Gần giữa tháng 8 (tháng 7 âm lịch), nước lũ đã bắt đầu mấp mẻ “nhảy khởi bờ”, tràn lên những cánh đồng lúa vừa thu hoạch xong ở khu vực ngoài đê bao của vùng biên giới huyện An Phú, tỉnh An Giang – nơi đón những con nước đầu tiên từ dòng sông Mekong đổ về sông Hậu. Sau nhiều năm lũ thấp, bà con vùng đầu nguồn biên giới An Giang đang nôn nao chờ đợi một “mùa lũ đẹp”, vừa giúp phục hồi hệ sinh thái, vừa mang lại nguồn lợi kinh tế cho mỗi gia đình.
Tất bật "đón lũ"
Trời vừa mờ sáng, tại khu vực ngã tư cầu Bắc Cỏ Lau (xã Phú Hữu, huyện An Phú, tỉnh An Giang), xuất hiện những chiếc xuồng nhỏ đang khai thác và đánh bắt thủy sản – hình ảnh vốn đã quen thuộc với người dân nơi đây mỗi khi lũ về.
Ông Nguyễn Văn Hiền (xã Vĩnh Hội Đông, huyện An Phú, tỉnh An Giang) cho biết, gần 20 năm làm nghề đặt dớn mưu sinh mùa nước nổi, cứ đến tháng 7 âm lịch hàng năm, khi nước dưới sông Vĩnh Hội Đông trước nhà đổi từ màu xanh sang đỏ ngầu phù sa lại thấy chộn rộn trong lòng.
Theo ông Hiền, bắt đầu vào mùa mưa, bà con gắn bó với nghề “bà cậu” (nghề dùng lưới đánh bắt tôm cá) ở vùng đầu nguồn sông Cửu Long luôn theo sát diễn biến và dự báo mực nước lũ cao hay thấp, về muộn hay sớm để có phương án chuẩn bị ngư cụ đánh bắt hiệu quả nhất
“Những năm gần đây, nước lũ nhỏ, về trễ nhưng rút nhanh nên cá không có nhiều. Mấy ngày gần đây, mưa nhiều, con nước “nhảy mạnh”, thả lưới thấy dính cá khá nhiều; nếu chịu khó, mỗi ngày cũng bắt được từ 5 - 7 kg cá mè vinh, cá dảnh, cá chạch,… đem ra chợ bán cũng kiếm được khoảng 200.000 đồng, đủ trang trải cuộc sống gia đình” – ông Hiền chia sẻ.
Từ sông Vĩnh Hội Đông xuôi về Châu Đốc và thị xã Tịnh Biên (tỉnh An Giang), nhiều cánh đồng ngoài khu vực đê bao đã bắt đầu ngập nước. Trên bờ, nhiều gia đình tất bật chuẩn bị ngư cụ sẵn sàng cho mùa cá mới.
Đang loay hoay vá lại những tấm lưới bị rách từ năm ngoài, anh Nguyễn Văn Toàn (ngụ xã Vĩnh Tế, thành phố Châu Đốc, tỉnh An Giang) tâm sự, nhà có gần 10 công (10.000 m2) đất làm lúa, thu nhập chỉ đủ sống nên vợ chồng anh phải đi làm công nhật cho mấy chủ vườn xoài ở Long Bình, An Phú. Bắt đầu từ tháng 7 đến tháng 10 âm lịch, khi nước lũ tràn về, đồng ruộng ngập trắng xóa, vợ chồng anh trở về với nghề giăng lưới bắt cá trên những cánh đồng ngập lũ để tăng thêm thu nhập.
“Ở đây, mỗi hộ dân chỉ có vài công ruộng, thậm chí không có nên ai cũng trông đến mùa nước lũ đi giăng lưới để có tiền dành dụm, tiêu xài. Mấy hôm nay, cá dính lưới cũng nhiều, ngày cũng được từ 3 - 4 kg. Đầu mùa, giá bán cao nên mình cũng sống được"- anh Toàn bộc bạch.
Chờ “mùa lũ đẹp”
Đang hì hục dựng lại chiếc cầu dưới bến kênh Trà Sư thật kiên cố để neo đậu thuyền và vỏ lãi (thuyền máy hoặc xuồng) được chắc chắn. Ông Lê Văn Giáp (70 tuổi, ngụ phường Nhơn Hưng, thị xã Tịnh Biên, tỉnh An Giang) cho biết, năm nay, mới đầu tháng 7 (âm lịch) mà mực nước đã lấp ló “nhảy khỏi bờ” nên bà con ai cũng vui, hy vọng sẽ có “một mùa lũ đẹp”, mang theo nhiều tôm cá và phù sa cho đồng ruộng.
Theo ông Giáp, trước đây, cứ vào tháng 6 âm lịch hàng năm, khi con nước nổi từ thượng nguồn sông Mekong ào ạt đổ về vùng đầu nguồn châu thổ Cửu Long, đó là dấu hiệu của một mùa nước nổi, hay còn gọi là mùa lũ ở Đồng bằng sông Cửu Long. Con nước về mang theo phù sa và nhiều loại sản vật tự nhiên, nhất là cá, tôm, cua, ốc.. nhưng bây giờ chỉ còn là những hoài niệm.
“Hình ảnh mua bán cá đồng mùa nước nổi tại chợ Cây Mít, hay “chợ ma” Tha La tấp nập kẻ bán người mua; cá được bạn hàng cân theo giạ (thúng) giờ chỉ còn là dĩ vãng. Hồi ấy, cá ăn không hết, bà con phải ủ làm mắm, phơi khô”, ông Giáp bộc bạch.
Dù biết là khó có mùa lũ như ngày xưa, nhưng ông Giáp và những người theo nghề “hạ bạc” (đánh bắt thủy sản) ở vùng đầu nguồn sông Cửu Long vẫn trông chờ vào mùa lũ. Bởi với họ, mùa nước nổi như là một món quà mà mẹ thiên nhiên ban tặng cho họ với biết bao sản vật tự nhiên,…
Mực nước lũ năm 2024 tại các tỉnh đầu nguồn Đồng bằng sông Cửu Long được dự báo sẽ ở mức trung bình hoặc cao hơn mức trung bình của 2 năm gần đây, nhưng sẽ “không đẹp” như kỳ vọng.
Còn theo ông Nguyễn Đức Duy, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn An Giang, hiện nay, mực nước khu vực thương lưu 2 cống Tha La và Trà Sư đang ở dưới 1,5m. Để đảm bảo đúng quy trình vận hành hệ thống công trình thủy lợi vùng Tứ giác Long Xuyên (theo Quyết định 3829/QĐ-BNN-TCTL của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), nhằm bảo vệ sản xuất, tỉnh An Giang sẽ thực hiện việc vận hành đóng 2 cống Tha La và Trà Sư khi mực nước thượng lưu cống cao trên 1,5m. Trước khi vận hành đóng cống, tỉnh An Giang sẽ thông báo rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng, giúp người dân trong vùng biết, đồng thời lắp đặt biển cảnh báo, túc trực tại công trình theo quy định.
Công Mạo