/ha, cao gấp nhiều lần so với trồng lúa năng suất cao nhưng thu nhập bấp bênh trước đây. Do vậy, những nông dân có vườn mít thu hoạch vào thời điểm này rất phấn khởi bởi lợi nhuận cao, tạo dựng cơ nghiệp từ cây trồng đặc sản.
Nông dân Nguyễn Minh Hiếu, trồng 3.000 m2 mít Thái ở phường 4, thị xã Cai Lậy vui mừng cho biết, hôm qua ông vừa bán đầu vụ 5 trái mít đã thu gần 1 triệu đồng. Dự kiến trong những ngày tới, vườn mít của ông vào vụ thu hoạch rộ, hứa hẹn sẽ bội thu.
Ông Nguyễn Văn Nhã, cư ngụ tại ấp 7, xã Mỹ Thành Nam (huyện Cai Lậy) chuyển đổi 2,2 ha đất trồng lúa sang trồng chuyên canh mít Thái cho biết, mít Thái trồng sau 3 năm đã cho trái và cho thu hoạch rải vụ gần như quanh năm, năng suất cao, bình quân đạt 25 đến 30 tấn/ ha/ năm trong điều kiện chăm sóc tốt. Nhờ chuyển đổi sang trồng mít Thái, ông tạo dựng cơ nghiệp vững vàng trên vùng đất ngập lũ trước đây.
Nhằm giúp nông dân địa phương phát huy tiềm năng cây mít Thái giảm nghèo nông thôn, các huyện Cai Lậy và Cái Bè tập trung chuyển giao kỹ thuật thâm canh theo hướng GAP, thực hiện đồng bộ các giải pháp nâng chất lượng nguồn nông sản hàng hóa gắn với khuyến khích các tổ chức, cá nhân, nông dân thiết lập vùng chuyên canh, triển khai việc cấp mã số vùng trồng phục vụ xuất khẩu chính ngạch mít Thái sang thị trường Trung Quốc, thu hút ngoại tệ.
Tại huyện Cai Lậy, Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Cai Lậy đang đầu tư trên 218 triệu đồng triển khai mô hình “Trồng, thâm canh mít theo tiêu chí GAP” với quy mô 2 ha tại thị trấn Bình Phú trong nỗ lực chuyển giao kỹ thuật, nâng cao trình độ thâm canh mít cho nông dân vùng chuyên canh. Dự kiến, tháng 11/2024 tới sẽ tổng kết, đánh giá hiệu quả và nhân mô hình trồng mít ra diện rộng để nông dân cùng áp dụng.
Nhằm tạo vùng nguyên liệu xuất khẩu, đáp ứng tiêu chí xuất khẩu chính ngạch trái cây nói chung, mít Thái nói riêng, tại vùng chuyên canh các huyện Cai Lậy và Cái Bè cũng đã được cấp 47 mã số vùng trồng mít xuất khẩu với tổng diện tích trên 7.500 ha.
Các địa phương đang kỳ vọng với nỗ lực tạo vùng nguyên liệu chất lượng cao cho sản lượng ổn định cung ứng thị trường, phát huy hơn nữa tiềm năng và thế mạnh ngành hàng trái cây xuất khẩu, nông dân các huyện vùng lũ đầu nguồn sông Tiền có thêm nguồn thu nhập cao, ổn định từ vườn mít Thái chuyên canh, giúp ổn định và nâng cao mức sống vừa đổi mới nông nghiệp – nông thôn và xây dựng nông thôn mới trên địa bàn thành công mỹ mãn.
Minh Trí