Nông dân Trà Vinh đang lo lắng trước việc sản xuất vụ lúa Thu Đông và Mùa 2023 – 2024 nhưng giá cả vật tư nông nghiệp đang tăng. Mặc dù giá lúa vẫn ở mức khá cao nhưng nhiều nông dân cho rằng giá vật tư nông nghiệp tăng như hiện nay sẽ khó thu được lợi nhuận.
Nông dân Nguyễn Văn Đậm, ấp Ô Tre lớn, xã Thanh Mỹ, huyện Châu Thành cho biết, từ giữa tháng 10, giá nhiều loại phân bón đã bắt đầu tăng lên. Cụ thể, giá phân urê Cà Mau ở mức 13.200 đồng/kg, tăng 500 đồng/kg; phân NPK 20 – 20 – 15 có giá 17.650 đồng/kg; DAP giá 22.000 đồng/kg, tăng 1.000 đồng/kg so với trước đó.
Theo ông Nguyễn Văn Đậm, hiện nay giá lúa tươi vẫn được thương lái thu mua tại ruộng ở mức từ 8.400 – 8.600 đồng/kg. Tuy giá lúa khá cao nhưng đối vụ lúa Thu Đông và Mùa chi phí sản xuất luôn cao hơn vụ Hè Thu do ảnh hưởng thời tiết, sâu bệnh, bơm tát lúc gần cuối vụ. Năng suất lúa Thu Đông thường chỉ đạt bình quân 5,2 tấn /ha trong khi lúa Hè Thu đạt bình quân 6 tấn/ha.
Ông Lê Văn Thu, xã Phong Thạnh, huyện Cầu Kè cho biết: Gia đình có hơn 1 ha đã xuống giống vụ lúa Thu Đông. Cây lúa chỉ mới qua 30 ngày tuổi và đã tốn chi phí hơn 2 triệu đồng tiền thuốc bảo vệ thực vật diệt ốc bươu vàng, sâu cuốn lá, phân đạm dưỡng cho lúa. Nếu giá phân bón không giảm, dự tính gia đình khó có lợi nhuận như vụ lúa Hè Thu cho dù giá lúa vẫn mức cao.
Để giúp nông dân sản xuất lúa Thu Đông và Mùa đạt hiệu quả, ngành nông nghiệp tỉnh Trà Vinh đã chỉ đạo đơn vị chuyên môn, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn các huyện tăng cường hướng dẫn, chuyển giao kỹ thuật canh tác “3 giảm, 3 tăng”, “1 phải, 5 giảm”, giảm lượng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, tăng cường sử dụng loại phân bón hữu cơ, chế phẩm sinh học nhằm giảm chi phí và thích ứng trong điều kiện mưa, bão, khô hạn.
Theo báo cáo của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Trà Vinh, tính đến cuối tháng 10/ 2023, nông dân trong tỉnh đã xuống giống vụ lúa Thu Đông hơn 71.715 ha, tăng gần 7.000 ha so cùng kỳ và vượt hơn 5 % kế hoạch.
Phúc Sơn