Ông Nguyễn Văn Châu, thôn Phú Lộc, xã Phước Lộc (Đạ Huoai) thu hoạch sầu riêng. Ảnh: Phạm Kha – TTXVN |
Năm 2017, toàn huyện Đạ Huoai có 9.500 ha điều bị bọ xít muỗi gây hại với mức độ thiệt hại 70%. Mặc dù được chính quyền hỗ trợ, cung cấp thuốc diệt côn trùng, hỗ trợ tiền để chăm sóc, tái canh diện tích điều đã già cỗi, bị sâu bệnh, nhưng chưa thể phục hồi. Năm 2018, hầu hết các diện tích điều này chỉ cho thu hoạch khoảng 40% so với các mùa vụ trước khi xảy ra dịch bệnh. Nguyên nhân do cây chưa kịp phục hồi, lại gặp mưa trái mùa chứa a xít khi đang trổ bông, khiến cho hoa bị cháy khô, không thể đậu quả. Ngoài ra, một số loại cây trồng khác như cây mía, cà phê cũng cho hiệu quả kinh tế thấp.
Từ thực trạng này, hàng trăm hộ nông dân ở các xã Hà Lâm, Phước Lộc, Đạ P’Loa, Đạ Oai… đã chuyển đổi các loại cây trồng có năng suất thấp, sang trồng cây sầu riêng, bước đầu cho hiệu quả kinh tế cao.
Anh Võ Thành Thiên ở thôn 3, xã Đạ Oai cho biết, gia đình anh đã chuyển đổi từ cây điều sang trồng 8000 m2 sầu riêng Thái cách đây 7 năm. Trong năm 2017, gia đình anh đã thu được 8 tấn sầu riêng. Toàn bộ vườn đều được anh đầu tư hệ thống tưới phun sương, giảm được thời gian tưới cũng như tiết kiệm nước. Sầu riêng mùa trước có giá bán khoảng 45.000 – 55.000 đồng/kg, tới mùa sẽ có thương lái vào tận vượn hái và vận chuyển đi.
Ông Nguyễn Dần, ở thôn 3, xã Đạ Oai là một trong những người đi tiên phong trong chuyển đổi cây trồng. Ông Dần cho biết, trước kia gia đình ông trồng 8300m2 đất mía, mặc dù công sức bỏ ra nhiều, nhưng cả năm chỉ thu hoạch được khoảng 20 triệu. Nhận thấy cây sầu riêng phù hợp với khí hậu ở đây, nên ông đã vay mượn để chuyển qua trồng loại cây này. Sau 5 năm chăm sóc, diện tích sầu riêng của ông đã bắt đầu cho thu bói với sản lượng tăng lên dần mỗi năm.
Năm 2015 gia đình ông chỉ thu được 300kg trái nhưng năm 2017 đã tăng lên được 12 tấn.Với giá sầu riêng dao động khoảng 45.000 đồng/kg, gia đình ông thu về trên 500 triệu đồng. Ông Dần cũng chủ yếu trồng giống sầu riêng Thái vì cây cho năng suất cao, hạt nhỏ và đặc biệt rất thơm. Hiện nay vườn sầu riêng nhà ông đang ra hoa rất sai và đã có quả nặng khoảng 1 kg, sẽ hứa hẹn một mùa vụ bội thu. Ông Dần dự tính mùa vụ năm nay sẽ thu được khoảng 20 tấn quả.
Ông Phan Tấn Phong, chủ doanh nghiệp Minh Hoàng Khôi – thương hiệu sầu riêng đầu tiên tại Đạ Huoai. Ảnh: Phạm Kha – TTXVN |
Xã Đạ Oai hiện có các loại cây chủ lực như điều, cà phê, tiêu, cao su, chôm chôm, mít…Trong 100 ha cây sầu riêng của xã, có tới gần 14ha được trồng mới. Năng suất sầu riêng hiện đang đạt 150 tạ/ha với sản lượng vụ 2017 trên 250 tấn.
Ông Võ Văn Đào, Chủ tịch UBND xã Đạ Oai cho hay, hiện nay các hộ dân thực hiện chuyển đổi cây trồng đều khá thành công. Trước đây, xã có trên 100 ha trồng mía nhưng đến nay chỉ còn khoảng 17 ha, con số này cho thấy sự thay đổi mạnh mẽ trong tư duy canh tác của người dân. Cây gì có năng suất thấp cần loại bỏ nhanh chóng, thay vào đó là cây có giá trị kinh tế cao, hiệu quả, mang lại nguồn lợi lớn.
Trong ba năm qua, chính quyền địa phương đã hỗ trợ người dân 60% chi phí giống cây trồng khi chuyển qua trồng sầu riêng. Năm 2018, người dân sẽ tự mua giống, trồng cây sống rồi chính quyền sẽ tới nghiệm thu sau đó hỗ trợ bằng tiền cũng với tỉ lệ 60%.
Thương hiệu “Sầu riêng Đạ Huoai” đã được Cục sở hữu trí tuệ, Bộ Khoa học và công nghệ công nhận vào năm 2016. Tới năm 2017, đã có 15 tổ chức, cá nhân được cấp chứng nhận thương hiệu “Sầu riêng Đạ Huoai”.
Huyện Đạ Huoai hiện có khoảng trên 2.000 ha cây sầu riêng đã cho thu hoạch. Sầu riêng Đạ Huoai đã có tiếng trên địa bàn cả nước với các loại sầu riêng Thái, cơm vàng hạt lép, Ri 6, 9 Hoá… Năm 2017, sản lượng sầu riêng của địa phương này đạt trên 10.000 tấn. Nhiều hộ nông dân trồng sầu riêng có thu nhập từ 500 triệu đến 2 tỷ đồng/năm.
Ông Võ Văn Đào, Chủ tịch UBND xã Đạ Oai cho hay, hiện nay các hộ dân thực hiện chuyển đổi cây trồng đều khá thành công. Trước đây, xã có trên 100 ha trồng mía nhưng đến nay chỉ còn khoảng 17 ha, con số này cho thấy sự thay đổi mạnh mẽ trong tư duy canh tác của người dân. Cây gì có năng suất thấp cần loại bỏ nhanh chóng, thay vào đó là cây có giá trị kinh tế cao, hiệu quả, mang lại nguồn lợi lớn.
Trong ba năm qua, chính quyền địa phương đã hỗ trợ người dân 60% chi phí giống cây trồng khi chuyển qua trồng sầu riêng. Năm 2018, người dân sẽ tự mua giống, trồng cây sống rồi chính quyền sẽ tới nghiệm thu sau đó hỗ trợ bằng tiền cũng với tỉ lệ 60%.
Thương hiệu “Sầu riêng Đạ Huoai” đã được Cục sở hữu trí tuệ, Bộ Khoa học và công nghệ công nhận vào năm 2016. Tới năm 2017, đã có 15 tổ chức, cá nhân được cấp chứng nhận thương hiệu “Sầu riêng Đạ Huoai”.
Huyện Đạ Huoai hiện có khoảng trên 2.000 ha cây sầu riêng đã cho thu hoạch. Sầu riêng Đạ Huoai đã có tiếng trên địa bàn cả nước với các loại sầu riêng Thái, cơm vàng hạt lép, Ri 6, 9 Hoá… Năm 2017, sản lượng sầu riêng của địa phương này đạt trên 10.000 tấn. Nhiều hộ nông dân trồng sầu riêng có thu nhập từ 500 triệu đến 2 tỷ đồng/năm.
Chu Quốc Hùng