Ông Trần Văn Lương (phường Văn Hải, thành phố Phan Rang – Tháp Chàm) thu lãi 30 triệu đồng/ha/tháng từ cây nha đam. Ảnh: Nguyễn Thành – TTXVN |
Hiện sản phẩm bẹ nha đam tươi được các thương lái, nhà máy chế biến nước giải khát thu mua với giá dao động từ 900 - 1.200 đồng/kg (tùy chất lượng sản phẩm). Thời điểm hút hàng, giá nha đam trên 3.000 đồng/kg. Với giá bán cao, ổn định nhiều hộ trồng nha đam có lãi hàng chục triệu đồng mỗi tháng. Ông Trần Văn Lương (phường Văn Hải, thành phố Phan Rang – Tháp Chàm) có 7 năm kinh nghiệm trồng nha đam chia sẻ, gia đình trồng 1 ha nha đam, bình quân mỗi tháng thu hoạch bẹ lá nha đam 1 đợt, năng suất đạt 50 tấn/đợt/tháng. Với giá bán trung bình 1.000 đồng/kg, doanh thu đạt 50 triệu đồng/tháng, trừ chi phí gia đình lãi 30 triệu đồng/tháng.
Nông dân phường Văn Hải (thành phố Phan Rang – Tháp Chàm) chăm sóc cây nha đam. Ảnh: Nguyễn Thành – TTXVN |
Theo ông Lương, cây nha đam dễ trồng, phù hợp với đất cát pha ven biển và vùng khí hậu khô nóng. Nông dân cũng không mất nhiều chi phí đầu tư ban đầu, trồng một lần có thể thu hoạch lâu dài, thời gian thu hoạch kéo dài 4 – 7 năm. Nha đam từ khi trồng đến khi thu hoạch khoảng 8 – 10 tháng và hiện có nhiều loại khác nhau nhưng chỉ giống Aloe Veral lá xanh thẫm, bẹ to, dễ trồng và năng suất cao. Đến thời điểm thu hoạch, trọng lượng mỗi bẹ nha đam đạt từ 0,8 – 1 kg. Đang thu hoạch những bẹ nha đam xanh mướt giao cho thương lái, bà Nguyễn Thị Lành (phường Mỹ Bình, thành phố Phan Rang – Tháp Chàm) cho hay, trước đây gia đình trồng cây hành, tỏi, ớt nhưng hiệu quả kinh tế không cao. Kể từ khi chuyển sang trồng nha đam gia đình có thu nhập khá hơn. Hiện tại, với 3 sào nha đam cho thu hoạch ổn định, trung bình mỗi tháng gia đình thu gần 15 tấn bẹ, trừ chi phí đầu tư như điện nước, công làm cỏ, phân bón, gia đình thu lãi hơn 10 triệu đồng/tháng. “Chi phí đầu tư ban đầu bao gồm giống, vật tư cho 1 sào nha đam khoảng 5 triệu đồng. Nha đam thích nghi khá tốt với thời tiết nắng nóng nhưng phải thường xuyên tưới nước để giữ độ ẩm cho cây phát triển. Cây nha đam rất dễ chăm sóc, ít bị sâu bệnh, hầu như không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật. Chỉ cần dùng máy bơm hút nước từ giếng lên, sau đó cho chảy vào hệ thống kênh dẫn, tưới cho từng luống cây trong ruộng, ngoài ra kết hợp làm cỏ, cắt bỏ bẹ lá hỏng, chờ đến ngày thu hoạch”, bà Lành chia sẻ thêm.
Nông dân Ninh Thuận thu hoạch nha đam. Ảnh: Nguyễn Thành – TTXVN |
Ông Huỳnh Hải Tiến, thương lái thu mua nha đam ở thành phố Phan Rang – Tháp Chàm cho biết, bình quân mỗi ngày ông thu mua khoảng 20 tấn bẹ nha đam, cung cấp cho các nhà máy sản xuất ở Ninh Thuận, Thành phố Hồ Chí Minh. Vào mùa nắng, nha đam có giá cao hơn so với mùa mưa. Sản phẩm nha đam đã qua lựa chọn được thương lái thu mua ở chợ từ 3.000 - 3.500 đồng/kg, công ty thu mua khoảng 1.500 - 1.700 đồng/kg. Vào mùa mưa giá thu mua bình quân khoảng 1.000 đồng/kg thì người trồng nha đam cũng đã có lãi khá nên bà con yên tâm sản xuất. Hiện nhu cầu sử dụng nha đam ngày càng tăng, các công ty ngoài việc mua nha đam để sản xuất nước uống giải khát, nha đam còn được dùng trong chăm sóc sắc đẹp và là một dược liệu sử dụng trong y học điều trị nhiều bệnh, ông Tiến cho biết thêm.
Nha đam tươi đang được thương lái thu mua với gia dao động từ 900-1.200 đồng/kg. Ảnh: Nguyễn Thành – TTXVN |
Ông Phan Quang Thựu, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Ninh Thuận cho biết, nha đam là một trong 12 sản phẩm nông nghiệp đặc thù của tỉnh, với diện tích 333 ha, sản lượng đạt trên 100.000 tấn/năm, nếu sản xuất đúng quy trình, giá cả ổn định thì người trồng nha đam có thể lãi từ 300 triệu đến 600 triệu đồng/ha/năm. Nha đam hiện là một trong những cây trồng chủ lực mang lại nguồn thu nhập chính cho nhiều nông dân, nhờ trồng nha đam nhiều hộ đã vươn lên thoát nghèo, làm giàu. Hiện nay, ngành nông nghiệp tỉnh đang phối hợp với các bên liên quan tiếp tục nghiên cứu hoàn thiện quy trình kỹ thuật, phù hợp với từng vùng đất trên địa bàn tỉnh để trồng nhân rộng cây nha đam; áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất để nâng năng suất, chất lượng, an toàn sản phẩm. Đồng thời, tăng cường liên kết với các doanh nghiệp thông qua hợp tác xã, tổ hợp tác để hình thành chuỗi liên kết sản xuất – tiêu thụ sản phẩm nha đam theo hướng hiệu quả, bền vững. Dự kiến đến năm 2020, toàn tỉnh phát triển diện tích cây nha đam lên khoảng 500 ha.
Nguyễn Thành